Phát huy năng lực tự học trong kỷ nguyên số

Góp phần xây dựng xã hội số, tạo ra cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, thời gian qua, các cấp hội khuyến học trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động sáng tạo, hiệu quả, đưa phong trào học tập suốt đời lan tỏa mạnh mẽ tới các tầng lớp nhân dân.

Xây dựng công dân số

Thực hiện Kế hoạch số 353 ngày 11/6/2022 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng giai đoạn 2021-2030, Hội Khuyến học tỉnh đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nhân dân về xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số. Trong đó khuyến khích cán bộ, hội viên khai thác và sử dụng thông tin trên mạng Internet phục vụ học tập, lao động và cuộc sống hằng ngày. Từ đó, nhiều mô hình học tập được hình thành, phát triển, góp phần lan tỏa phong trào học tập suốt đời.

 Xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ chuyển đổi số góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển. Ảnh minh họa.

Xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ chuyển đổi số góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển. Ảnh minh họa.

Hội Khuyến học thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) là một trong những cơ sở hội điển hình của tỉnh trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Nhiều dòng họ tích cực nhân rộng mô hình gia đình học tập gắn với xây dựng gia đình văn hóa. Đến nay, thị trấn Thắng có 95% dòng họ khuyến học, 73% gia đình hiếu học. Ông Ong Thế Dũng, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Thắng cho biết: “Trong bối cảnh công nghệ phát triển, Hội Khuyến học thị trấn vận động gia đình, dòng họ khai thác hiệu quả các thiết bị công nghệ khuyến khích con em học tập, bố mẹ áp dụng khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp”.

Không chỉ người trẻ tiếp cận với công nghệ, mới đây, Hội Khuyến học thị trấn Thắng tổ chức hỗ trợ người cao tuổi sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh như: Điện thoại, tivi, máy tính. Ông Nguyễn Duy Quang (73 tuổi) ở tổ dân phố số 2 nói: “Tôi tham gia học để tự khai thác hiệu quả các tính năng công nghệ số. Thời gian tới, Bảo hiểm Xã hội huyện chi trả chế độ hưu trí qua thẻ, tôi sử dụng thành thạo các giao dịch mua bán qua chuyển khoản, không cần nhờ các con rút lương hộ”. Người cao tuổi biết sử dụng tính năng tiện ích như: Đọc báo, nhắn tin, sử dụng Zalo, Facebook, chụp ảnh, gửi ảnh. Đây là một trong những giải pháp thúc đẩy phong trào xây dựng xã hội học tập. Từ những việc làm thiết thực, hiệu quả, Hội Khuyến học thị trấn Thắng đã 2 lần được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Hội Khuyến học Việt Nam giai đoạn 2010-2015 và 2015-2020.

Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, Trung tâm học tập cộng đồng xã Phúc Sơn (Tân Yên) thành lập “Thư viện số trong đời sống và giáo dục” nhằm tuyên truyền, phổ biến thông tin về chính sách, pháp luật trên môi trường internet cho người dân. Thư viện số thông minh được thiết kế đơn giản là một tấm bảng có kích thước 1,2m x 0,8m, trên đó in các mã QR giúp người dân quét mã để tra cứu nhiều nội dung khác nhau. Được biết các thông tin, văn bản tại thư viện số được chọn lọc, bổ sung, cập nhật liên tục. Với thao tác đơn giản, người dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có kết nối Internet, quét mã QR để tra cứu tài liệu mà mình quan tâm.

Chuyển đổi số thúc đẩy xã hội học tập

Hoạt động chuyển đổi số trong điều hành và triển khai các mô hình học tập của các cấp hội khuyến học trên địa bàn tỉnh bước đầu mang lại những kết quả tích cực nhằm từng bước xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.

Tỉnh Bắc Giang được Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về triển khai xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đối số hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Chính, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: “Để khai thác các nền tảng chuyển đổi số trong điều hành công tác, các cấp hội khuyến học trong tỉnh cũng lập nhóm zalo Thường trực Hội, nhóm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học tỉnh; nhóm Chủ tịch Hội các huyện, thị xã, TP. Tích cực tham gia chuyển đổi số, nhiều cán bộ hội cơ sở có kinh nghiệm hướng dẫn hội viên cài đặt các phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh để cập nhật thông tin về KT-XH, ứng dụng thực hiện dịch vụ hành chính công, thanh toán trực tuyến, giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Từ những công việc cụ thể, các ứng dụng trên nền tảng công nghệ số và thiết bị thông minh đã dần thay đổi nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, hội viên về chuyển đổi số".

Hưởng ứng phong trào học tập suốt đời, ngành Giáo dục Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đọc sách, báo, tài liệu. Trong đó tiếp tục duy trì và thành lập các câu lạc bộ sách, nuôi dưỡng, rèn luyện thói quen đọc sách cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh. Quan tâm đầu tư xây dựng thư viện tại các nhà trường, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ thư viện số, tạo cơ hội đọc sách và học tập bình đẳng cho học sinh ở các vùng miền.

Chuyển đổi số đã tạo ra môi trường học tập mới, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới của người học. Đến nay, không chỉ người dân thành thị mà ở miền núi, vùng khó khăn, mọi người đã thường xuyên ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống. Bắc Giang được Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về triển khai xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đối số hiện nay.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/phat-huy-nang-luc-tu-hoc-trong-ky-nguyen-so-094603.bbg