Phát huy không gian giáo dục về lịch sử
Khung cảnh và hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự (LSQS) Việt Nam khiến cựu chiến binh Bùi Ngọc Lâm, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Binh chủng Thông tin liên lạc như sống lại những năm tháng chiến đấu chống kẻ thù của ông và đồng đội.
Còn đối với Đặng Phương Anh, sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thì Bảo tàng LSQS Việt Nam không chỉ giúp em trân trọng, biết ơn thế hệ cha ông mà còn hun đúc trách nhiệm của mình trong xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Và thực tiễn với hàng chục nghìn lượt du khách khắp mọi miền Tổ quốc về tham quan Bảo tàng LSQS Việt Nam trong những ngày đầu chính thức mở cửa đã minh chứng sự quan tâm của nhân dân với LSQS nước nhà.
Khánh thành Bảo tàng LSQS Việt Nam hiện đại là dấu mốc quan trọng không chỉ với Quân đội mà còn với cả nước, thể hiện sự trân trọng di sản văn hóa và lịch sử đấu tranh kiên cường của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là nơi trưng bày những hiện vật về các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc mà còn là không gian giáo dục lịch sử và truyền thống yêu nước.
Sự quan tâm của đông đảo nhân dân, nhất là thế hệ trẻ thể hiện nhận thức đúng đắn về giá trị của lịch sử dân tộc. Đó là nguồn động lực để mỗi người dân Việt Nam vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ là điểm đến của người dân, Bảo tàng LSQS Việt Nam trước đây và hôm nay còn thu hút nhiều du khách quốc tế. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu với bạn bè năm châu về lịch sử, truyền thống đấu tranh kiên cường của dân tộc Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy ngành du lịch và giao lưu văn hóa.
Làm thế nào để thu hút nhân dân và bạn bè quốc tế đến với bảo tàng? Chắc chắn ngoài việc đầu tư xây dựng hiện đại thì các giải pháp đồng bộ cả trước mắt và lâu dài sẽ phải được triển khai như: Đổi mới và nâng cao trải nghiệm, ứng dụng công nghệ hiện đại, trưng bày theo chủ đề... Đa dạng hóa hoạt động trải nghiệm; tổ chức học tập lịch sử ngay tại bảo tàng cho học sinh, sinh viên; các chương trình văn hóa, nghệ thuật, triển lãm; tổ chức hoạt động nhân các sự kiện, lễ kỷ niệm lớn của Đảng, đất nước, Quân đội.
Đồng thời phải tăng cường công tác truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, giới thiệu về những sự kiện nổi bật, hiện vật quý hiếm, những câu chuyện lịch sử thú vị tại bảo tàng. Tổ chức các buổi tọa đàm, chia sẻ trực tuyến với các nhân vật nổi tiếng, các chuyên gia, nhà khoa học, cựu chiến binh để lan tỏa câu chuyện lịch sử và kết nối cộng đồng. Triển khai liên kết với các trường học, cơ quan, đoàn thể; tổ chức các cuộc thi, sự kiện sáng tạo về LSQS Việt Nam...Cùng với đó, phải quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức sâu rộng về LSQS và kỹ năng giao tiếp, có khả năng truyền tải nội dung sinh động, hấp dẫn, tương xứng với vị thế của Bảo tàng LSQS Việt Nam. Làm được điều đó, chắc chắn Bảo tàng LSQS Việt Nam không chỉ là nơi bảo tồn di sản văn hóa mà còn là nơi nuôi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc; là nơi để bạn bè năm châu ngưỡng mộ, trân trọng về lịch sử của dân tộc Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/phat-huy-khong-gian-giao-duc-ve-lich-su-801935