Pháp đưa ra đề xuất mới để giải quyết sức ép từ người tị nạn tại EU

Chính phủ Pháp ngày 10/6 đã hối thúc Liên minh châu Âu (EU) hiện thực hóa một hiệp ước về người tị nạn vốn đình trệ lâu nay, trong đó đề cập kế hoạch tái định cư khoảng 10.000 người tị nạn đến các quốc gia thành viên sẵn sàng tiếp nhận, trong khi những quốc gia không muốn tiếp nhận người tị nạn có thể đóng góp tài chính để được 'miễn trách nhiệm' này.

Cảnh sát dỡ bỏ trại tị nạn của người di cư ở Grande-Synthe, gần cảng Dunkirk, miền Bắc Pháp, một trong những điểm chính để khởi hành đi Anh. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Cảnh sát dỡ bỏ trại tị nạn của người di cư ở Grande-Synthe, gần cảng Dunkirk, miền Bắc Pháp, một trong những điểm chính để khởi hành đi Anh. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Đề xuất trên được đưa ra trong những tuần cuối cùng Pháp giữ vai trò Chủ tịch liên phiên Liên minh châu Âu (EU), nhằm mục đích đưa ra hướng tiếp cận khả thi trong vấn đề nan giải này. Thay vì cố gắng giải quyết sự chống đối của một số quốc gia, chủ yếu là những nước thành viên ở Đông Âu, các nước thành viên EU sẽ xem xét toàn bộ quy tắc về người tị nạn của khối theo "cơ chế đoàn kết tự nguyện" trong thời gian thử nghiệm 12 tháng.

Được trình bày trong ngày 10/6 tại cuộc họp của các bộ trưởng nội vụ EU ở Luxembourg, đề xuất trên dự kiến rằng 19 quốc gia trong khối Schengen (đi lại miễn thị thực) của EU sẽ cam kết nhận người tị nạn từ những nước đang chịu nhiều áp lực như Hy Lạp, Italy và Malta. Trong khi đó, những nước không tham gia tiếp nhận người tị nạn sẽ đóng góp tài chính để hỗ trợ triển khai kế hoạch này.

Theo các nhà ngoại giao EU, biện pháp không ràng buộc này sẽ giúp giải quyết 10.000 trường hợp tìm kiếm quy chế tị nạn mỗi năm, trong đó kế hoạch tiếp nhận này có thể được gia hạn hằng năm.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết: "Phần lớn các quốc gia cho thấy sự hưởng ứng đối với sự đoàn kết này, và khoảng chục quốc gia ủng hộ việc tái lập quy hoạch, điều này là rất tích cực". Ông Darmanin cũng bày tỏ sự tự tin rằng kế hoạch này sẽ "đạt được bước tiến lớn" và phần lớn các quốc gia thành viên sẽ ủng hộ việc triển khai.

Ủy viên EU phụ trách vấn đề người di cư - bà Ylva Johansson đánh giá đây là động thái quan trọng sau nhiều tháng nỗ lực bất thành của EU nhằm kêu gọi các nước thành viên thông qua một đề xuất cải cách sâu rộng về các chính sách về người tị nạn, vốn được công bố từ tháng 9/2020.

Bà Ylva Johansson cũng nêu rõ đề xuất về việc tiếp nhận người di cư của Pháp được đưa ra vào thời điểm châu Âu có hơn 4 triệu người tị nạn Ukraine - những người không thể áp chung vào các quy tắc dành cho người tị nạn từ các quốc gia như Syria và Afghanistan, và kêu gọi các nước EU "cần đoàn kết" trong vấn đề này. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cũng bày tỏ "khá tự tin" rằng kế hoạch này sẽ được thông qua.

Đề xuất của Pháp nhấn mạnh việc xác định những người xin tị nạn nhập cảnh EU đã được tăng cường với việc mở rộng sử dụng Eurodac - một cơ sở dữ liệu sinh trắc học - và một hệ thống sàng lọc nhập cảnh mới.

Tuy nhiên, vẫn còn một số quốc gia EU không nhất trí với đề xuất này. Bộ trưởng Nội vụ Áo - ông Gerhard Karner kịch liệt phản đối khi cho rằng động thái này sẽ "gửi tín hiệu sai tới những băng nhóm buôn người". Hà Lan cũng cho biết họ sẽ không tiếp nhận những người xin tị nạn theo đề xuất, mặc dù một nhà ngoại giao cho biết nó có thể đóng góp theo những cách khác. Trong khi đó, các quốc gia khác như Hungary và Ba Lan lâu nay luôn chống lại bất kỳ cơ chế tái định cư người tị nạn một cách cưỡng ép nào.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/phap-dua-ra-de-xuat-moi-de-giai-quyet-suc-ep-tu-nguoi-ti-nan-tai-eu-20220610204745290.htm