Phát huy hiệu quả vườn thuốc nam tại các trạm y tế xãTin khácDự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 3)Dự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 2)

Vườn thuốc nam mẫu tại các trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh luôn được cán bộ y tế chăm sóc thường xuyên, là nguồn dược liệu quan trọng để giới thiệu, phổ biến đến người dân trong chăm sóc, điều trị các chứng bệnh thường gặp. Việc khám, chữa bệnh bằng cây thuốc nam đã giúp tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phát huy thế mạnh trong việc điều trị y học cổ truyền tại cơ sở.

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi có mặt tại Trạm Y tế xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng, trong vườn thuốc nam mẫu của trạm có nhiều loại cây rất quen thuộc như: Ngải cứu, chanh, tía tô, gừng, kinh giới, bạc hà, đinh lăng, rau má, ích mẫu, húng chanh… Những loại thuốc nam này có hiệu quả rất tốt trong việc điều trị các chứng cảm cúm, thương hàn, viêm họng, thanh nhiệt, tiêu viêm, sốt xuất huyết, lợi tiểu, mát gan, xương khớp… Chị Chu Bích Lâm, Phụ trách Trạm Y tế xã Trùng Khánh cho biết: Những cây thuốc nam này được trồng và chăm sóc từ 3 – 4 năm nay. Khi bệnh nhân đến trạm khám, chúng tôi tuyên truyền, giới thiệu cho người bệnh về cách sử dụng. Qua đó, người dân có thể áp dụng vào thực tế hằng ngày để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tại nhà khi gặp các chứng bệnh thông thường.

Cán bộ Trạm Y tế xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng chăm sóc vườn cây thuốc nam mẫu

Cán bộ Trạm Y tế xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng chăm sóc vườn cây thuốc nam mẫu

Không chỉ ở xã Trùng Khánh, vườn thuốc nam tại các trạm y tế khác trên địa bàn tỉnh cũng góp phần hỗ trợ người dân điều trị các bệnh thông thường cho bản thân và gia đình. Chị Hà Thị Chinh, thôn Phúc Lũng, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng chia sẻ: Bản thân tôi và người dân trong thôn hay sử dụng các loại cây thuốc nam có sẵn trong vườn hoặc trên rừng, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ để chữa trị cảm cúm, hạ sốt, xương khớp… Nếu cây nào không có thì ra vườn thuốc nam của trạm y tế xin về trồng, vì dùng thuốc nam tuy tác dụng chậm hơn thuốc tây y nhưng không có tác dụng phụ. Tôi có con nhỏ, bé rất hay mắc những bệnh về đường hô hấp, sốt… nhất là trong thời điểm giao mùa, bên cạnh việc sử dụng thuốc tây y theo đơn kê của bác sỹ, tôi lấy lá hẹ, húng chanh hấp mật ong cho con uống để giảm cơn ho hay lấy lá kim ngân về đun nước tắm khi con sốt phát ban, đều thấy có hiệu quả.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, toàn tỉnh có 328 vườn thuốc nam, trong đó, 105 vườn của các hội viên; 10 vườn tại các chi hội trực thuộc và 213 vườn tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Nếu vườn thuốc nam mẫu tại các trạm y tế ở các địa phương tập trung chủ yếu những cây chữa bệnh thông thường thì vườn thuốc nam mẫu tại Hội Đông y tỉnh rộng 200 m2 , hơn 60 loại cây thuốc, lại chú trọng đến việc bảo vệ nguồn gen cũng như phục vụ quá trình học tập, nghiên cứu và chữa bệnh bằng phương pháp đông y.

Thực tế cho thấy, so với việc chữa bệnh theo phương pháp tây y, chữa bệnh thông thường bằng các bài thuốc nam có nhiều ưu điểm như tránh được hiện tượng “nhờn thuốc”. Không chỉ bảo đảm tốt tiêu chí vườn thuốc nam mẫu trong xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế mà việc phát triển số lượng, chất lượng và nâng cao hiệu quả vườn cây thuốc nam còn góp phần lưu giữ những bài thuốc cổ truyền của dân tộc, bảo vệ và duy trì nguồn dược liệu quý.

Ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: Hiện nay, số lượng vườn thuốc nam mẫu tại các Trạm Y tế đã được nhân rộng. Tuy nhiên, việc phát triển vườn thuốc nam tại các trạm y tế còn nhiều khó khăn. Một số trạm y tế có vườn thuốc nam nhưng không đầy đủ chủng loại, số cây thuốc theo quy định. Cùng với đó, tình trạng các trạm y tế có vườn thuốc nam nhưng cũng khó phát triển, bởi hầu hết các trạm mới chỉ có các cây thuốc mẫu thông dụng chứ chưa thể sơ chế thành thuốc nguyên liệu để đưa vào sử dụng trong điều trị bệnh…

Để phát huy hiệu quả những vườn thuốc nam, ngành y tế cần tiếp tục tham mưu các cấp chính quyền có những cơ chế, chính sách và đề án để phát triển vườn cây thuốc nam tại các trạm y tế; tăng cường đào tạo, bố trí cán bộ y học cổ truyền về các trạm y tế cũng như tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng, trồng và chăm sóc một số cây thuốc thông dụng để sử dụng khi cần thiết. Cùng với đó, hội đông y các cấp cần đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn cho hội viên, người dân và tuyên truyền đến người dân về công tác bảo vệ nguồn dược liệu quý trên địa bàn tỉnh.

ĐĂNG THÙY

NHÓM PV KINH TẾ

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/512673-phat-huy-hieu-qua-vuon-thuoc-nam-tai-cac-tram-y-te-xa.html