Phát huy hiệu quả các kết quả nghiên cứu về thiên tai

Thời gian qua, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) trong dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai đã được triển khai. Các nhà khoa học đẩy mạnh hoạt động quan trắc, đánh giá, xác định cấp độ rủi ro thiên tai,...

Thời gian qua, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) trong dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai đã được triển khai. Các nhà khoa học đẩy mạnh hoạt động quan trắc, đánh giá, xác định cấp độ rủi ro thiên tai,...

Trong đó, nhiều nghiên cứu, công nghệ đã được ứng dụng hiệu quả, như ứng dụng KH và CN trong báo tin động đất, cảnh báo sóng thần; nghiên cứu và chuyển giao các giải pháp KH và CN để khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Nhiều nghiên cứu về thiên tai áp dụng các công nghệ tiên tiến đang tiếp tục hoàn thiện, như: sử dụng số liệu vệ tinh để xác định lượng mưa đi kèm với bão; ứng dụng đa phương tiện xây dựng hệ thống cảnh báo sớm tai biến lũ quét chi tiết đến cấp xã; nghiên cứu tai biến trượt lở đất, lũ lụt bằng công nghệ cảnh báo thời gian thực…

Tuy nhiên, có những công trình nghiên cứu đã hoàn thành, tiêu tốn nhiều tỷ đồng của ngân sách, nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Ðiển hình như cuốn "Atlas thiên tai Việt Nam - Phần đất liền" là công trình nghiên cứu thuộc Chương trình KH và CN trọng điểm cấp nhà nước do các nhà khoa học thuộc Viện Ðịa chất (Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam) thực hiện, nghiên cứu trong ba năm về các loại thiên tai chính ác liệt nhất đã, đang và sẽ gây nhiều thiệt hại trên đất nước ta, như: bão, hạn hán, lũ lụt, trượt lở, lũ quét - lũ bùn đá; động đất…

Ðây là công trình Atlas các loại thiên tai chính đầu tiên của Việt Nam được trình bày khoa học, hệ thống, với phương pháp luận thống nhất. Trong công trình này đã thể hiện được đặc điểm của từng loại thiên tai, phân vùng cảnh báo nơi có khả năng xảy ra thiên tai, giải pháp chủ yếu phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Ðáng chú ý, công trình đã phân vùng nguy cơ để biết được địa phương nào chịu ảnh hưởng nặng nhất đối với một loại thiên tai cụ thể. Thí dụ, công trình chỉ ra những tỉnh có nguy cơ rất cao về trượt lở là: Lào Cai, Lai Châu, Ðiện Biên, Yên Bái, phía nam Hà Tĩnh, phía bắc Quảng Trị và vùng núi nam Trung Bộ gồm miền núi của các tỉnh, thành phố: Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Kết quả nghiên cứu được coi là cơ sở khoa học giúp cho các ngành, địa phương quyết định đầu tư cho công tác cảnh báo thiên tai phù hợp. Ðồng thời, để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các bản đồ cảnh báo nguy cơ thiên tai ở cấp tỉnh, cấp huyện, xã theo thứ tự nguy cơ rất cao, cao, trung bình. Atlas cũng có thể được biên tập, đơn giản hóa nội dung để xây dựng thành Atlas về thiên tai Việt Nam sử dụng cho học sinh.

Năm 2015, công trình đã được nghiệm thu, bàn giao cho Bộ KH và CN, nhưng đến nay sức lan tỏa của công trình vẫn còn hạn chế, chưa đến được các ngành, địa phương liên quan. Trước thực tế về diễn biến phức tạp của thiên tai xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam và sự cần thiết trong công tác chỉ đạo, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai của từng địa phương, thiết nghĩ Bộ KH và CN cần phối hợp các địa phương, các ngành để giới thiệu, phát huy hiệu quả của công trình này. Cũng từ trường hợp nêu trên, các cơ quan chức năng cần rà soát kết quả các đề tài, dự án về cảnh báo, dự báo thiên tai đã được triển khai trong thời gian qua đạt hiệu quả tới đâu. Các đơn vị đặt hàng nghiên cứu cần nhanh chóng có các giải pháp ứng dụng, đưa nhanh các kết quả nghiên cứu đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

HÀ LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/phat-huy-hieu-qua-cac-ket-qua-nghien-cuu-ve-thien-tai-623534/