Pharbaco 'dây dưa' VN Pharma thế nào khi về tay ông Ngô Nhật Phương?
VN Pharma từng là đối tác 'ruột' của CTCP Dược phẩm Trung ương 1 - Pharbaco (Pharbaco). Báo cáo tài chính năm 2015 của Pharbaco, tại thời điểm 1/1/2015, khoản mục 'phải trả người bán' với VN Pharma ghi nhận giá trị 30,5 tỷ đồng.
Doanh nhân Ngô Nhật Phương được nhiều người biết đến không chỉ là người tham gia phiên tòa VN Pharma mà còn là cổ đông và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩm Trung ương I (Pharbaco), doanh nghiệp từng có mối quan hệ làm ăn với VN Pharma. Vậy, Pharbaco “dây dưa” VN Pharma thế nào khi về tay ông Ngô Nhật Phương?
Năm 2016, Công ty cổ phần Appollo - doanh nghiệp do ông Ngô Nhật Phương sáng lập và giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT chính thức nắm giữ cổ phần Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco và trở thành chủ sở hữu mới của Pharbaco với tỷ lệ 59,17%. Ngày 06/05/2016, ông Ngô Nhật Phương trực tiếp tham gia Ban điều hành Pharbaco với chức vụ Giám đốc điều hành, tái cơ cấu nhân sự, đầu tư và kiện toàn hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, trước đó, VN Pharma đã từng là đối tác "ruột" của CTCP Dược phẩm Trung ương 1 - Pharbaco (Pharbaco). Thực tế, dù không nêu rõ tên đối tác phân phối các sản phẩm đặc biệt, nhưng báo cáo tài chính của Pharbaco thể hiện VN Pharma là một trong những đối tác lớn của Công ty.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2015 của Pharbaco, tại thời điểm 1/1/2015, khoản mục “phải trả người bán” với VN Pharma ghi nhận giá trị 30,5 tỷ đồng. Và cùng với những biến cố của VN Pharma vào khoảng tháng 8/2014, giá trị giao dịch giữa 2 công ty cũng suy giảm rõ rệt.
Đánh giá về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2015, ban giám đốc Pharbaco khi đó cho rằng tiềm lực kinh tế tài chính của công ty còn hạn chế dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh chưa tốt. Bên cạnh đó, một lý do khác cũng được lãnh đạo Pharbaco nêu trong báo cáo, cuối năm 2014, đối tác phân phối các sản phẩm đặc biệt có giá trị lớn và hiệu quả điều trị cao gặp rủi ro về mặt cá nhân lãnh đạo, do đó ảnh hưởng rất lớn đến Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco 04 tháng cuối năm 2014 và cả năm 2015. Để đảm bảo an toàn tài chính, Công ty đã quyết định dừng không cung cấp hàng cho đối tác này và chấp nhận ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận và việc làm của Công ty trong 8 tháng đầu năm 2015.
Đáng chú ý, thời điểm đầu năm 2015, Pharbaco ghi nhận hơn 30,54 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, chiếm tới 34,74% tổng giá trị của khoản mục này, với VN Pharma. Trong khi đó, VN Pharma cũng sắm vai “người mua” khi trả trước cho Pharbaco hơn 1,52 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty con của VN Pharma là Công ty TNHH MTV Dược Nam Anh (nay đổi tên thành Công ty TNHH MTV Dược Đồng Trí) cũng trả trước cho Pharbaco gần 863,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, Pharbaco không ghi nhận số dư với các công ty này và giai đoạn 2016 - nay, số dư với VN Pharma và các công ty liên quan không còn chiếm tỷ trọng lớn trong khoản mục phải trả hoặc phải thu trên báo cáo tài chính của Pharbaco.
Kể từ năm 2016, doanh thu của Pharbaco bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2019, Pharbaco ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu đạt 484,1 tỷ đồng, giảm 34,5% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 0,4 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ năm trước.
Việc doanh nhân Ngô Nhật Phương tham gia phiên tòa vụ án thuốc ung thư giả VN Pharma với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và nhiều lần khẳng định tại tòa về lô thuốc chữa ung thư H-Capita không phải thuốc giả và được sản xuất tại Ấn Độ, đồng thời cung cấp nhiều tài liệu quan trọng để chứng minh cho luận điểm này.
Việc tham gia phiên tòa VN Pharma và đưa ra nhiều chứng cứ có lợi cho phía bị cáo lẫn Bộ Y tế mang tới không ít nghi ngờ vị này có mối quan hệ đặc biệt với lãnh đạo VN Pharma cũng như lãnh đạo cơ quan chuyên ngành. Doanh nhân Ngô Nhật Phương sau đó đã phủ nhận tin đồn này.