Phát động giảm sản lượng dầu, Saudi Arabia khẳng định tiếng nói trên trường quốc tế
Quyết định hôm Chủ nhật (2-4) về việc cắt giảm sản lượng dầu hơn 1,1 triệu thùng/ngày của liên minh OPEC + đã dập tan những hoài nghi về lập trường quyết đoán trên trường quốc tế của Saudi Arabia.
Trước đó, các nhà quan sát cho rằng Saudi Arbia, nước lãnh đạo trên thực tế của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ cân nhắc cẩn thận các kế hoạch giảm sản lượng vì điều này sẽ làm phật lòng Washington. Chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện đang tìm cách giữ giá dầu ở mức thấp để kiểm soát lạm phát.
Giảm sản lượng dầu vì lý do kinh tế
Chỉ vài tháng sau khi từ chối kêu gọi bơm thêm dầu thô của Tổng thống Mỹ Biden, Saudi Arabia ngày càng tự tin sử dụng ảnh hưởng của khu vực để vạch ra lối đi riêng.
Cuối tuần qua, Saudi Arabia tiếp tục khiến Washington không vui khi tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày. Cùng lúc đó, các nước thành viên khác của OPEC+ (liên minh giữa OPEC và các đối tác bên ngoài do Nga dẫn đầu), gồm Iraq, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman cũng thông báo cắt giảm sản lượng tổng cộng 649.000 thùng/ ngày. Thêm vào đó, Nga thông báo việc cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày trong tháng 3 sẽ tiếp tục cho đến cuối năm nay.
Ngay lập tức, các tờ báo của Saudi Arabia ca ngợi quyết định giảm sản lượng dầu và khẳng định đây là hướng đi đúng đắn. Các báo này bình luận, việc giải quyết vấn đề giá dầu giảm quan trọng hơn là dành bất kỳ sự ưu ái nào cho các đồng minh.
“OPEC+ hiện tại và trong quá khứ đã thành công trong việc ổn định thị trường dầu mỏ. Trái ngược với chỉ trích của các nước công nghiệp và phương Tây, quyết định giảm sản lượng dầu của nhóm này không liên quan đến chính trị”, báo Asharq Al-Awsat dẫn lời cựu cố vấn Bộ dầu mỏ Saudi Arabia, Mohammad Al Sabbanh.
Sabban cho biết thêm, quyết định này là hành động “phủ đầu và đề phòng” do sự không chắc chắn của thị trường dầu mỏ và nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng.
Trong bài viết đăng trên tạp chí Al-Majalla Faisal Faeq, cựu lãnh đạo của tập đoàn dầu khí Saudi Aramco thuộc sở hữu nhà nước Saudi Arabia, cho rằng OPEC+ phải hành động vì việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở phương Tây đã gây áp lực giảm giá “nhân tạo” trên thị trường dầu mỏ.
Việc Thái tử Mohammed bin Salman, Thủ tướng Saudi Arabia sẵn sàng hành động để đảm bảo sự ổn định thị trường và phối hợp chính sách năng lượng với Nga đã nhấn mạnh ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Saudi Arabia với tư cách là một siêu cường nhiên liệu hóa thạch. Động thái mới nhất của ông cũng phản ánh mối lo kinh tế khi giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng vào cuối tháng 3.
“Saudi Arabia và OPEC+ ngày càng tự tin và đã tự hào với quyết định cắt giảm 2 triệu thùng/ngày vào tháng 10 năm ngoái dù nhiều người hoài nghi về việc họ có thể làm như vậy hay không”, Bob McNally, Chủ tịch của Rapidan Energy Group và là cựu quan chức năng lượng của Nhà Trắng nói.
Thái tử Mohammed bin Salman cũng tính toán, do Mỹ là đồng minh an ninh với Saudi Arabia nên sẽ không mạo hiểm cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Riyadh . Vì vậy, Mỹ sẽ tiết chế phản ứng trước bất kỳ sự chuyển hướng nào trong chính sách của ông.
Đặt lợi ích quốc gia lên trên hết
Ưu tiên hàng đầu của Thái tử Mohammed là đảm bảo tầm nhìn trị giá hàng nghìn tỉ đô la nhằm đưa nền kinh tế đất nước đi theo hướng đa dạng hóa để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Trong khi Mỹ vẫn là đối tác quốc phòng và an ninh chính và là nhà cung cấp vũ khí số 1 của Saudi Arabia thì Riyadh ngày càng ít tin tưởng vào sự hỗ trợ của Washington trong trường hợp nước này bị tấn công.
Giáo sư lịch sử Bader Al-Saif của Đại học Kuwait, cho rằng Mỹ và những nước sử dụng dầu hàng đầu khác cần phải làm quen với thực tế là Saudi Arabia đặt quyền lợi của mình lên trên hết.
“Tại sao bạn lại mong đợi một quốc gia đặt lợi ích của các quốc gia khác lên lợi ích của mình ?”, ông nói và cho biết thêm, quyết định giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia chủ yếu là do động cơ kinh tế.
Sau tin OPEC+ giảm thêm sản lượng, giá dầu tăng vọt trong phiên giao dịch 3-4, một diễn bất lợi đối với Tổng thống Joe Biden khi ông đang nỗ lực kiểm soát giá cả nhiên liệu trong nước. Riyadh giải thích, quyết định cắt giảm dầu là biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ.
David Rundell, cựu nhà ngoại giao Mỹ, cho rằng việc diễn giải quyết định sản xuất dầu của Saudi Arabia như một tuyên bố chính trị là sai lầm. “Saudi Arabia quan tâm đến việc tối đa hóa giá dầu trong dài hạn chứ không phải trong ngắn hạn. Điều này đòi hỏi một mức độ ổn định về giá”, ông nói.
Chính quyền Tổng thống Biden đã cảnh báo Saudi Arabia sẽ đối mặt với “hậu quả” sau quyết định giảm sản lượng dầu 2 triệu/thùng của OPEC+ hồi tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, cho đến nay, Nhà Trắng vẫn chưa có hành động nào cụ thể để dằn mặt hoặc trừng phạt Riyadh.
Saudi Arabia không chỉ thể hiện là một cường quốc mới nổi chống lại Washington mà còn là một thế lực thậm chí còn lớn hơn trên thị trường năng lượng toàn cầu kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022.
Theo Gregory Gause, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Texas A&M (Mỹ), quyết định giảm sản lượng dầu của OPEC+ lần này không có lợi cho Mỹ lẫn Trung Quốc, nước đang cần dầu giá thấp để phục hồi kinh tế nhanh chóng.
“Quyết định đó phản ảnh chính sách đối ngoại của Saudi Arabia là coi thế giới là đa cực và tạo cho Riyadh nhiều cơ hội hơn để điều quản lý quan hệ với các cường quốc”, ông nói.
Theo Bloomberg