Pháp luật quy định như thế nào về phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng cao, miền núi

Bạn đọc Chảo Chìn Xiền ở xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 23 Luật Điện ảnh. Cụ thể như sau:

1. Phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn là hoạt động thường xuyên theo kế hoạch hằng năm được chính quyền địa phương quyết định và đầu tư thiết bị phổ biến phim, phương tiện vận chuyển phù hợp với thực tế của từng địa phương.

2. Ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi phí tổ chức phổ biến phim ở vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm tối thiểu 50% chi phí tổ chức phổ biến phim ở vùng nông thôn.

3. Khuyến khích cơ sở điện ảnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp phim để phổ biến phim ở vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn.

* Bạn đọc Phạm Văn Phước ở phố Lê Lợi, quận Hà Đông, TP Hà Nội, hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về các hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh bảo hiểm?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể như sau:

1. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động.

2. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép.

3. Hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện các hành vi gian lận bao gồm:

a) Thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.

5. Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-ve-pho-bien-phim-phuc-vu-nhiem-vu-chinh-tri-o-vung-cao-mien-nui-715752