Phát hiện mới về hiệu quả mũi tăng cường của vắc xin Pfizer/BioNTech

Vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

* Triển vọng đẩy lùi dịch COVID-19 bằng các loại vaccine mới

Theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Immunology ngày 9/5, dựa trên các thông số thu được từ xét nghiệm PCR, mũi thứ 3 vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả phòng bệnh ước tính ở mức 85,6% so với việc chỉ tiêm hai mũi cơ bản.

Nhóm nghiên cứu Israel tại Trung tâm Y khoa Sheba và Đại học Tel Aviv nêu rõ họ đã thử nghiệm tiêm mũi thứ ba vắc xin của Pfizer/BioNTech cho 12.290 nhân viên y tế chưa từng mắc COVID-19 và đã tiêm đủ hai mũi cơ bản trước đó.

Kết quả xét nghiệm PCR sau một thời gian tiêm phòng nhất định cho thấy trong số này chỉ có 407 người dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hai trường hợp khác phải nhập viện do có phản ứng phụ sau tiêm, trong đó một người gặp chứng đau nửa đầu kèm biểu hiện mất giác quan nằm viện trong hai ngày; người còn lại bị hạ natri máu không rõ nguyên nhân, được xuất viện sau 4 ngày.

Phần lớn nhân viên y tế tham gia nghiên cứu cho biết họ cảm thấy sưng đau tại chỗ khi tiêm mũi thứ ba. Phụ nữ dưới 60 tuổi ghi nhận nhiều triệu chứng sau tiêm hơn so với bất kỳ nhóm tuổi hoặc giới tính nào khác trong số những người tham gia nghiên cứu.

Nữ giới trẻ tuổi hơn cũng cho biết họ gặp nhiều phản ứng phụ tại nhiều khu vực khác nhau trên cơ thể so với các nhóm khác, bao gồm mệt mỏi, đau cơ và sốt.

Nghiên cứu cho biết thêm mũi thứ ba vắc xin của Pfizer/BioNTech về cơ bản sinh lượng kháng thể cao hơn mũi thứ hai, vốn hiệu quả giảm dần từ 5-6 tháng sau khi tiêm.

Theo dữ liệu thu thập được trong khuôn khổ nghiên cứu, dù lượng kháng thể tăng tương đối ít, chỉ khoảng 1,7 lần, nhưng hiệu quả trung hòa kháng thể trong máu tăng gấp 6 lần so với sau khi tiêm mũi thứ hai.

Kể từ khi cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 3 loại vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên cách đây hơn 1 năm, đến nay tại Mỹ không có thêm vắc xin nào được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên điều đó sẽ sớm thay đổi.

* Hơn 40 ứng cử viên vắc xin đang được thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ, sử dụng một số phương pháp tiếp cận khác nhau để bảo vệ người dân tránh lây nhiễm COVID-19.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Vaibhav Upadhyay và giáo sư Krishna Mallela tại Đại học Colorado (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu protein gai của virus SARS-CoV-2 và đang phát triển phương pháp điều trị căn bệnh này.

Trong cuộc phỏng vấn với trang The Coversation mới đây, hai nhà khoa học trên đã đưa ra những thông tin về những vắc xin đang được phát triển và giải thích lý do tại sao một số loại vắc xin đang được thử nghiệm được kỳ vọng mang lại hiệu quả tốt hơn những loại hiện có.

Theo hai chuyên gia trên, một lý do chính khiến các công ty không ngừng nỗ lực phát triển các vắc xin mới là bởi sự xuất hiện liên tục các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Hầu hết sự khác biệt giữa các biến thể là những thay đổi trong protein gai, nằm trên bề mặt của virus, giúp nó xâm nhập và lây nhiễm các tế bào trong cơ thể con người.

Một số thay đổi nhỏ ở protein gai này đã tạo điều kiện thuận lợi để virus SARS-CoV-2 lây nhiễm vào tế bào con người, đồng thời làm suy yếu miễn dịch có được từ việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hoặc từng mắc bệnh trước đó khi đối mặt với các biến thể mới

Cho đến nay, đã có 38 loại vắc xin được phê duyệt trên khắp thế giới và Mỹ đã cấp phép sử dụng 3 loại vắc xin trong số đó.

Hiện, có 195 ứng cử viên vắc xin đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau trên toàn thế giới, trong đó 41 vắc xin đang được thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/276308/phat-hien-moi-ve-hieu-qua-mui-tang-cuong-cua-vac-xin-pfizer-biontech.html