Pháp sẽ kéo dài thời hạn lệnh hạn phong tỏa

Ngày 8-4, Điện Elyseé ra thông báo cho biết Tổng thống Emmanuel Macron sẽ có bài phát biểu trên truyền hình vào tối 13-4, công bố việc kéo dài thời hạn của lệnh phong tỏa. Trong khi đó, Bộ Y tế Pháp cho biết, chỉ có thêm 17 trường hợp mắc Covid-19 cần chăm sóc đặc biệt sau một ngày, mức tăng thấp nhất trong mấy tuần qua.

Cảnh sát kiểm tra những người ra khỏi nhà tại thành phố Sceaux, ngoại ô Paris. (Ảnh: Thibault Camus/AP/SIPA)

Cảnh sát kiểm tra những người ra khỏi nhà tại thành phố Sceaux, ngoại ô Paris. (Ảnh: Thibault Camus/AP/SIPA)

Thời hạn của lệnh phong tỏa hiện nay đã được gia hạn thêm hai tuần, có hiệu lực tới ngày 15-4. Theo thông báo của Điện Elyseé, Tổng thống sẽ có bài phát biểu thứ 4 kể từ khi bệnh dịch xuất hiện ở Pháp. Tổng thống Emmanuel Macron sẽ công bố các quyết định mới liên quan cuộc chiến chống bệnh dịch Covid-19 trong những tuần tới.

Thông báo này cho thấy, thời hạn phong tỏa sẽ không chấm dứt vào giữa tuần tới như nhiều người mong đợi, để ra khỏi nhà vào dịp nghỉ Lễ Phục sinh. Quyết định này cho thấy, Chính phủ Pháp rất lo ngại dịch bệnh còn diễn biến nghiêm trọng vì số người nhiễm và tử vong vẫn ở mức cao sau mỗi ngày.

Theo thống kê từ Bộ Y tế Pháp công bố tối 8-4, có 541 trường hợp tử vong tại bệnh viện kể từ ngày 7-4. Tổng số tử vong ở cả bệnh viện và các trung tâm dưỡng lão đã lên tới 10.869, chưa tính tới các trường hợp ở nhà riêng. Tỷ lệ này cao hơn 5 lần so với Đức, dù có số ca mắc Covid-19 ở hai nước gần bằng nhau. Do vấn đề kỹ thuật nên hôm qua, Bộ Y tế Pháp không công bố số liệu từ các trung tâm dưỡng lão và các cơ sở y tế xã hội.

Hiện có 7.148 bệnh nhân đang được chăm sóc đặt biệt, chỉ tăng 17 trường hợp so với một ngày trước vì có nhiều trường hợp bớt nghiêm trọng. Đây là sự gia tăng thấp nhất tính theo ngày trong những tuần qua.

Tổng Cục trưởng Y tế Jérôme Salomon cho biết, sự gia tăng của bệnh nhân nặng ngày càng thấp là dấu hiệu rất tích cực cho hệ thống y tế. Số người được chữa khỏi và xuất viện cũng tăng tới 21.254 trường hợp. Điều đó giúp giảm bớt áp lực cho các bệnh viện, trong khi đó, số giường chăm sóc bệnh nhân nặng đã được tăng gấp đôi.

Theo thống kê của Hội đồng Khoa học Pháp, có khoảng 17 triệu người trong khoảng 67 triệu dân có nguy cơ rất cao về sức khỏe nếu bị nhiễm virus corona. Như vậy, có 1 trong 4 người Pháp có khả năng bị bệnh nặng, gồm những người có tuổi từ 70 trở lên, rồi cả những người có bệnh mạn tính như huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch... Ở Pháp cũng như nhiều nước khác, tuổi cao là một yếu tố rủi ro rất cao nếu bị mắc Covid-19.

So với các điểm nóng khác, vùng Ile-de-France vẫn rất căng thẳng vì số bệnh nhân nặng tiếp tục tăng mỗi ngày và hiện đã có 2.668 trường hợp. Cơ quan Y tế vùng cho biết các bệnh viện đã nỗ lực tăng thêm 200 giường bệnh chăm sóc đặt biệt nhưng vẫn luôn trong tình trạng quá tải.

Sự nguy hiểm của virus corona cũng dẫn tới tình trạng "vắng bệnh nhân" ở các khoa tim mạch, phổi... trong những ngày qua. Những người có bệnh giờ rất e ngại bị lây nhiễm khi đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh dù biết rằng, nếu để lâu sẽ rất nguy hiểm.

Kênh truyền hình BFM trích lời bác sĩ Béthsabeé Garel ở Bệnh viện Cochin (Paris) nói về tình trạng này: Các bệnh mãn tính không thể biến mất trong một đại dịch và bệnh nhân cũng vậy, không thể tự khỏi. Tuần trước, khu điều trị các bệnh hiểm nghèo không có ai. Chúng tôi rất lo khi không thấy họ tới.

Tình trạng này cũng diễn ra ở Khoa Tim mạch trong Bệnh viện Georges Pompidou. Giáo sư Xavier Jouven ở bệnh viện này cho biết, có nhiều người chưa hết bệnh nhồi máu cơ tim nhưng không đến điều trị. Chúng tôi e ngại rằng họ gặp chuyện chẳng lành ở nhà.

Tờ Les Echos dẫn ý kiến của Tiến sĩ Patrick Bouet, Chủ tịch Hội đồng quốc gia các bác sĩ Pháp, cho biết, hoạt động khám bệnh đã giảm 30-40% trên toàn quốc. Tại hai vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19 gồm Ile-de-France và Grand Est, trường hợp tới cấp cứu giảm còn 1/6. Điều đó cho thấy, mọi người đang sợ virus corona hơn bệnh hiện có trong người. Thực tế, ở bệnh viện có khu riêng cho người bệnh nhân Covid-19. Tâm lý lo ngại không đi khám, chữa bệnh có thể dẫn đến những nguy cơ đáng tiếc.

Dù Chính phủ chưa công bố thời hạn của lệnh phong tỏa sẽ kéo dài đến khi nào, trong mấy ngày qua, nhiều địa phương ở Pháp đã ra các quyết định thắt chặt hạn chế di chuyển. Paris và một số thành phố ngoại ô đã ra lệnh cấm mọi hoạt động tập thể - thể thao từ 10 giờ sáng đến 7 giờ tối. Một số thành phố khác đã bắt đầu thực hiện biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt các nơi công cộng, không cho người dân cũng như du khách xuất hiện trong thời gian còn lệnh hạn chế di chuyển.

KHẢI HOÀN

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43997602-phap-se-keo-dai-thoi-han-lenh-han-phong-toa.html