Phát huy lợi thế du lịch Kiên Giang

Kiên Giang với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều danh thắng đẹp, di tích lịch sử và sự đa dạng trong văn hóa, ẩm thực… Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh đầu tư, khai thác, phát triển du lịch toàn diện.

NHIỀU ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Theo đồng chí Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch; trong đó Phú Quốc được nhiều tổ chức, tạp chí du lịch uy tín thế giới công nhận là hòn đảo tự nhiên hấp dẫn hàng đầu thế giới tại World Travel Awards 2022. Phú Quốc là đại diện duy nhất của Việt Nam được vinh danh top 10 hòn đảo được yêu thích nhất châu Á. Nơi đây còn là khu kinh tế ven biển được áp dụng chính sách miễn thị thực cho người nước ngoài đến đảo.

TP. Hà Tiên (Kiên Giang) là địa phương nằm trong tuyến du lịch R10 (Việt Nam - Campuchia - Thái Lan) mở ra cơ hội lớn cho việc phát triển kinh tế và du lịch. Du khách có thể chọn du lịch đường bộ khi tham gia tuyến đường này từ Campuchia, Thái Lan đến Kiên Giang, thông qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên.

Trong khi đó, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) là nơi đầu tiên ở Việt Nam tiến hành việc lấn biển để xây dựng đô thị mới. Khu lấn biển mở rộng thành phố thành một trong những khu đô thị mới lớn nhất vùng Tây Nam bộ của Việt Nam. Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) với đặc thù sinh thái rừng tràm ngập nước trên đất than bùn được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới; chứa đựng sự phong phú, đa dạng, đặc sắc về cảnh quan, hệ sinh thái, có giá trị lớn về mặt nghiên cứu và du lịch.

Khách tham quan trại hươu, nai phục vụ du lịch tại Công ty Cổ phần du lịch Mũi Nai, TP. Hà Tiên (Kiên Giang).

Khách tham quan trại hươu, nai phục vụ du lịch tại Công ty Cổ phần du lịch Mũi Nai, TP. Hà Tiên (Kiên Giang).

“Kiên Giang là tỉnh duy nhất trên cả nước có 2 sân bay, trong đó có 1 cảng hàng không quốc tế. Ngoài ra, từ ngày 15-8-2023 nước ta áp dụng chính sách thị thực mới tạo điều kiện cho khách nước ngoài lưu trú lâu hơn, đây là lợi thế lớn để Phú Quốc nói riêng và Kiên Giang nói chung phát triển du lịch”, đồng chí Bùi Quốc Thái nói.

DU LỊCH THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN

Với mục tiêu tạo bước đột phá phát triển du lịch toàn diện, Kiên Giang phấn đấu đến năm 2030 thu hút 1,667 triệu lượt khách quốc tế và 22 triệu lượt khách nội địa; đóng góp trên 17,5% GRDP của tỉnh, đạt 4.900 triệu USD, tương đương 105.000 tỷ đồng.

Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, thực hiện chiến lược phát triển du lịch tỉnh, du lịch Kiên Giang có nhiều khởi sắc. 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đón gần 5 triệu lượt khách, trong đó có gần 355.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt trên 10.000 tỷ đồng. Kiên Giang có 940 cơ sở với 33.275 phòng, trong đó hạng 4-5 sao là 24 cơ sở với 10.286 phòng.

Tỉnh Kiên Giang thu hút 328 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích 10.044ha, tổng vốn đầu tư 380.077 tỷ đồng; trong đó có 75 dự án đi vào hoạt động với tổng quy mô 1.300ha, tổng vốn đầu tư 19.208 tỷ đồng.

Đồng chí Bùi Quốc Thái cho biết, để du lịch phát triển bền vững, Kiên Giang tiếp tục tăng cường xúc tiến, quảng bá trọng tâm, trọng điểm trong và ngoài nước; khai thác hiệu quả thị trường du lịch truyền thống, tìm kiếm thị trường du lịch mới, tiềm năng; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạ tầng du lịch nhằm tăng cường kết nối các địa bàn Rạch Giá - Hà Tiên và Phú Quốc. Kiên Giang đẩy mạnh chính sách mở cửa bầu trời, tạo thuận lợi cho các hãng hàng không mở các đường bay mới kết nối Việt Nam với quốc tế.

Ngoài ra, Kiên Giang xác định rõ danh mục dự án kêu gọi đầu tư các dịch vụ vui chơi, giải trí, nhất là giải trí về đêm, các khu mua sắm và ẩm thực quy mô lớn ở Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương (Kiên Giang)... Ngành du lịch đề xuất các chính sách hỗ trợ cho du lịch: Chính sách ưu đãi vào các địa bàn du lịch trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, có tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch...

Bài và ảnh: TRUNG HIẾU

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//du-lich/phat-huy-loi-the-du-lich-kien-giang-15578.html