Pháp: Phe phản đối chuẩn bị 'tổng đình công' trước cuộc trưng cầu dân ý

Những người phản đối đạo luật hưu trí, cho phép nâng tuổi nghỉ hưu ở Pháp từ 62 lên 64, đang lên kế hoạch cuối cùng để ngăn chặn đạo luật này có hiệu lực vào tháng 9. Theo đó, một cuộc tổng đình công sẽ được tổ chức, đồng thời, cơ quan hiến pháp hàng đầu của Pháp, trước áp lực từ phe đối lập, sẽ ra phán quyết một lần nữa về đạo luật.

Người Pháp biểu tình ngày 1.5. Ảnh: AFP

Người Pháp biểu tình ngày 1.5. Ảnh: AFP

Cụ thể, các liên đoàn lao động chính của Pháp đã kêu gọi một đợt biểu tình và đình công khác trên toàn quốc vào ngày 6.6. Các cuộc biểu tình vào ngày quốc tế lao động 1.5 trên khắp nước Pháp đã thu hút 800.000 người (theo thống kê của Bộ Nội vụ Pháp), còn theo ước tính của các nhà tổ chức là 2,3 triệu người.

Bên cạnh đó, trước sức ép của phe đối lập, Hội đồng Hiến pháp của Pháp sẽ ra phán quyết một lần nữa về việc liệu đạo luật có cần thiết phải đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội hoặc thông qua một cuộc trưng cầu dân ý hay không.

Trước đó, ngày 15.4 vừa qua, Tổng thống Macron đã ký ban hành luật hưu trí sửa đổi cho phép tăng tuổi nghỉ hưu ở nước này thêm 2 năm lên 64 tuổi. Việc ký ban hành luật được thực hiện sau khi Hội đồng Hiến pháp chính thức thông qua các phần chính trong dự luật và bác bỏ một số phần khác.

Cụ thể, hội đồng đã thông qua phần quan trọng nhất của dự luật là tăng tuổi nghỉ hưu của công dân Pháp từ 62 lên 64, đánh giá việc tăng tuổi này phù hợp với luật pháp hiện hành tại Pháp.

Hội đồng cũng bác bỏ 6 biện pháp không được coi là cơ bản đối với bản chất của cải cách, bao gồm nỗ lực buộc các công ty lớn công bố dữ liệu về số lượng người trên 55 tuổi mà họ tuyển dụng và một ý tưởng nhằm tạo ra một hợp đồng đặc biệt cho những người lao động lớn tuổi. Hội đồng đồng thời bác bỏ yêu cầu của phe cánh tả nhằm tổ chức trưng cầu dân ý về luật hưu trí thay thế, theo đó giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu ở tuổi 62.

Phán quyết về khả năng trưng cầu dân ý

Lần này, vai trò của Hội đồng Hiến pháp là đánh giá xem yêu cầu của phe đối lập về việc đưa tuổi nghỉ hưu trở lại 62 có đáp ứng các điều kiện pháp lý cho một cuộc trưng cầu dân ý tiềm năng hay không. Nếu Hội đồng đồng tình với đề xuất của phe đối lập, những người phản đối luật hưu trí sẽ có 9 tháng để thu thập chữ ký của người dân để tiến hành trưng cầu dân ý. Họ sẽ phải thu thập được tố thiểu 4,8 triệu chữ ký, tương đương 10% cử tri. Đây được coi là sự chuẩn bị cho một “cú sút xa”.

Chính phủ của Tổng thống Macron sau đó sẽ có thể lựa chọn giữa việc gửi văn bản của phe đối lập tới Quốc hội để tranh luận và bỏ phiếu hoặc đợi 6 tháng để vấn đề này ra trước cử tri trong một cuộc trưng cầu dân ý. Đề xuất này sẽ chỉ được đưa ra trưng cầu dân ý toàn quốc nếu nó không được các nhà lập pháp tranh luận.

Những thay đổi đau đớn nhưng cần thiết

Trong một bài phát biểu trên truyền hình vào tháng trước, nhà lãnh đạo Pháp đã nói rõ ý định sẽ bằng mọi giá thúc đẩy luật hưu trí. Ông Macron cho biết ông hoàn toàn thấu hiểu sự tức giận của người dân nhưng nhấn mạnh rằng những thay đổi này là đau đớn nhưng cần thiết để duy trì hệ thống lương hưu trong bối cảnh dân số Pháp ngày càng già hóa.

Ông tuyên bố các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu vào tháng này về “các vấn đề chính” như cải thiện tiền lương cho nhân viên, tạo điều kiện thăng tiến nghề nghiệp và điều kiện làm việc, kể cả đối với những người lao động lớn tuổi, với hy vọng những điều này sẽ thuyết phục một số công đoàn quay trở lại bàn đàm phán.

Tuần trước, chính phủ của Tổng thống Macron đã trình bày lộ trình cho những tháng tới, với mục đích nhận được sự ủng hộ nhiều hơn cho các dự luật trong tương lai. Quốc hội đang chuẩn bị tranh luận về một dự luật quân sự lớn vào cuối tháng.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/phap-phe-phan-doi-chuan-bi-tong-dinh-cong-truoc-cuoc-trung-cau-dan-y-i326508/