Phát huy hơn nữa vai trò đội ngũ lý luận phê bình văn học

Song hành cùng lực lượng sáng tác văn học, đội ngũ lý luận phê bình văn học của tỉnh đã có những đóng góp không nhỏ trong sự phát triển văn học - nghệ thuật của tỉnh. Trong đó có vai trò đánh giá, dự báo và định hướng cho sáng tác văn học ở Tuyên Quang.

Các tác giả Tuyên Quang trao đổi kinh nghiệm sáng tác cùng hội viên Hội Nhà văn Việt Namtại Trại sáng tác văn học năm 2019.

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi có lực lượng sáng tác văn học khá mạnh. Hơn 50 hội viên Phân hội văn học Tuyên Quang và gần 10 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, bao gồm những người cầm bút có tên tuổi, có chỗ đứng trên văn đàn cả nước. Trong đó, tiêu biểu như: Trịnh Thanh Phong, Mai Liễu, Phù Ninh, Lê Na, Đinh Công Thủy, Tạ Bá Hương... Với một lực lượng sáng tác như thế, chúng ta cũng cần có một mảng lý luận phê bình phát triển tương xứng.

Lý luận phê bình văn học là công việc đòi hỏi sự tỷ mỉ, kỹ càng, có tính khoa học, khả năng cảm thụ, bởi thế người viết lý luận phê bình cần có sự đầu tư công sức cho mỗi tác phẩm, công trình. Theo Tiến sỹ Văn học Trần Thị Lệ Thanh: “Nếu giới văn nghệ sỹ được xem như là người lính tiên phong trong mặt trận văn hóa, nghệ thuật - tư tưởng thì lực lượng lý luận phê bình văn học được xem là người lính tiên phong trong đội ngũ tiên phong đó”.

Những năm gần đây, chúng ta đã hình thành được một đội ngũ làm công tác lý luận phê bình. Trong đó có tổ lý luận phê bình với 6 thành viên, bao gồm đội ngũ các tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân văn chương. Đây là lực lượng mạnh đủ sức đảm đương một nhiệm vụ nặng nề của đời sống văn học nghệ thuật thời kỳ mới đề ra.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã có 187 bài phê bình mang tính đánh giá, dự báo, góp phần định hướng cho sáng tác và dư luận xã hội. Điển hình như: “Tuyên Quang niềm tự hào qua những trang thơ”, “Đôi điều suy ngẫm về văn học Tuyên Quang trong thời kỳ đổi mới” của TS. Trần Thị Lệ Thanh; “Đọc vầng trăng nơi em của tác giả Nguyễn Bình” - Ngô Đăng Khoa; “Tính đa diện nhiều chiều của hiện thực trong văn học Tuyên Quang sau 1986” của TS. Nguyễn Thị Thu Hà; “Đọc ba truyện ngắn Tuyên Quang trên Báo Văn nghệ” của Ngô Đăng Khoa; “Hai cô gái trong tiểu thuyết Chúa Bầu của Vũ Xuân Tửu” - Nhà văn Phù Ninh; “Văn học Tuyên Quang - Hội tụ văn hóa để phát triển trong tính đa thanh, đa sắc” của PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh; “Văn học Tuyên Quang với đề tài tình yêu” của ThS. Lê Thị Thu Hà... Nhiều bài viết đã kịp thời giới thiệu đến độc giả những tác phẩm hay, đặc sắc góp phần động viên, khích lệ và làm nổi bật diện mạo văn học tỉnh nhà.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì lý luận phê bình văn học Tuyên Quang còn tồn tại nhiều hạn chế. Nhà văn Phù Ninh, Tổ trưởng Tổ lý luận phê bình chia sẻ, tuy hội tụ những người có tri thức, trình độ lý luận và thẩm duyệt văn học, nhưng lực lượng Tổ lý luận phê bình còn mỏng. Đa số thành viên đều là những người không chuyên, đảm nhận nhiều công việc trong xã hội nên thời gian dành cho lý luận phê bình không nhiều. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và số lượng tác phẩm lý luận phê bình.

Ông Ngô Đăng Khoa, thành viên Tổ lý luận phê bình văn học Tuyên Quang trăn trở, tỉnh có một nền tảng sáng tác tốt nên cần phải có một mảng lý luận phê bình phát triển tương xứng. Mặc dù chúng ta vẫn duy trì được việc đăng tải những bài lý luận phê bình trong các số báo định kỳ, nhưng vẫn chưa tạo được không khí của phê bình. Một số tác phẩm chưa đưa ra được những luận điểm sáng tác, lý luận phản biện để tạo nên dư luận đa chiều về một tác giả, tác phẩm cụ thể. Nguyên nhân của thực tế trên, trước tiên là do nhiều người chưa nhận thức được vai trò quan trọng của công tác lý luận phê bình văn học. Do đó, nhiều lúc đội ngũ làm công tác lý luận phê bình chưa được quan tâm, khuyến khích kịp thời.

Phê bình văn học không chỉ là tiếng nói của các nhà nghiên cứu, phê bình, mà còn phản ánh thái độ, nhận thức của công chúng xã hội đối với những giá trị và khuynh hướng văn học. Vì vậy, để có sự bứt phá đi lên của nền văn học tỉnh nhà, đòi hỏi đội ngũ lý luận phê bình văn học phải ngày càng sắc bén. Từ đó, giúp nhà văn định hướng, đổi mới sáng tác, tích cực sáng tạo và đưa các tác phẩm đến gần hơn với công chúng.

Bài, ảnh: Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tinh-hoa-van-hoa/phat-huy-hon-nua-vai-tro-doi-ngu-ly-luan-phe-binh-van-hoc-122987.html