Phát huy giá trị văn hóa lịch sử Lễ cầu mùa dân tộc Cờ Lao đỏ

BHG - Là một trong những dân tộc rất ít người của nước ta, dân tộc Cờ Lao sinh sống chủ yếu tại xã Túng Sán (Hoàng Su Phì). Theo số liệu niên giám thống kê của Chi cục Thống kê huyện, đến ngày 30.12.2021, toàn huyện có 1.093 người Cờ Lao. Đây cũng là một trong những dân tộc có vốn văn hóa truyền thống độc đáo và phong phú, được bảo tồn và gìn giữ qua nhiều thế hệ, trong đó có Lễ cầu mùa diễn ra vào đầu tháng 7 âm lịch hàng năm tại miếu thờ Hoàng Vần Thùng, thôn Tà Chải, xã Túng Sán.

Nghi lễ cầu mùa tại miếu thờ Hoàng Vần Thùng, thôn Tà Chải, xã Túng Sán.

Nghi lễ cầu mùa tại miếu thờ Hoàng Vần Thùng, thôn Tà Chải, xã Túng Sán.

Theo truyền thuyết cũng như nội dung các bài cúng của các nghệ nhân dân gian người Cờ Lao và tư liệu trong cuốn Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn và trong cuốn Việt Nam lược sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn cho thấy, Hoàng Vần Thùng là nhân vật sống vào thời Hậu Lê, được triều đình giao cai quản vùng biên ải trải dài từ huyện Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang đến huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Là người có công khai ấp, lập làng, giúp nhân dân trong vùng mở mang khai khẩn ruộng nương, đánh đuổi thú dữ, kẻ thù để xây dựng cuộc sống. Vì vậy sau khi ông mất, để tưởng nhớ công ơn của Hoàng Vần Thùng, nhiều dân tộc sinh sống trong khu vực các huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần đã lập miếu thờ với nhiều hình thức khác nhau. Đối với dân tộc Cờ Lao đỏ xã Túng Sán, họ lập một ngôi miếu tại thôn Tả Chải để thờ tự, trong đó lễ cúng to nhất được tổ chức vào ngày Thìn đầu tiên của tháng 7 âm lịch hàng năm với sự tham dự của cả cộng đồng. Ngoài những bài cúng tế đề cập rất rõ về thân thế, sự nghiệp của Hoàng Vần Thùng thì tại miếu thờ hiện vẫn còn những bài vị bằng chữ Hán ghi lại tên tuổi và công lao của ông.

Trước khi cúng tế khoảng 10 ngày, người chủ tế được giao cai quản miếu thờ thông qua các trưởng thôn, bản thông báo cho các gia đình về thời gian tổ chức cúng tế để chuẩn bị tham dự. Đây là một quy định bất thành văn nhưng khi tham gia cúng tế, mỗi gia đình tùy điều kiện để góp tiền mua một con lợn và các lễ vật để cúng tế, ngoài ra, các hộ còn góp thực phẩm khác như rau, rượu, gạo để tế lễ. Khi đến giờ cúng, người chủ tế lấy tất cả các con vật làm đồ tế lễ để cúng sống (hiến tế). Sau khi hiến tế, họ đem số lợn, gà mổ sống, không cắt tiết, cạo lông để lấy ra bộ lòng rồi để cả con lợn cùng bộ lòng lên tàu lá chuối rừng làm lễ vật cúng tế. Sau khi cúng xong bước thứ nhất, các lễ vật sống được đem đi làm lông, nấu chín và sắp ra mâm và tiếp tục cúng. Cuối cùng tất cả mọi người tổ chức ăn uống tại miếu, số còn lại được chia đều cho các gia đình lấy phần mang về nhà.

Nét nổi bật nhất trong Lễ cầu mùa là thông qua các bài cúng tế ta thấy mối liên hệ rất rõ nét về một nhân vật lịch sử mà hiện nay chỉ có các dân tộc thuộc các xã trong 2 huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần hiện vẫn thờ phụng, đó là Hoàng Vần Thùng với những di tích, địa danh và những câu chuyện kể miệng vẫn còn được lưu truyền trong dân gian. Mặc dù thời điểm tổ chức tế lễ của mỗi dân tộc có khác nhau, đồng thời có những dân tộc có sự khác biệt hoàn toàn về văn hóa như dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng, nhưng trong các bài cúng thần rừng hoặc cúng trong lễ Tết Thanh minh, cúng mùng 5.5 âm lịch hàng năm đều nhắc đến tên một nhân vật chính là Hoàng Vần Thùng, song hiện chỉ có dân tộc Cờ Lao xã Túng Sán là có một lễ hội (Củng Mỉeu) với quy mô tộc người dành riêng cho nhân vật này.

Bên cạnh đó, trong Lễ cúng thần Hoàng Vần Thùng với những vật phẩm là sản phẩm của lao động canh tác nông nghiệp cũng như cách chế biến cùng với các bài cúng với mong muốn cầu mong cho vụ mùa thuận lợi, mưa thuận, gió hòa đã thể hiện rõ nét những đặc trưng văn hóa của nền văn minh nông nghiệp lúa nước và canh tác nương rẫy. Mặt khác nếu xét về bản chất cũng như phạm vi không gian, thời gian và cách thức tổ chức buổi lễ thì đây cũng là dịp để cộng đồng người Cờ Lao tăng cường tinh thần gắn bó cộng đồng trên nền tảng quan niệm về đạo đức của tộc người - một điều tối quan trọng để họ tồn tại trong một xã hội cổ xưa vốn đầy dẫy những bất trắc luôn rình dập.

Với những giá trị văn hóa - lịch sử độc đáo, Lễ cầu mùa của dân tộc Cờ Lao đỏ xã Túng Sán vừa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 778/ QĐ-BVHTTD ngày 4.4.2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là sự ghi nhận những giá trị về văn hóa, khơi dậy lòng tự hào dân tộc của cộng đồng dân tộc Cờ Lao nói chung và của nhóm dân tộc Cờ Lao đỏ xã Túng Sán nói riêng.

Bài, ảnh: Trần Trí Nhân (Hoàng Su Phì)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202208/phat-huy-gia-tri-van-hoa-lich-su-le-cau-mua-dan-toc-co-lao-do-6156524/