Phát hiện loài rắn lạ, chưa từng được ghi nhận ở Philippines

Các nhà nghiên cứu cho rằng sinh vật này mang những đặc điểm hình thái riêng biệt, đủ để tạo thành một chi mới trong họ nhà rắn.

Một nhóm nghiên cứu do chuyên gia Jeff Weinell thuộc Đại học Kansas, Mỹ dẫn đầu vừa công bố việc tìm thấy các đặc điểm hình thái mới của loài rắn có tên rắn đào hang lùn Waray (tên khoa học là Levitonius mirus) - sinh vật bản địa của hai đảo Samar và Leyte ở Philippines.

Những phát hiện này không giống với những gì giới khoa học biết về loài rắn trước đây.

Theo nghiên cứu, rắn đào hang lùn Waray hiện được phân loại vào chi mới Levitonius, có cấu trúc xương giống với hai họ hàng gần là Myersophis và Oxyrhabdium.

Tuy nhiên, độ dài xương của loài này chỉ đạt tối đa 172 mm, khiến chúng trở thành loài nhỏ nhất từng biết trong họ Rắn hổ. Vì có kích thước nhỏ, rắn Waray chủ yếu ăn giun đất để sống.

 Nhà nghiên cứu Jeff Weinell phát hiện ra những đặc điểm hình thái khác biệt của loài rắn Waray. Ảnh: Scitechdaily.

Nhà nghiên cứu Jeff Weinell phát hiện ra những đặc điểm hình thái khác biệt của loài rắn Waray. Ảnh: Scitechdaily.

Bài nghiên cứu đăng ngày 23/12/2020 có đoạn: “Dữ liệu phân tích phân tử cho thấy chi mới Levitonius có quan hệ họ hàng gần nhất với chi Myersophis và Oxyrhabdium, chúng chia sẻ nhiều đặc điểm bộ xương. Tuy nhiên Levitonius khác với các chi khác ở kích thước, tỷ lệ cơ thể và một số đặc điểm khác”.

“Dữ liệu về bộ xương thể hiện rằng loài rắn này sống trong hang và ăn giun đất. Rắn Levitonius mirus có tổng chiều dài cơ thể tối đa là 172 mm và hiện là loài nhỏ nhất được biết đến trong họ Rắn hổ”.

Nghiên cứu cũng cung cấp nhiều hình ảnh và kết quả khác nhau từ hình chụp cắt lớp, hình X-quang bộ xương, mẫu ADN và các phân tích khác để chứng minh rắn Waray thuộc một chi mới.

 Hình ảnh phân tích cung cấp bởi nhóm nghiên cứu. Ảnh: Phys.org.

Hình ảnh phân tích cung cấp bởi nhóm nghiên cứu. Ảnh: Phys.org.

Các nhà nghiên cứu cho rằng những dữ liệu này cần thiết cho các nghiên cứu tiếp theo về đa dạng sinh học ở hai đảo Samar và Leyte nói riêng và quần thể động vật của Philippines nói chung.

“Kết quả của chúng tôi cho thấy cần có thêm những nghiên cứu trong tương lai trên các đảo Samar và Leyte, vốn chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà hệ thống sinh học, một phần là do những quan điểm cho rằng các hòn đảo này chỉ là tập hợp con của hệ động vật xương sống trên đảo lớn Mindanao”.

“Việc phát hiện ra một loài rắn mang nhiều khác biệt rõ rệt về phát sinh loài đóng góp vào việc kêu gọi xem xét lại toàn bộ mô hình phức hợp đảo tổng hợp Pleistocene (mô hình đa dạng hóa PAIC)”, theo các nhà nghiên cứu thuộc dự án.

Kiểu di chuyển kỳ lạ của rắn bay Một số loài rắn có khả năng trèo lên cây và "bay" từ cành này sang cành khác bằng những cú nhảy có chủ đích. Các nhà khoa học đang tìm hiểu lý do nào khiến chúng làm được điều đó.

Sang Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phat-hien-loai-ran-la-chua-tung-duoc-ghi-nhan-o-philippines-post1167582.html