Phát huy giá trị của làng nghề trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng - Bài cuối

BÀI CUỐI: ĐỂ LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG VƯƠN XA

Gìn giữ và bảo tồn làng nghề truyền thống là trách nhiệm của mỗi người dân và của cả xã hội, đặc biệt là các địa phương. Để văn hóa làng nghề không bị mai một và tiếp tục lưu giữ những tinh hoa đó trao truyền cho các thế hệ mai sau, mỗi địa phương có chiến lược phát triển riêng để các làng nghề vươn xa.

Nét văn hóa đặc sắc Nguyên Bình

Nguyên Bình có diện tích khoảng 814 km2, cách trung tâm Thành phố 37 km về phía Tây. Với lợi thế nằm trong vùng công viên địa chất, có Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo và các di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn huyện, nét đặc sắc của cộng đồng các dân tộc, huyện xác định du lịch văn hóa, du lịch sinh thái gắn với những làng nghề truyền thống sẽ là điểm nhấn thu hút khách trong và ngoài tỉnh.

Với mục tiêu phát triển du lịch - dịch vụ bền vững giai đoạn 2020 - 2025 phù hợp với chủ trương của tỉnh, huyện xác định vùng trung tâm phát triển du lịch của huyện là xã Thành Công gồm: Khu vực Phja Oắc - Phja Đén, rừng trúc Bản Phường, nhà trình tường Nà Rẻo, khu du lịch sinh thái Kolia, chợ phiên Phja Đén, xã Quang Thành với du lịch cộng đồng Hoài Khao đậm nét văn hóa bản sắc dân tộc gắn với các nghề thủ công truyền thống.

Đến với Nguyên Bình hình ảnh những người phụ nữ Dao Tiền ngồi thêu trước thềm nhà tạo ấn tượng sâu sắc đối với du khách. Nghề thêu trên trang phục đã có từ lâu đời, trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Dao Tiền rất cầu kỳ, tinh tế và trang nhã, đặc biệt là kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong. Mỗi tấm vải in bằng sáp ong là một tác phẩm nghệ thuật được tạo ra từ đôi tay khéo léo, sự cần cù và trí tưởng tượng phong phú của những người phụ nữ. Nét văn hóa nơi đây còn được thể hiện ở nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ gắn với sự hình thành và phát triển của dân tộc Dao, là kết quả của sự lao động cần cù, sáng tạo trong môi trường tự nhiên. Những dấu ấn của lịch sử, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Dao Đỏ được tái hiện, gửi gắm trên trang phục bằng nghệ thuật trang trí hoa văn với những đường nét tinh tế, đa dạng và sâu sắc.

Nghề chạm khắc bạc của người Dao Tiền ở xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình).

Nghề chạm khắc bạc của người Dao Tiền ở xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình).

Một nghề đặc sắc cổ xưa mang dấu ấn riêng biệt mà công nghệ hiện đại không thể làm ra được, đó là nghề chạm khắc bạc. Bạc không thể thiếu trong cộng đồng các dân tộc Cao Bằng, đặc biệt là người Dao. Bạc đem lại sự may mắn, tài lộc và thể hiện sự giàu sang, bình an. Dù không nhiều nhưng những nghệ nhân nơi đây vẫn bền bỉ, lặng lẽ gìn giữ và phát triển nghề chạm bạc độc đáo, tạo ra những sản phẩm truyền thống như: xà tích, nhẫn, vòng bạc hay khuy áo, chuông bạc tinh tế tạo nên vẻ đẹp truyền thống của người Dao.

Nguyên Bình cũng là “thủ phủ” của nghề làm miến dong truyền thống từ lâu đời. Với vùng nguyên liệu từ củ dong riềng đỏ trải dài trên các sườn đồi, sản xuất ra loại miến dong dai, mềm mà không nát, nổi tiếng cả trong và ngoài tỉnh, năm 2023, làng nghề miến dong Phja Đén được công nhận làng nghề truyền thống của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Dương Hiển Hòa cho biết: Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống nên việc phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa địa phương bước đầu còn có những khó khăn. Thực hiện chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, huyện nỗ lực thực hiện, bước đầu có những kết quả tích cực. Đặc biệt, huyện quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở trong vùng công viên địa chất, tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng làm du lịch, kết hợp trải nghiệm các làng nghề gắn với du lịch cho người dân. Hoạt động du lịch, dịch vụ có khởi sắc, hằng năm thu hút du khách đến địa bàn tăng so với năm trước. Điều kiện hạ tầng cơ sở được nâng cao, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, người dân có thêm việc làm, thu nhập, đời sống ổn định hơn.

Nơi đa sắc màu làng nghề truyền thống

Trong tuyến trải nghiệm phía Đông của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, đến với những trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên, du khách được khám phá những ngôi làng cổ đầy hấp dẫn, đặc biệt hòa mình vào nơi đa sắc màu làng nghề thuyền thống cổ xưa của huyện Quảng Hòa. Nơi đây không chỉ có các làng nghề đã được lưu truyền hàng trăm năm mà phong cảnh, bản sắc văn hóa dân tộc làm say đắm lòng người.

Người dân làng nghề rèn Pác Rằng xã Phúc Sen (Quảng Hòa) quanh năm bên bễ lò đỏ lửa.

Người dân làng nghề rèn Pác Rằng xã Phúc Sen (Quảng Hòa) quanh năm bên bễ lò đỏ lửa.

Ngay dưới chân đèo Mã Phục, những ngôi làng dưới thung lũng xanh mướt, trù phú trải dài bên những cung đường, đầu tiên là làng nghề truyền thống lâu đời nhất với sự tham gia của đông đảo người dân đó là làng nghề rèn Phúc Sen. Theo truyền thuyết, nghề rèn kế thừa từ thời nhà Mạc để lại (từ thế kỷ XVI) do một người lính già truyền lại cho bà con. Từ những nông cụ đơn giản thô sơ ban đầu, giờ đây qua đôi tay chăm chỉ của các nghệ nhân miệt mài quai búa, mài giũa hằng ngày, các sản phẩm làng nghề rèn Phúc Sen trở nên tinh sảo, chất lượng hơn, đa dạng mẫu mã, nhận được sự tin tưởng của khách hàng trong và ngoài tỉnh, nhiều du khách nước ngoài cũng quan tâm lựa chọn khi đến trải nghiệm miền non nước Cao Bằng.

Trải nghiệm tiếp theo là làng hương Phja Thắp, đây là ngôi làng cổ kính với những mái nhà sàn nhuốm màu thời gian của người Nùng An nằm giữa những cánh đồng yên bình. Nghề làm hương truyền thống gắn với tục thờ tổ tiên của người Việt cổ, là văn hóa, đạo lý răn dạy con cháu luôn hướng về nguồn cội. Nghề dệt vải nhuộm chàm cũng là làng nghề truyền thống từ lâu đời, với nét văn hóa đặc sắc khi người dân duy trì sử dụng trang phục truyền thống của mình trong hoạt động hằng ngày. Tới đây, du khách hiểu rõ hơn các công đoạn nhuộm chàm, dệt vải và cách để tạo ra một bộ trang phục truyền thống của người Nùng An. Điểm tiếp theo là xóm Dìa Trên, xã Quốc Dân nổi tiếng với nghề làm giấy bản, làng nằm trải dài theo chân núi, trước mắt là cánh đồng lúa xanh ngát, thơ mộng. Giấy bản ở đây được làm từ vỏ của cây mạy sla, thường mọc tự nhiên trên núi cao. Sau đó phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau mới có thể tạo ra một tờ giấy bản hoàn chỉnh.

Làng nghề ngói đất nung xóm Lũng Rì, xã Tự Do (Quảng Hòa).

Làng nghề ngói đất nung xóm Lũng Rì, xã Tự Do (Quảng Hòa).

Làng nghề ngói đất nung xóm Lũng Rì là làng nghề làm ngói âm dương đã có hàng trăm năm tuổi. Ngói được làm thủ công rất cẩn thận, màu sắc đẹp, dùng lợp mái nhà thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Với việc lựa chọn nguyên liệu khắt khe từ 3 loại đất khác nhau trộn đều, trải qua nhiều công đoạn với đôi bàn tay của người thợ để tạo ra những viên ngói chất lượng. Ngày nay dù có rất nhiều sản phẩm lợp nhà hiện đại nhưng bà con nơi đây vẫn ưa chuộng sản phẩm ngói Lũng Rì. Đến với xóm Hoàng Diệu, Lạn Dưới, xã Tự Do khi công việc đồng áng dần khép lại, làng nghề đan lát trở nên sôi nổi. Từ những nguyên liệu sẵn có tại địa phương, qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ, các sản phẩm đan lát thủ công đẹp mắt phục vụ cuộc sống hằng ngày ra đời, trong đó nổi tiếng là nón lá.

Trong điểm cuối của hành trình trải nghiệm làng nghề huyện Quảng Hòa, cùng trải nghiệm sự ngọt ngào của làng nghề Bó Tờ với những cánh đồng mía nguyên liệu trải dài tít tắp. Nơi đây là làng nghề sản xuất đường phên, một loại đường chuyên dùng cho các loại bánh truyền thống của địa phương, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Đó là tour du lịch trải nghiệm các làng nghề trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng của huyện Quảng Hòa. Với đa sắc màu các làng nghề truyền thống, mở ra nhiều cơ hội cho địa phương, tuy nhiên để giữ nghề cho các làng nghề, huyện cũng gặp những thách thức từ áp lực kinh tế - xã hội, môi trường. Bên cạnh phát triển kinh tế cần thực hiện bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, đảm bảo đúng giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với một số yếu tố hiện đại như hỗ trợ công nghệ trong sản xuất để giảm thiểu sức lao động, hỗ trợ công nghệ trong tiếp cận khách hàng, tìm hiểu thị trường, công tác bán hàng và sau bán hàng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Hòa Hoàng Thị Hiếu, với lợi thế đặc sắc các làng nghề truyền thống trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, huyện xây dựng kế hoạch để phát triển làng nghề gắn với du lịch một cách bài bản và lâu dài. Huyện đầu tư cơ sở vật chất tại các làng nghề, hỗ trợ người dân về bồi dưỡng kiến thức nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm đầu ra cho các sản phẩm, đảm bảo cảnh quan môi trường đáp ứng nhu cầu của du khách. Huyện tiếp tục tăng cường tìm nguồn lực để đẩy mạnh phát triển làng nghề, thu hút khách du lịch đến trải nghiệm thực tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển nghệ nhân...

Công nghệ ngày càng phát triển, có thể hỗ trợ mọi mặt của kinh tế - xã hội nhưng không thay thế được sự sáng tạo của các nghệ nhân, nghề truyền thống. Sản phẩm của các làng nghề truyền thống được nhìn nhận, đánh giá từ nhiều góc độ của đời sống xã hội với những giá trị hết sức to lớn và độc đáo sẽ còn mãi với thời gian.

Hồng Chuyên

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/phat-huy-gia-tri-cua-lang-nghe-trong-vung-cong-vien-dia-chat-non-nuoc-cao-bang-bai-cuoi-3172270.html