Phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách

Thoát nghèo nhờ vốn chính sách là giải pháp quan trọng để người nghèo, hộ nghèo chủ động vươn lên, không trông chờ vào chính sách 'cho không' như trước đây. Do tác động của dịch Covid-19, việc tiếp cận nguồn vốn của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), từng đồng vốn chính sách của Chính phủ đang được tiếp tục chuyển về tận thôn, ấp, giúp nhân dân khôi phục, phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống.

Tiếp sức để khôi phục sản xuất

Gia đình chị Chu Thị Hạnh ở thôn Đắk Côn, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập là một trong rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã được hưởng lợi từ các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH. Đất sản xuất ít, chị tranh thủ chăn nuôi thêm để phát triển kinh tế gia đình. Ở xã vùng biên còn nhiều khó khăn này, đồng vốn chính sách phần lớn được người dân tận dụng để chăn nuôi gia súc, gia cầm với mong muốn lấy ngắn nuôi dài, dần vươn lên thoát nghèo. “Làm việc lớn mình không làm được thì làm những việc nhỏ, làm từ từ. Nguồn vốn tuy không lớn nhưng nếu biết tận dụng, vẫn có hiệu quả. Bây giờ nếu không có vốn, muốn chăn nuôi thêm chắc cũng “bó tay”. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Được 1 đồng là quý 1 đồng” - chị Hạnh tâm sự.

Nguồn vốn chính sách là “cần câu” để người nghèo có “con cá” vượt qua đại dịch

Nguồn vốn chính sách là “cần câu” để người nghèo có “con cá” vượt qua đại dịch

Với những nông dân ở vùng sâu, dịch Covid-19 đã có những tác động không nhỏ đến đời sống và kinh tế của các hộ dân. Bởi họ chủ yếu trông cậy vào sản xuất nông nghiệp, không có thêm bất kỳ nguồn thu nào khác. Vì vậy, nếu không được tiếp sức, nguy cơ tái nghèo rất dễ xảy ra. Anh Đinh Đức Luấn, thôn Đắk Côn cho biết: “Những ngày thực hiện giãn cách xã hội do dịch, mình có muốn đi thăm vườn cũng không được nên sâu bệnh hại cây trồng cũng nhiều. Không biết mùa màng sau này sẽ thế nào. Giờ giá phân bón, thuốc trị bệnh cho cây trồng, cái gì cũng cao, mà không có vốn là mình thua”.

Còn bà Phạm Thị Vang ở thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập cho biết: “Tôi vay 20 triệu đồng từ năm 2019 và cũng đã hoàn thành trả nợ vốn vay. Nhưng năm nay dịch bệnh khó khăn quá, chắc tôi phải tiếp tục vay thêm vốn từ các chương trình tín dụng khác của Ngân hàng CSXH để khôi phục sản xuất sau giãn cách. Chứ nông dân như tôi kiếm số tiền vài chục triệu không phải dễ”.

Không để người dân thiếu vốn

Ngay sau khi nới lỏng giãn cách, điểm giao dịch xã Bù Gia Mập thuộc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bù Gia Mập đã nhanh chóng mở cửa trở lại. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bù Gia Mập đã triển khai các biện pháp để phòng, chống dịch như: Tổ chức sắp xếp và phân chia thời gian hợp lý phục vụ khách hàng đến giao dịch; yêu cầu khách hàng thực hiện nghiêm thông điệp “5K” trước, trong và sau khi thực hiện các giao dịch. Hiện các xã trong huyện đều có điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH. Hệ thống điểm giao dịch này đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các hộ dân. Mặt khác, còn đảm bảo giao dịch an toàn cho người dân trong thời điểm dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ khó khăn và hộ dân tộc thiểu số được vay vốn chính sách để khôi phục, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Ngoài nhu cầu phát triển sản xuất, vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của người dân cũng rất lớn. Ngân hàng chính sách trong Ban chỉ đạo rà soát các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo trong giai đoạn mới. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ nắm bắt sâu sát hơn các đối tượng để có kế hoạch về nguồn vốn trong đợt phục hồi sản xuất này, không để người dân thiếu vốn. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ linh hoạt sử dụng các nguồn vốn nhằm tạo thuận lợi cho người dân được tiếp thêm nguồn lực vượt qua đại dịch.

Bà NGUYỄN THỊ THOA, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bù Gia Mập

Để người dân có thể tiếp cận kịp thời nguồn vốn chính sách, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bù Gia Mập đang phối hợp các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện giải ngân nhanh, đúng đối tượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bởi đây là kênh thông tin 2 chiều gần gũi nhất, nhanh nhất để các quy định, chương trình chính sách đến với người dân, đồng thời là chỗ dựa tin cậy để ngân hàng thực hiện ủy thác với mục đích sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn vay. Ông Lương Văn Sung, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bù Gia Mập cho biết: “Là một trong những tổ chức nhận ủy thác của Ngân hàng CSXH, chúng tôi rất minh bạch trong việc xét cho vay. Từ xã đến ấp đều có sự tham gia của hội nông dân. Đặc biệt với các chương trình tín dụng về giảm nghèo, những hộ có ý chí vươn lên, chăm chỉ làm ăn, chúng tôi mới xét cho vay”.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bù Gia Mập là gần 74 tỷ đồng. Không chỉ tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách tiếp cận vốn vay, ngân hàng còn rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để áp dụng các biện pháp hỗ trợ như giãn nợ, gia hạn nợ. Tính đến hết quý 3 năm nay, nợ quá hạn của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bù Gia Mập là 629 triệu đồng, tăng 364 triệu đồng so với đầu năm.

Thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bù Gia Mập sẽ tập trung cho vay chương trình học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19, thực hiện chính sách cho vay trả lương ngừng việc cho người lao động. Đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ để giải ngân cho vay các chương trình tín dụng, sớm hoàn thành kế hoạch được giao. “Ngân hàng CSXH đã chủ động tham mưu các cấp chính quyền tranh thủ nguồn vốn địa phương chuyển qua Ngân hàng CSXH và các nguồn vốn từ Trung ương chuyển về, làm sao chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến người dân” - bà Nguyễn Thị Thoa, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bù Gia Mập cho biết.

Thu Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/128234/phat-huy-hieu-qua-nguon-von-chinh-sach