'Pháp luật Việt Nam sẵn sàng cho hội nhập'

Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực tham gia các hiệp định thương mại quốc tế sẽ có nhiều văn bản Việt Nam cần phải xem xét và sửa đổi để phù hợp với những cam kết quốc tế.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế TƯ trong cuộc hội thảo “Pháp luật Việt Nam sẵn sàng cho hội nhập” do phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức cho rằng, càng hội nhập bao nhiêu, thì chúng ta càng thua nhiều hơn, lý do không phải vì DN Việt Nam yếu kém về năng lực, mà cái hạn chế lại là những văn bản pháp luật đang thực thi.

Những hạn chế của văn bản pháp luật về kinh doanh

Theo đó, như ông phân tích, pháp luật Việt Nam hiện đang thực thi theo chiều dọc, chiều ngang, sự liên kết và liên quan của các văn bản luật rời rạc, điều đó tạo ra sự bất ổn trong kinh doanh rất lớn.
Bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nói rõ, mỗi văn bản luật buộc phải đáp ứng các yếu tố: Minh bạch, Tin cậy và Ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có những văn bản được soạn thảo và ban hành chưa theo những quy định này hoặc chưa có đánh giá tác động kinh tế - xã hội của văn bản một cách toàn diện.

Môi trường Việt Nam không hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ và Đông Âu, họ không đầu tư vào cũng có nhiều lý do, nhưng có một lý do không thể bác bỏ đó là sự không ổn định của chính sách pháp luật. Dưới yêu cầu đó, những nhà soạn thảo chính sách phải có cái nhìn rộng hơn, chính sách pháp luật khi xây dựng phải tính xa hơn.

Chính sách pháp luật ổn định và phải có tính chất bảo hộ, không chỉ bảo hộ DN nước ngoài, mà phải bảo hộ cả DN trong nước. Ông Toàn ví dụ, việc bỏ thuế nhập khẩu cho xe ô tô trong khối ASEAN vào Việt Nam năm 2018 đã tạo ra việc các nhà lắp ráp xe trong nước bỏ hẳn một số dòng xe để quay sang nhập khẩu. Như thế, không thể nói đây là thành công, mà là thất bại.

Nhìn vào thực tế chính sách luật pháp ở Việt Nam, ông Mark Crillin, Trưởng nhóm Thuế và hải quan, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đã chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế của mình về những việc nên và không nên trong quá trình soạn thảo chính sách. Ông nhấn mạnh, khi soạn thảo văn bản luật, cần có sự liên kết chặt chẽ từ Luật – Nghị định – Thông tư nên có sự thống nhất từ trên xuống dưới. Mỗi bộ luật khi soạn thảo cũng phải hướng tới những mục tiêu cụ thể, đồng thời có cái nhìn rộng hơn, những bước tính xa hơn.

Bất cứ một chính sách nào cũng phải hướng tới sự thịnh vượng của DN. Ông cho rằng, kể cả chính sách thuế khi đưa ra cũng cần chú ý có những điều, khoản… kích thích, thúc đẩy sự phát triển của DN. Bởi DN phát triển, đó là điều kiện bền vững nhất để Nhà nước tính chuyện thu thuế. Khó có thể tính phát triển dựa vào thuế, nếu như chính sách thuế không quan tâm đến chuyện phát triển sống còn của DN.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế TƯ. Ảnh: Ngọc Dung

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế TƯ. Ảnh: Ngọc Dung

Những thách thức của các nhà soạn thảo chính sách

Nhìn nhận rất rõ những hạn chế của chính sách pháp luật Việt Nam, và với những cam kết quốc tế thì đây là những thách thức cho các nhà soạn thảo chính sách khi hội nhập ở Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, GĐ Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI cho biết, hiện trạng Việt Nam đã và đang hội nhập với một loạt các hiệp định và cam kết. Cụ thể WTO với 18 Hiệp định cơ bản, 4 Hiệp định nhiều bên, hệ thống các văn bản cam kết của Việt Nam; các Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương với khoảng 70 hiệp định; 80 Hiệp định đánh thuế hai lần, FTA với 12 FTA có hiệu lực, 1 FTA đã ký, 3 FTA đang đàm phán; 90 Hiệp định thương mại song phương; và các Hiệp định, Công ước quốc tế trong các lĩnh vực kinh doanh cụ thể.

Nhìn vào các con số đó, chúng ta thấy rõ, pháp luật Việt Nam không hề tự do mà đang bị ràng buộc bởi các cam kết. Đặt vào hệ thống chính sách pháp luật Việt Nam, bà Trang cho rằng, nếu như coi hệ thống pháp luật Việt Nam là một ngôi nhà, thì cam kết quốc tế chính là “sàn dưới”. Bởi cam kết quốc tế đặt ra các tiêu chuẩn có tính định hướng bắt buộc cho pháp luật nội địa. Đã nắm giữ “sàn dưới”, có nhiều cam kết quốc tế tiếp tục chiếm lĩnh “trần trên” của pháp luật nội địa bởi cam kết quốc tế định ra giới hạn/tiêu chuẩn/yêu cầu tối thiểu mà pháp luật nội địa phải đáp ứng.

Như thế, pháp luật kinh doanh Việt Nam được đặt trong khuôn khổ của cam kết quốc tế và được định dạng bởi cam kết quốc tế. Vì vậy, việc xây dựng và thực thi các chính sách pháp luật cần chiếu tới cam kết quốc tế liên quan. Điều này khiến pháp luật nội địa buộc phải đi theo chuẩn mực, xu hướng chung của thế giới, chất lượng quy định pháp luật, hiệu quả thi hành có thể được cải thiện và quyền, lợi ích của các bên liên quan được bảo vệ thực chất hơn. Tuy nhiên, không gian hành động của pháp luật kinh doanh của Việt Nam bị thu hẹp. Đây là điều khó khăn cho các nhà soạn thảo pháp luật Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị VCCI rà soát, đánh giá thực trạng chồng chéo luật và nghị định của Việt Nam hiện nay. VCCI nhận thấy rằng, có rất nhiều xung đột pháp luật, đặc biệt nếu đi đến các địa phương sẽ gặp rất nhiều DN và nhà đầu tư đất đai, xây dựng, bất động sản gặp những vấn đề rất phức tạp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI. Ảnh: Ngọc Dung

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI. Ảnh: Ngọc Dung

Có 20 ví dụ điển hình về xung đột về các bộ luật, thông tư như: Luật Nhà ở tại Điều 171 yêu cầu thêm các loại tài liệu ngoài các tài liệu quy định tại Luật Đầu tư trong Hồ sơ để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Luật Đầu tư tại Điều 33 quy định các tài liệu trong hồ sơ dự án đầu tư để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và không có quy định về việc các văn bản pháp luật khác được quyền yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ này…

Việc chồng chéo luật sẽ dẫn đến nhiều hệ quả, khiến DN và nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp; đi lại mất thời gian, nộp nhiều hồ sơ; chi phí giao dịch tốn kém; tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra; đình trệ hoạt động; rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật…

Để hệ thống pháp luật kinh doanh Việt Nam được thông thoáng, các cơ quan soạn thảo pháp luật cần cơ chế nhận biết loại bỏ quy định không cần thiết, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, chống cài cắm lợi ích, chống chồng chéo pháp luật. Để đạt hiệu quả cao thì việc cắt giảm các thủ tục cần hướng đến thực chất, làm sao cho DN và người dân được thụ hưởng nhiều điều kiện thuận lợi nhất chứ không phải cắt giảm theo thành tích. Các DN, chuyên gia, hiệp hội ngành hàng nên tham gia sâu vào quá trình này.

Với quá trình soạn thảo thông tư, nghị định, luật cần có quy trình kiểm soát chặt chẽ biên bản ra thủ tục hành chính mới. Đặt ra điều kiện kinh doanh mới phải tiến hành thận trọng qua nhiều bước tham vấn, quan sát chặt chẽ và cần có cơ quan thẩm định độc lập thì mới ngăn chặn được tình trạng ra các điều kiện kinh doanh mới không phù hợp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI

Ngọc Dung

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phap-luat-viet-nam-san-sang-cho-hoi-nhap-166924.html