Phát huy nội lực, PTSC vững vàng vượt khủng hoảng

2020 là 1 năm đầy khó khăn đối với ngành dầu khí nói chung và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) nói riêng bởi ảnh hưởng của 'khủng hoảng kép' do giá dầu giảm sâu và dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh đó, PTSC càng khẳng định nội lực và đây cũng là nhân tố chính tạo ra năng lực vượt khủng hoảng của PTSC.

Trong số các dự án PTSC đang triển khai hiện nay có dự án Gallaf (Al Shaheen) ở Qatar. Đây là dự án PTSC thắng thầu quốc tế EPCI với khối lượng rất lớn, tổng giá trị trên 320 triệu USD. Năm 2020, đại dịch Covid – 19 xảy ra ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó có việc triển khai các dự án của PTSC nói chung và dự án Al Shaheen nói riêng vì gần như toàn bộ các thiết bị đặt mua sắm ở nước ngoài thì đều bị hoãn, chậm, việc huy động nhân sự, chuyên gia cũng cực kỳ khó khăn, đã làm đảo lộn tất cả kế hoạch ban đầu. Ông Dương Hùng Văn – Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Lắp đặt, Vận hành và Bảo dưỡng Công trình Dầu khí biển PTSC (POS), nhà thầu đấu nối dự án cho biết, để có thể triển khai công tác đấu nối dự án ở Qatar, vào khoảng tháng 6/2020, POS phải đưa số lượng nhân công lớn (gần 1.000 người) sang Qatar làm việc. Công tác tuyển dụng, đào tạo trong thời gian cách ly xã hội, gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng khó khăn hơn nữa là việc đưa nhân sự đi thi công ở nước ngoài trong hoàn cảnh dịch Covid-19, khi mà toàn bộ các chuyến bay thương mại bị đóng cửa hoặc hạn chế; công tác xin visa bị dừng lại. “Thời điểm đó, tưởng dự án vỡ trận, vì không đưa được người sang thì chắc chắn không làm được”, ông Văn kể lại.

Tuy nhiên, được sự hỗ trợ từ khách hàng là nhà điều hành dầu khí North Oil Company (NOC) – một đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Qatar, đã nhờ đến sự hỗ trợ ở cấp chính phủ Qatar và cấp ngoại giao để có thể cấp visa đặc biệt và máy bay chuyên dụng cho nhân sự của POS sang làm việc. Ngoài ra, trong quá trình đó, POS cũng khẩn trương tiến hành tìm kiếm các nguồn lao động khác để thay thế cho nhân sự ở các nước bị cấm nhập cảnh vào Qatar, chuyển các khóa học cần thiết sang các nước chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19; nỗ lực tìm các nguồn thay thế vật tư, thiết bị tại nước sở tại Qatar,... Đến thời điểm hiện tại, POS đã đưa được một lượng lớn nhân sự so với kế hoạch ban đầu sang Qatar làm việc. Tất cả các nhân sự đều được cách ly theo quy định, đảm bảo về sức khỏe và dự án đang được tiếp tục triển khai thực hiện, dự kiến tháng 4/2021 sẽ gas in.

Dự án Gallaf (Al Shaheen)

Dự án Gallaf (Al Shaheen)

Theo ông Dương Hùng Văn, việc đưa được một số lượng lớn lao động nước ta sang Qatar làm việc là nỗ lực rất lớn bởi có nhiều khó khăn và rủi ro. Đặc biệt, trong quá trình di chuyển hoàn toàn có thể xảy ra khả năng lây nhiễm bệnh, mà sự lây nhiễm của dịch Covid – 19 diễn ra rất nhanh, chỉ cần một người trong đoàn bị nhiễm, gần như phải cách ly toàn bộ. Trong đợt đầu tiên (vào khoảng tháng 6), POS đưa 600 nhân sự sang Qatar. Trước khi đi toàn bộ lao động đã qua test nhanh và không ai bị nhiễm Covid. Khi đến sân bay Qatar lại tiếp tục test, rồi bố trí mỗi người một phòng để cách ly trong vòng 14 ngày. Tiếp đó, trước khi đưa nhân sự ra biển làm việc lại test thêm một lần nữa. Lúc này có 1 lao động qua test nhanh bị dương tính. Anh em điều hành dự án phải phối hợp với khách hàng khoanh vùng, cách ly, định vị số người liên quan (khoảng 60 người). Sau đó, tất cả những người này tiếp tục được test lại lần nữa và lại cho kết quả âm tính,... Thực tế cho thấy đã có rất nhiều vấn đề phát sinh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các anh em điều hành dự án gần như phải làm việc 24/24h sẵn sàng để xử lý các công việc ở cả hai phía Qatar và Việt Nam do lệch múi giờ, bên này trong giờ làm việc, bên kia nghỉ và ngược lại. Ngoài ra, do thời gian cách ly cả 2 đầu Việt Nam và Qatar đều dài, nên không thể thực hiện đổi ca nhân sự về Việt Nam;... Tất cả những khó khăn đó, người lao động PTSC/POS đều đã vượt qua, hiện nay, khoảng 700 nhân sự POS đang tiến hành công tác đấu nối dự án ở ngoài biển, việc hoàn thành dự án theo đúng tiến độ cam kết là hoàn toàn khả thi.

Một góc dự án giàn Sao Vàng CPP (khối thượng tầng)

Một góc dự án giàn Sao Vàng CPP (khối thượng tầng)

Cũng như dự án ở Qatar và các dự án khác, chuỗi dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt do Công ty TNHH Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) làm tổng thầu EPCIC cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid – 19, khiến kéo dài thời gian thực hiện, gia tăng chi phí. Mặc dù, phần lớn công việc của dự án đều do nguồn lực của PTSC thực hiện, nhưng có một số thiết bị đặc chủng, chuyên dụng phải được nhập khẩu và kèm theo đó là huy động chuyên gia nhưng do đại dịch Covid – 19, PTSC không huy động được chuyên gia quốc tế, thiết bị nhập khẩu bị chậm trễ,... Bên cạnh đó, cao điểm của đại dịch Covid – 19 diễn ra vào đúng thời gian phải triển khai hàng loạt các công tác thi công biển, những phần việc đó đều bị lùi lại và chuyển sang thời điểm thời tiết không thuận lợi, thi công biển hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của PTSC cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đến nay chuỗi dự án đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng đưa vào hoạt động chính thức.

Theo nhận định của các chủ mỏ, nếu dự án này không được thực hiện bởi nội lực của PTSC cũng như các đơn vị trong nước nói chung thì sẽ không thể thực hiện được. Bởi trong khi đại dịch Covid – 19 ở nước ta được kiểm soát tốt, trên thế giới dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nếu phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài, toàn bộ công việc sẽ bị đình trệ. Tuy nhiên, do dự án được thực hiện chủ yếu từ nguồn lực trong nước nên các công tác gia công, chế tạo các cấu kiện lớn đều được PTSC thực hiện trong nước, trong đại dịch những công việc này vẫn được triển khai và hoàn thành đúng thời điểm.

Có thể thấy, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc hỗ trợ huy động chuyên gia, đưa người lao động PTSC ra nước ngoài cũng như đưa các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để triển khai các dự án trong bối cảnh của đại dịch Covid – 19, nội lực là một trong những nhân tố hàng đầu giúp PTSC có thể làm chủ các phần việc, đảm bảo các dự án vẫn tiếp tục được triển khai, vận hành liên tục, ổn định và an toàn.

PTSC tham gia bảo dưỡng tổng thể lần thứ 4 Nhà máy lọc dầu Dung Quất

PTSC tham gia bảo dưỡng tổng thể lần thứ 4 Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Sự tự chủ và nội lực của PTSC cũng được thể hiện rõ trong những lĩnh vực dịch vụ khác như bảo dưỡng sửa chữa (BDSC). Ở dự án bảo dưỡng tổng thể lần thứ 4 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, PTSC đã thực hiện 5/7 gói thầu. Trong 5 gói thầu này có 3 gói thầu mà trước đây chỉ có nhà thầu quốc tế mới có khả năng thực hiện. Lần này, PTSC đã vươn lên đảm nhận vai trò tổng thầu trong liên danh nhà thầu, thực hiện 5/7 gói thầu, với khối lượng công việc chiếm khoảng 70%, huy động gần 3.000 nhân sự tham gia thực hiện. Do đó, mặc dù bị ảnh hưởng rất nhiều do đại dịch Covid – 19 đến việc huy động chuyên gia cũng như nhập khẩu trang, thiết bị cần thiết nhưng do có tỷ lệ nội địa hóa cao, PTSC cùng với các nhà thầu trong nước đã phát huy nội lực thực hiện thành công đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 4 của NMLD Dung Quất. Tất cả các gói thầu PTSC thực hiện đều đúng và vượt tiến độ. Sự vươn lên làm chủ trong công tác BDSC một lần nữa khẳng định năng lực của PTSC, điều này cũng đã được PTSC thực hiện ở lĩnh vực dịch vụ cơ khí Dầu khí cách đây khoảng 10 năm.

Có thể khẳng định, với nội lực mạnh, PTSC hiện nay đã hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ cũng như của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là tự lực vươn lên làm chủ thị trường dịch vụ dầu khí trong nước và vươn ra thị trường thế giới, xây dựng PTSC trở thành thương hiệu quốc tế uy tín, sẵn sàng đón nhận xu hướng tăng trưởng trong tương lai.

P.V

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/phat-huy-noi-luc-ptsc-vung-vang-vuot-khung-hoang-582428.html