Pháp - Trung Quốc: Ý tưởng lớn gặp nhau
Một nước đang muốn thay Mỹ dẫn dắt trật tự thế giới, một nước đang muốn lãnh đạo châu Âu về kinh tế và đi đầu thế giới về chống biến đổi khí hậu. Hai tham vọng lớn gặp nhau là lẽ dường như không thể khác.
Ngày 8-1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặt chân xuống Trung Quốc bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tại cường quốc số 1 châu Á.
Kiến tạo liên minh mới
Với Bắc Kinh, đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ châu Âu, kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 hồi tháng 10-2017. Tháp tùng ông Macron trong chuyến thăm Trung Quốc có phu nhân Brigitte và hơn 50 lãnh đạo doanh nghiệp. Chuyến thăm Trung Quốc của vị Tổng thống Pháp trẻ tuổi diễn ra trong bối cảnh quốc tế đặc biệt xuất phát từ chiến thắng của chủ nghĩa dân túy ở Mỹ do Tổng thống Donald Trump khởi xướng.
Qua chuyến thăm này, ông Macron muốn xác lập quan hệ cá nhân với Chủ tịch Tập Cận Bình và kiến tạo một liên minh giữa Paris với Bắc Kinh trên các hồ sơ như môi trường, chống khủng bố, Triều Tiên hay Syria.
Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump lần lượt đẩy các đồng minh truyền thống của Mỹ phải thực thi một chính sách ngoại giao linh hoạt, đa dạng hơn, không còn phụ thuộc vào Mỹ như trước. Tất cả là vì lợi ích kinh tế và chính trị của chính những đồng minh này.
Ông Macron lên làm Tổng thống Pháp chỉ vài tháng sau khi ông Donald vào Nhà Trắng, cho nên ông biết không thể đưa nước Pháp theo con đường bám vào Mỹ như trước. Điều này được thể hiện ngay trong quan hệ với Nga, trước khi ông Macron đi Trung Quốc. Là người thực tế, Tổng thống Macron thừa nhận vai trò không thể thiếu của Nga trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế, nhất là những gì liên quan tới châu Âu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại thành phố Tây An, ngày 8-1, điểm dừng chân đầu tiên của ông tại Trung Quốc.
Việc tiếp đón trọng thị ngày 29-5-2017 Tổng thống Nga V.Putin tại lâu đài Versailles, biểu tượng lịch sử của nước Pháp và cũng là nơi chiếm một vị trí quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại qua các đời Tổng thống Pháp, là một bằng chứng cụ thể cho thấy Paris đang khẳng định một chính sách đối ngoại độc lập so với các nước phương Tây khác.
Không chỉ Pháp mà hầu hết các đồng minh trước đây của Mỹ ở châu Âu đều ý thức được tình hình của nước Mỹ hiện tại. Hiếm có khi nào châu Âu lại phản bác Mỹ mạnh mẽ như khi Washington thông qua lệnh trừng phạt Nga hồi tháng 7-2017. Lệnh trừng phạt này nhắm vào hàng loạt các tập đoàn của châu Âu đang làm ăn với Nga.
Một trong những thể hiện mới của sự mất đoàn kết Mỹ - châu Âu là những phát biểu của Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tại Cuba. Trong chuyến thăm Cuba ngày 3-1-2018 nhằm tăng cường quan hệ với Cuba, bà Mogherini khẳng định rằng phong tỏa Cuba không phải là giải pháp.
Bà Mogherini khẳng định đây là biện pháp "lỗi thời và bất hợp pháp" và tác động duy nhất của nó là làm giảm chất lượng sống của người dân. Chuyến thăm Cuba của bà Mogherini diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay đổi cách tiếp cận đối với Cuba so với chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama, theo đó cấm các công dân và doanh nghiệp Mỹ giao dịch với các công ty, tổ chức của Cuba có liên quan tới quân đội Cuba.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 8-1.
“Ông Macron và giấc mơ Trung Hoa”
Bàn luận về “sự cần” Trung Quốc của Pháp, tờ Les Echos trong bài xã luận “Macron và giấc mơ Trung Hoa” cho rằng khía cạnh kinh tế không phải là vấn đề chiến lược chủ chốt trong quan hệ Pháp - Trung. Bởi xét về tỉ trọng kinh tế song phương, Pháp chỉ là “một người tí hon”, với 1,5% thị phần tại thị trường Trung Quốc, ngang mức với Anh và Italy, nhưng thua Đức.
Les Echos không kỳ vọng chuyến đi này của Tổng thống Pháp sẽ đóng góp quyết định vào việc lập lại cân bằng thương mại. Tuy nhiên, Paris sẽ có đất dụng võ trong một lĩnh vực khác. Đó là “không gian địa chính trị bị bỏ trống”, do chính sách của nước Mỹ thời Donald Trump. Đức - cường quốc châu Âu hàng đầu - cũng rất ít có khả năng vươn lên thành một thế lực chính trị tầm cỡ thế giới.
Sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, Pháp là nước EU duy nhất có mặt trong Hội đồng Bảo an. Bởi vậy tiếng nói của Paris sẽ tiếp tục được lắng nghe, vấn đề tùy thuộc vào sự quyết đoán của Tổng thống Pháp.
Về mặt chiến lược, Tổng thống Emmanuel Macron hy vọng có được sự yểm trợ của Trung Quốc cho lực lượng quân sự của nhóm G5 (gồm 5 nước châu Phi Mauritanie, Mali, Burkina Faso, Niger và Tchad) chống khủng bố ở khu vực Sahel.
Cũng giống như Nga, Trung Quốc rất biết nắm bắt cơ hội khi Mỹ buông châu Âu. Sau chuyến thăm Paris ngày 29-5, báo chí Pháp cho rằng Tổng thống Putin cũng giống như nhiều lãnh đạo châu Âu thức thời khác, là người thực tế, biết nắm bắt tình hình để tận dụng thời cơ. Nói gì thì nói, Nga vẫn cần châu Âu.
Thái độ kình địch chống châu Âu trong thời gian qua đã không dẫn Nga đến đâu, trong lúc ý hướng xích lại gần nước Mỹ với Donald Trump làm tổng thống thì liên tiếp bị trở ngại. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Putin đến Paris trong cố gắng kéo nước Nga ra khỏi tình trạng cô lập. Đối thoại tái lập với một trong hai đầu tầu của châu Âu là một điều kiện thuận lợi giúp Nga tháo gỡ hệ thống trừng phạt kinh tế đang làm khó kinh tế Nga của Liên minh châu Âu đối với Moskva.
Với Trung Quốc, chiến thắng của chủ nghĩa dân túy ở Mỹ đồng nghĩa với việc nước này sẽ co vào chiếc vỏ sò của mình và nhường không gian bên ngoài cho người khác. Đây là cơ hội nghìn năm có một để Trung Quốc, vốn luôn là quốc gia hạng hai, vươn lên lãnh đạo trật tự thế giới. Điều này được Trung Quốc rốt ráo thể hiện qua việc lập một liên minh kinh tế thay thế cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Mỹ rút lui, rồi ủng hội Hiệp định Chống biến đổi khí hậu Paris do Pháp dẫn đầu...
Theo Libération, chuyến công du của Tổng thống Pháp có ý nghĩa rất quan trọng với Trung Quốc. Bài viết “Đối với ông Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp là một đồng minh, một chỗ dựa ổn định” cho hay chính quyền Trung Quốc đã rất nỗ lực để Tổng thống Macron sớm thăm Trung Quốc, và điều quan trọng nhất là Tổng thống Pháp chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên tại châu Á.
Cho dù không tổ chức dạ yến xa hoa tại Tử Cấm Thành, như khi đón Tổng thống Mỹ, Bắc Kinh đã làm mọi thứ để vừa lòng nguyên thủ Pháp. Cụ thể là cuốn sách của Emmanuel Macron nhan đề “Cách mạng”, cương lĩnh chính trị của ông và phong trào Tiến bước, đã được dịch sang tiếng Trung, và ra mắt đúng vào ngày 8-1, ngày đầu tiên của chuyến công du. Trong thế cạnh tranh với Mỹ tại bàn cờ châu Á, Bắc Kinh đang thi hành một chiến dịch ngoại giao quyến rũ để nhận được sự ủng hộ của Pháp, đó là nhận định của Le Figaro.
Bắc Kinh cần có đồng minh, và nước Pháp có đủ vị thế để lấp đầy khoảng trống do các nước khác để lại. Do đó, Trung Quốc xem ông Emmanuel Macron như là một đối tác lý tưởng để hỗ trợ cho tham vọng nắm giữ vai trò hàng đầu của Bắc Kinh, bất kể đó là trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay là trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Ở đó, nước Pháp có thể đóng một vai trò trung gian.
Vì thế, trong mắt các nhà lãnh đạo Trung Quốc, họ cảm thấy an tâm khi Tổng thống Pháp chọn Trung Quốc là điểm công du châu Á đầu tiên. Và thậm chí còn cảm thấy thích thú khi Tổng thống Pháp đã chọn Tây An, điểm xuất phát của Con đường tơ lụa cũ xưa làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du Trung Quốc. Quả thật là Bắc Kinh hy vọng Paris tham gia vào dự án con đường tơ lụa mới to lớn này, với hy vọng khôi phục lại hành lang thương mại Á-Âu, nhưng trước mắt chỉ phục vụ cho các lợi ích của Trung Quốc.
Thách thức đối với ông Macron là làm sao nêu rõ được những đòi hỏi của châu Âu. Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc đã được đón nhận ở châu Âu với nhiều nghi ngại. Bogdan Goralczyk, Giám đốc Trung tâm châu Âu tại Vacsava, nguyên Đại sứ Ba Lan ở châu Á, ghi nhận là ý hướng bành trướng và quyết tâm của Bắc Kinh trong việc thể hiện ý hướng này “đã làm dấy lên sự chia rẽ sâu sắc ở châu Âu”.
Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các phu nhân chụp ảnh lưu niệm.
Tại một số quốc gia Trung và Đông Âu, các khoản đầu tư của Trung Quốc đã được nhiệt tình chào đón. Thế nhưng, ở Tây Âu, đặc biệt là ở các quốc gia phía Bắc, nhiều nước không che giấu mối quan ngại. Một quan chức ngoại giao phương Tây cấp cao tự hỏi: “Phải chăng Con đường tơ lụa mới chỉ là một khẩu hiệu gợi cảm để che giấu tham vọng thống trị thế giới của Trung Quốc?
Một số nước châu Âu khác, trong đó có Pháp và Đức, thì giữ thái độ thận trọng trước việc các dự án của Trung Quốc vẫn thiếu minh bạch và hàm chứa những hệ quả địa chiến lược dài hạn. Ngay cả Đức, vốn sẵn sàng nhận đầu tư Trung Quốc, cũng bày tỏ sự dè dặt. Paris cũng có quan điểm dè dặt như Berlin.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, hôm 4-1-2018, đã xác định rằng Pháp không hề muốn cản đường Trung Quốc, nhưng thấy là cần thiết lập một quan hệ đối tác “win-win”, cả hai bên đều có lợi, chứ không phải là "chỉ có một bên có lợi hai lần".
“Không chỉ có các lợi ích chung”
Đối diện với Trung Quốc, trong cục diện chính trị quốc tế hiện nay, Tổng thống Pháp phải làm gì? Báo Le Monde giới thiệu bài phân tích của chuyên gia chính trị quốc tế Valérie Niquet “Pháp và Trung Quốc không chỉ có các lợi ích chung”. Chuyên gia địa chính trị Pháp nhấn mạnh là khả năng duy trì quan hệ cân bằng giữa các thế lực trong khu vực mới chính là thước đo để đánh giá chính sách châu Á của nước Pháp.
Liệu Tổng thống Macron có làm Trung Quốc thất vọng trong chuyến thăm này? Đối với Bắc Kinh, nước Pháp sẽ tuyệt vời hơn bao giờ hết khi đóng vai trò “người bạn cũ của Trung Quốc”. Đó là nhà bảo vệ đa cực, trái ngược với khuynh hướng bá quyền của Mỹ, và không cần biết rằng, thực ra nếu Trung Quốc ủng hộ một “quá trình dân chủ hóa quan hệ quốc tế” kéo theo sự trỗi dậy của nhiều cực quyền lực, thì trước hết đó là nhằm mở rộng phạm vi hành động và tự khẳng định mình như một thủ lĩnh của cực Á châu.
Tham vọng này lại không phù hợp với tiến trình phát triển của thế giới đương đại và không phục vụ lợi ích của Pháp tại một nơi mà các láng giềng của Trung Quốc đều có một điểm chung là mong muốn tìm được hậu thuẫn để đối phó với một cường quốc đang gây lo ngại. Vấn đề đặt ra đối với Paris, là sự lựa chọn và các hậu quả chiến lược, kinh tế của sự lựa chọn này.
Yếu tố thất vọng thứ hai, mà Tổng thống Pháp dường như rất ý thức được, đó là sự bất cân đối dai dẳng trong trao đổi kinh tế song phương. Về đầu tư, Trung Quốc sẵn sàng nhảy vào bất kỳ lĩnh vực nào có thể giúp duy trì sự phát triển, đặc biệt là các công nghệ mũi nhọn, có mục đích dân sự nhưng cũng có thể cả quân sự. Trước những tham vọng không che giấu này, ông Emmanuel Macron là người đầu tiên thật sự đòi hỏi phải “có đi có lại” nhiều hơn. Pháp đã gia tăng kiểm soát đầu tư Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm.
Còn với dự án Con đường tơ lụa mới, Pháp tỏ ra thận trọng trước rất nhiều vấn đề về tài chính và quản trị, hiện vẫn chưa được giải quyết. Vì vậy, còn phải chờ xem liệu những điểm bất đồng này có đè nặng lên mối quan hệ Pháp - Trung mà Bắc Kinh muốn hoàn toàn chú trọng vào những ưu tiên của họ.
Ngược lại, những lợi ích chiến lược và kinh tế của Pháp tại châu Á lại rất nhiều và không thể hạn chế ở một đối tác duy nhất. Chính sách về châu Á của Pháp có thể được đánh giá tùy vào khả năng cụ thể của Paris trong việc duy trì sự cân bằng cần thiết giữa các cường quốc trong vùng.
M.T. (tổng hợp)