Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan không ủng hộ Ukraine sớm vào EU
Ukraine không được chấp nhận sớm vào EU, Nga cho phép tình nguyện viên tham gia chiến dịch ở Ukraine, Nga và Ukraine cam kết hợp tác đảm bảo an toàn hạt nhân là một số tin đáng chú ý hôm 11/3 về tình hình liên quan tới xung đột quân sự ở Ukraine.
Nga cho phép tình nguyện viên tham gia chiến dịch ở Ukraine
Các tình nguyên viên nước ngoài được phép tham gia chiến dịch quân sự tại Ukraine. Đây là tuyên bố được tổng thống Nga Putin đưa ra vào ngày 11/3.
Phát biểu trong cuộc họp với Hội đồng An ninh, ông Putin cho rằng, cần hỗ trợ những tình nguyện viên muốn chiến đấu với lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Ước tính có khoảng 16000 người ở Trung Đông sẵn sàng tham chiến. Ông Putin cũng ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu (Xéc-gây Xôi-gu) về việc giao những vũ khí thu giữ được cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.
Hơn 2 tuần sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các lực lượng Nga hiện đang tiếp cận Kiev từ ba hướng, chỉ còn để ngỏ những tuyến đường phía nam cho hoạt động tiếp tế và sơ tán.
Ukraine khó sớm gia nhập EU
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Versailles, Pháp, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và cam kết củng cố sức mạnh quân sự, làm sâu sắc thêm quan hệ đối với với Kiev. Tuy nhiên, về đề nghị của Ukraine được đặc cách sớm gia nhập EU, lãnh đạo một số nước Tây Âu đã tỏ ý không tán thành.
Những lời kêu gọi từ Tổng thống Ukraine, được Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania và Ba Lan ủng hộ về quy trình trở thành thành viên đặc biệt của EU đã không thuyết phục được Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, việc kết nạp sớm Ukraine là không thực tế với một quốc gia đang có chiến tranh.
Tổng thống Pháp EMMANUEL MACRON: "Chúng tôi sẽ có một cuộc thảo luận vào tối nay về tư cách thành viên EU của Ukraine, Moldova và Georgia, điều đó rất quan trọng vì chúng tôi cần gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến Ukraine và những người Ukraine. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng phải cẩn thận. Liệu chúng ta có thể bắt đầu quy trình kết nạp thành viên với một quốc gia đang có chiến tranh? Tôi không nghĩ vậy. Chúng ta có nên đóng cửa và nói "Không bao giờ" không? Điều đó sẽ không công bằng. Chúng ta có thể quên đi sự cân bằng trong khu vực không? Chúng ta cần phải thận trọng."
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng nhận định không có triển vọng để Ukraine trở thành thành viên của EU trong thời gian ngắn.
Thủ tướng Hà Lan MARK RUTTE: "Có một yêu cầu về ứng cử tư cách thành viên từ Ukraine hiện đang được xử lý và Hội đồng Châu Âu đã nhanh chóng gửi nó tới Ủy ban Châu Âu vào đầu tuần này. Nhưng điều đó sẽ mất thời gian, vài tháng, có thể nhiều năm trước khi bạn đạt được bất cứ điều gì."
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết EU chưa sẵn sàng mở rộng quy mô bởi quá trình đưa ra quyết định cần sự đồng thuận của toàn bộ thành viên. Ukraine hiện chưa phản hồi về thông tin. Các quốc gia thành viên EU đã yêu cầu Ủy ban châu Âu đưa ra đánh giá về đơn đăng ký thành viên của Ukraine. Quá trình này có thể mất tới 18 tháng.
Nga và Ukraine cam kết hợp tác đảm bảo an toàn hạt nhân
Nga và Ukraine sẵn sàng hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhằm đảm bảo an toàn hạt nhân. Đây là tuyên bố của Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi, sau khi nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine dừng truyền phát dữ liệu trong nhiều ngày qua.
Phát biểu với báo giới ngày 10/3 sau khi trở về Vienna (Áo), Tổng Giám đốc Grossi mô tả các cuộc gặp riêng rẽ của ông với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba là "khó khăn," nhưng nghiêm túc. Ông khẳng định hai ngoại trưởng đều nhất trí cần hành động và hợp tác với IAEA trong vấn đề đảm bảo an ninh hạt nhân.
Ông RAFAEL GROSSI - Tổng Giám đốc IAEA: "Một điều quan trọng là Ukraine và Liên bang Nga muốn hợp tác với chúng tôi. Họ đã đồng ý làm việc với chúng tôi và họ sẵn sàng làm việc với chúng tôi. Đây là một tình huống rất nghiêm trọng và chúng tôi cần phải hành động nhanh chóng. Tôi nhận thức được trách nhiệm của chúng tôi cũng như những kỳ vọng đang hiện hữu. "
Người đứng đầu IAEA nhấn mạnh ông sẽ nỗ lực thúc đẩy hành động cụ thể trong những ngày tới. Các cuộc gặp này diễn ra bên lề cuộc hội đàm chính thức giữa Ngoại trưởng Nga và Ukraine tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tuyên bố tối 10/3, IAEA cho biết phía Ukraine thông báo đã mất hoàn toàn liên lạc với nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Một ngày trước đó, nhà máy này cũng đã ngắt kết nối với mạng lưới điện.
Trong khi đó, Nga khẳng định nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cùng nhà máy điện hạt nhân khác tại Ukraine là Zaporizhzhia vẫn an toàn. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết lực lượng Nga, chuyên gia và Lực lượng Vệ binh Ukraine hiện cùng kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl./.
Thực hiện : Vân Hương (biên tập)