Phát huy hiệu quả tài liệu giáo dục địa phương

Ngành Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh quan tâm xây dựng và từng bước đưa tài liệu giáo dục địa phương (TLGDĐP) vào giảng dạy tại các lớp, bậc học của các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Qua đó, phát huy hiệu quả tích cực, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, ý thức gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc và liên hệ vận dụng những điều đã học vào thực tế.

Từ năm học 2021 - 2022 đến nay, tại Trường THPT Nà Bao (Nguyên Bình), TLGDĐP được triển khai ở các lớp với thời lượng 35 tiết/năm học, nội dung của tài liệu gần gũi với đời sống thực tế nên học sinh rất thích thú, khiến cho các tiết học trở nên hấp dẫn, phát huy được tính năng động, sáng tạo, đem lại những hiểu biết và trải nghiệm học tập thú vị, ý nghĩa đối với cả giáo viên và học sinh. Em Tô Bảo Khanh, lớp 6B chia sẻ: Em rất thích TLGDĐP vì có nhiều hình ảnh đẹp, trực quan, sinh động, dễ hiểu. Qua các tiết học, em và các bạn được tìm hiểu thêm về những di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh; thực hành truyền thông quảng bá du lịch dựa trên những chất liệu sẵn có nên tích lũy được thêm nhiều kiến thức bổ ích, giúp chúng em có hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử và bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số của địa phương và của tỉnh.

Hiệu trưởng Trường THPT Nà Bao Nguyễn Thanh Bình cho biết: Đội ngũ giáo viên của trường được tham gia các lớp tập huấn về sử dụng TLGDĐP tỉnh nên rất chủ động, thuận lợi trong công tác giảng dạy. Để phát huy hiệu quả của tài liệu, nhà trường quan tâm bố trí thời gian giảng dạy đảm bảo tính khoa học, không gây áp lực, tạo môi trường cởi mở, thuận tiện cho học sinh khi trải nghiệm, vận dụng những kiến thức đã học, phát huy năng lực đã đạt được trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục vào thực tiễn. Tham gia học tập, đa số học sinh thể hiện sự hào hứng, mạnh dạn, tự tin, dám thể hiện quan điểm và những kỹ năng vốn có, tính chủ động tiếp nhận nhiệm vụ, giúp năng lực làm việc nhóm được cải thiện rõ rệt.

Thời gian qua, Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện biên soạn nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Hiện nay, TLGDĐP tỉnh đang được đưa vào sử dụng tại tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn từ bậc tiểu học đến THPT. Đối với TLGDĐP lớp 12, sau khi hoàn thiện hồ sơ, UBND tỉnh trình Bộ GD&ĐT phê duyệt, in ấn, ban hành và đưa vào giảng dạy lồng ghép tại các cơ sở giáo dục THPT (lớp 12) trong năm học tới.

Câu lạc bộ “Cùng em khám phá Công viên địa chất Non nước Cao Bằng” Trường THPT Nà Bao (Nguyên Bình) tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng).

Câu lạc bộ “Cùng em khám phá Công viên địa chất Non nước Cao Bằng” Trường THPT Nà Bao (Nguyên Bình) tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng).

TLGDĐP tỉnh được thiết kế theo lĩnh vực và chủ đề phục vụ cho việc dạy và học, thời lượng các tiết học dành cho giảng dạy các chủ đề, dành cho kiểm tra và đánh giá được phân bổ hợp lý. Các nội dung chủ yếu về văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương, chính trị - xã hội, môi trường của địa phương…, bám sát các yêu cầu và nội dung theo khung giáo dục đã được UBND tỉnh phê duyệt và phù hợp với từng khối lớp. Mặc dù nội dung tài liệu các khối lớp khác nhau nhưng chương trình giảng dạy đều được các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tích hợp trong các môn học và hoạt động trải nghiệm, bảo đảm tính mở, linh hoạt giúp giáo viên chủ động lựa chọn nội dung, phương thức, không gian, thời gian hoạt động phù hợp.

Theo Trưởng Phòng GD&ĐT Thành phố Triệu Mỹ Vân, trên địa bàn Thành phố có 19 trường học đang thực hiện chương trình giáo dục địa phương (10 trường tiểu học, 8 trường THCS và 1 trường tiểu học và THCS). Các trường tiểu học thực hiện giảng dạy lồng ghép đối với khối lớp 1, 2; các khối lớp 3, 4, 5 chưa có tài liệu, chỉ được tiếp cận bản PDF. Các trường THCS thực hiện chương trình giáo dục địa phương từ lớp 6 - 9. Quá trình giảng dạy TLGDĐP, các trường chủ động phân công các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch đảm bảo khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của trường và nhất quán với định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Quan tâm đôn đốc giáo viên dạy từng phân môn chủ động, tích cực chuẩn bị bộ câu hỏi và đáp án gửi về tổ để thảo luận, điều chỉnh rồi biên soạn đề kiểm tra chung đảm bảo sát thực tế và hiệu quả.

Các giáo viên được phân công phụ trách nghiên cứu kỹ tài liệu, xây dựng kế hoạch bài giảng, chuẩn bị đồ dùng, tư liệu dạy học. Vận dụng hiệu quả các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học kết hợp với tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế, kết hợp giữa bài giảng điện tử với nghiên cứu tài liệu, hình ảnh trực quan, giúp các học sinh tiếp thu và khai thác nội dung bài học một cách chủ động, sáng tạo, năng động. Các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm quản lý kết quả giáo dục và học tập của học sinh để giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, ưu tiên thời gian cho giáo viên chuyên tâm đổi mới phương pháp dạy học.

Với sự phân bổ chương trình theo từng bậc học, lĩnh vực, nhóm chủ đề cùng sự phong phú, đa dạng các hình thức tổ chức dạy học, các giờ học TLGDĐP đã đưa học sinh về với mảnh đất mình đang sinh sống; khơi gợi hứng thú tìm hiểu về lịch sử, tiềm năng thế mạnh của quê hương và chiều sâu văn hóa các dân tộc. Qua đó, phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc; giáo dục ý thức trách nhiệm, tích cực xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Lam Giang

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/phat-huy-hieu-qua-tai-lieu-giao-duc-dia-phuong-3172551.html