Pháp đối mặt với nguy cơ bế tắc chính trị

Kết quả sơ bộ bầu cử quốc hội Pháp vòng 2 ngày 7-7 cho thấy, liên minh cánh tả bất ngờ chiếm vị trí dẫn đầu, vượt qua đảng Mặt trận quốc gia (RN) cực hữu - đảng đã dẫn đầu vòng 1. Sau bầu cử, Pháp đối mặt với nguy cơ bế tắc chính trị dẫn đến tình trạng quốc hội treo (không có đảng nào dành đủ đa số để thành lập chính phủ).

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã tuyên bố sẽ gửi đơn từ chức tới Tổng thống Emmanuel Macron vào sáng 8-7 và sẽ thực hiện chức trách tới khi nào cần thiết. Tuyên bố trên được Thủ tướng Attal đưa ra sau khi liên minh Mặt trận Bình dân mới (NFP) giành đa số ghế tại vòng 2 của cuộc bầu cử quốc hội Pháp. NFP là liên minh rộng lớn của phe cánh tả gồm đảng Xã hội, đảng Nước Pháp bất khuất (LFI), đảng Xanh và đảng Cộng sản.

Trong một diễn biến khác, cựu Thủ tướng Edouard Philippe cho rằng, nước Pháp cần có một thỏa thuận để đảm bảo có được một chính phủ ổn định, đồng thời khẳng định sẵn sàng gánh vác trọng trách này và mời những người khác cùng tham gia.

Theo France 24, NFP của Pháp đã giành được số ghế lớn nhất trong vòng 2. Đây là một kết quả đáng kinh ngạc đối với một cuộc bầu cử diễn ra rất căng thẳng khiến Pháp không có ứng cử viên rõ ràng cho chức thủ tướng.

Theo ước tính của Ipsos Talan, NFP đã giành được từ 138 đến 145 ghế trong quốc hội cùng với một nhóm bảo thủ ly khai từ một số đảng khác. Đảng RN của bà Marine Le Pen cần 289 ghế để giành được đa số tuyệt đối trong 577 ghế tại hạ viện nhưng đã không đạt được mục tiêu này. Đây là kết quả gây sốc đối với RN.

Một phần thất bại cuối cùng của RN có thể do cử tri đi bỏ phiếu đông đảo để đánh bại phe cực hữu. Giữa vòng 1 và vòng 2, hơn 200 ứng cử viên đã rút lui để ngăn phe cực hữu vượt qua ngưỡng chiến thắng.

 Ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo LFI và NFP phát biểu sau chiến thắng của lực lượng cánh tả Pháp tại bầu cử vòng 2 quốc hội Pháp. Ảnh: BBC

Ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo LFI và NFP phát biểu sau chiến thắng của lực lượng cánh tả Pháp tại bầu cử vòng 2 quốc hội Pháp. Ảnh: BBC

NFP đã đưa ra chương trình hành động hứa sẽ tăng lương tối thiểu, hạ tuổi nghỉ hưu và áp đặt mức giá trần cho các mặt hàng thiết yếu để chống lại cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng trầm trọng ở Pháp. Chương trình đầy tham vọng này sẽ được tài trợ bằng các cải cách toàn diện đối với hệ thống thuế của Pháp, bao gồm việc khôi phục lại thuế tài sản mà Tổng thống Macron đã bãi bỏ và đánh thuế vào các tập đoàn để chi trả cho việc tăng chi tiêu xã hội.

HUY QUỐC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phap-doi-mat-voi-nguy-co-be-tac-chinh-tri-post748235.html