Phát hiện tính xấu của chồng sau khi sinh con
Cô cảm thấy thất vọng về chồng. Hóa ra, chồng cô chỉ quan tâm chu đáo khi mọi việc theo ý của anh ấy. Cô mong tìm ra cách để thay đổi tính này của chồng mình.
Cô gái hỏi Thanh Tâm ngay khi mở đầu câu chuyện rằng, có phải lúc có con mới biết rõ được tấm chân tình của chồng không? Cô kể, cô vừa sinh được 2 tháng, đến bây giờ mới kịp hoàn hồn để kể cho Thanh Tâm những gì cô đã trải qua.
Lúc mới kết hôn, cô đã lên kế hoạch sau 2 năm kết hôn mới có con. Nghe lời nịnh nọt của chồng rồi bố mẹ hai bên động viên rằng cần sinh con sớm, để sau nhỡ có vấn đề gì lại khổ. Vậy là cô đồng ý có con luôn. Những tháng ngày mang bầu trôi qua nhanh chóng bởi cô không bị ốm nghén, vẫn làm việc và đi lại bình thường. Nhưng cô bị sinh khó. Cô dự định sinh thường vào khoảng tuần thứ 39 hoặc 40. Chồng cô cũng cho rằng, sinh thường là tốt nhất.
Sát ngày dự sinh, thấy bụng râm ran đau, hai vợ chồng khăn gói vào bệnh viện. Chồng cô chu đáo dặn vợ cách lấy hơi, hít thở, rặn đẻ. Nhưng mọi thứ không như dự đoán. Siêu âm ban đầu con chỉ bị dây rốn quấn quanh cổ 1 vòng, bác sỹ đồng ý để đẻ thường. Vậy mà sau mấy ngày, đứa trẻ xoay lòng vòng trong bụng, dây rốn quấn thêm vào cổ. Siêu âm trước khi sinh, bác sỹ tư vấn cô nên mổ đẻ để an toàn cho mẹ và bé. Chồng cô không đồng ý. Mẹ chồng cũng bảo đẻ mổ, sau con sẽ yếu mà chăm mẹ mệt. Vậy là chồng cô bảo đợi thêm, biết đâu dây rốn lại được gỡ ra.
Đợi mãi, đợi mãi, đến khi cô đau bụng không thể chờ được thêm, mẹ vợ phải thúc giục thì chồng cô mới kí giấy cho vợ đẻ mổ. Cô ức chế vì chồng suy nghĩ thiển cận, may sao vẫn "mẹ tròn, con vuông". Đẻ xong vừa đau, vừa mệt, sữa lại chưa về, cô thấy sốt ruột vì thương con chưa có sữa mẹ. Còn chồng cô lại đổ lỗi cho vợ là không chịu đi bộ nhiều nên con mới bị "tràng hoa quấn cổ", phải đẻ mổ. Nhìn sang 2 sản phụ cùng phòng, một người được chồng chăm sóc chu đáo, người còn lại cũng căng thẳng không kém gì cô. Chị ấy sinh lần này là đứa thứ 3 rồi, đều là sinh mổ. Nếu chị ấy tiếp tục mang thai thì chị ấy sẽ có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng khi bác sỹ tư vấn với người chồng về việc thắt vòi trứng để ngừng mang bầu, anh chồng lại phũ phàng nói: "Không được, đã đẻ được con trai đâu mà triệt sản hả bác sỹ?".
Theo cô gái, hiện tại cô đã ổn định hơn. Nhưng cô cảm thấy thất vọng về chồng. Hóa ra, chồng cô chỉ quan tâm chu đáo khi mọi việc theo ý của anh ấy. Cô mong tìm ra cách để thay đổi tính này của chồng mình. Thanh Tâm đồng cảm với tâm trạng của cô gái nhưng vẫn bình tĩnh phân tích để cô ý thức mình mới sinh con, cơ thể còn yếu, cần ưu tiên ăn uống, tẩm bổ lấy lại sức khỏe, đồng thời chăm sóc cho con.
Quyết định trong lúc sinh vừa rồi có thể do chồng quá rối trí và tin tưởng vào bà nội, mong muốn vợ con có được trạng thái tốt nhất sau khi sinh. Thanh Tâm khuyên cô hãy thoải mái trong suy nghĩ để cuộc sống của mình được an yên, không tự độc thoại, đánh giá chồng. Trước khi làm việc gì, cô có thể nói chuyện trước với chồng, tìm hiểu các tình huống và đưa ra dẫn chứng, lý lẽ thuyết phục cho ý kiến của mình. Cô cần nhấn mạnh với chồng một điều, dù kế hoạch có chuẩn bị kỹ đến đâu vẫn có những tình huống bất ngờ, vì vậy phải linh hoạt, thay đổi cho phù hợp, ưu tiên lựa chọn của người trong cuộc.