Phạt hành chính không cần phải thấp hơn mức phạt hình sự tối thiểu

Ngày 10-2-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 42. Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bổ sung quy định lập biên bản điện tử

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều, sửa kỹ thuật 12/142 điều, bổ sung mới 2 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 5 Điều của Luật XLVPHC.

Dự thảo tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực, bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực, bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt của một số chức danh mới, quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh theo hướng không bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến lập biên bản vi phạm hành chính như quy định rõ thời hạn lập biên bản, địa điểm lập biên bản; bổ sung quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính qua phương thức điện tử...

Về việc tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng trong trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó.

Bên cạnh đó, một số ý kiến nhất trí việc tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực như dự thảo Luật. Tuy nhiên, ý kiến này đề nghị cần tổng kết, đánh giá việc xử phạt trong thời gian qua, cụ thể có bao nhiêu trường hợp vi phạm hành chính đã bị xử phạt ở mức tối đa, đã thực hiện đầy đủ hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả nhưng vẫn không hiệu quả, để làm căn cứ tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực.

Ủy ban Pháp luật cũng tán thành việc quy định rõ hơn thời hạn, địa điểm lập biên bản VPHC và bổ sung việc lập, gửi biên bản VPHC bằng phương thức điện tử. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu rút ngắn hơn thời hạn lập biên bản để bảo đảm việc xử lý vi phạm được tiến hành nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời, bổ sung quy định trường hợp được lập biên bản bằng phương thức điện tử, làm cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh:Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh:Quochoi.vn

Băn khoăn quy định “ngừng cung cấp điện, nước”

Đáng quan tâm, ngoài các biện pháp hiện hành, dự thảo Luật bổ sung 2 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC gồm: ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ủy ban Pháp luật đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp điện, nước” trong lần sửa đổi này. Tuy nhiên, để bảo đảm tính hiệu quả, thích hợp với giai đoạn xử lý hành vi VPHC, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định “ngừng cung cấp điện, nước” là một biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm mà không phải là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC.

Đồng thời, bổ sung quy định để bảo đảm biện pháp ngăn chặn này chỉ được áp dụng đối với những hành vi mà điện, nước là điều kiện cần, là phương tiện để thực hiện hành vi VPHC và việc áp dụng biện pháp này không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, hoạt động của cá nhân, tổ chức khác. Bên cạnh đó, có ý kiến tán thành bổ sung quy định biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC “ngừng cung cấp điện, nước” như quy định của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, pháp luật hiện hành có 4 loại chế tài, trong đó xử lý hình sự là cao nhất, nghiêm khắc nhất. Điều quan trọng là tiêu chí để áp dụng khi nào xử lý hình sự, khi nào xử lý hành chính. Ví dụ, nếu hành vi trộm cắp từ 2 triệu đồng sẽ bị xử lý hình sự, thì dưới mức này sẽ xử lý hành chính. Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, ý nghĩa của phạt tiền trong xử phạt hành chính và xử lý hình sự là khác nhau, không nhất thiết xử phạt tiền trong xử lý hành chính phải thấp hơn hình sự, và cần tăng mức phạt hành chính để đảm bảo hiệu quả. Về đề nghị ngừng cung cấp điện nước tại nơi vi phạm, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp nhấn mạnh, biện pháp cưỡng chế và biện pháp ngăn chặn là hai loại khác nhau và đồng ý áp dụng biện pháp này trong một số trường hợp cần thiết.

Từ thực tiễn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần thiết bổ sung hình thức cắt điện, nước này vào Dự luật. Với biện pháp ngừng hoạt động vĩnh viễn, cần khoanh lại với đối tượng, hành vi nào thì áp dụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình cần sửa đổi Luật và nâng mức xử phạt cao hơn để đảm bảo răn đe. Ví dụ, trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nếu chở quá số lượng hành khách, phạt tăng thêm 1 hành khách là 1 triệu đồng, cứ thế cộng lên thì việc nhồi nhét hành khách sẽ giảm ngay.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chức năng tiếp thu các ý kiến của các Ủy viên UBTVQH, tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể các chính sách, đánh giá số liệu từng năm, từng lĩnh vực, so sánh luật này và các luật khác liên quan, trong đó có Bộ luật Hình sự. Về nâng mức xử phạt, các ủy viên UBTVQH tán thành cần nghiên cứu để nâng mức phạt tiền cao hơn trong 10 lĩnh vực và bổ sung mức phạt tối đa trong 6 lĩnh vực, nhưng cần rà soát trong các nhóm lĩnh vực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh, không nhất thiết xử phạt hành chính phải luôn luôn thấp hơn mức xử phạt tối thiểu của hình sự. Về nguyên tắc, bao giờ hình sự cũng nghiêm trọng hơn hành chính, nhưng không có nghĩa rằng mức phạt tiền trong hình sự bao giờ cũng thấp hơn mức tối đa trong hành chính.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cơ bản tán thành cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật và cho rằng việc sửa đổi, bổ sung luật phải đảm bảo quản lý Nhà nước, quản lý xã hội nhưng cũng đồng thời đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

Theo Chủ tịch Quốc hội, phải rà soát thật kỹ các nội dung, vì luật này là một trong các luật được áp dụng nhiều nhất, trong đó làm rõ có quy định nào bắt buộc mức phạt tiền trong lĩnh vực hình sự phải cao hơn lĩnh vực hành chính? Chủ tịch Quốc hội cũng cơ bản thống nhất với sửa đổi tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Hải Lý

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phat-hanh-chinh-khong-can-phai-thap-hon-muc-phat-hinh-su-toi-thieu-179478.html