Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân
Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân
GS.TS Vũ Văn Hiền
Làm chủ là nguyện vọng thiêng liêng, thiết tha nhất và cao đẹp nhất, muôn thủa của con người. Con người sinh ra cần phải có quyền làm chủ. Vậy nhưng, nhu cầu tưởng như đương nhiên ấy lại là một câu hỏi lớn và cực kỳ phức tạp, hệ trọng không dễ trả lời.
Chế độ xã hội của chúng ta do Nhân dân lao động làm chủ, dân làm chủ và dân là chủ
Thời tiền sử, con người sống trong cộng đồng mà ở đó, tập thể hầu như chi phối hoàn toàn, ở đó có sự làm chủ một cách hết sức giản đơn, trình độ làm chủ của con người hết sức thấp kém.
Thoát khỏi thời kỳ mông muội, con người tiến xa hơn cùng với việc xuất hiện chế độ tư hữu, giai cấp và nhà nước. Lịch sử loài người đã trải qua nhiều chế độ xã hội có bản chất chung là tư hữu. Trong các xã hội đó, các giai cấp bóc lột thay nhau chia phần và chiếm lĩnh các tư liệu sản xuất và các đối tượng sản xuất chủ yếu. Quyền làm chủ thuộc về họ, còn nhân dân lao động bị tước hết tư liệu sản xuất chính và bị tước hết luôn quyền làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên.
Vì vậy, điều tất yếu đã diễn ra là song song với quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên để sản xuất, nhân dân lao động luôn vùng dậy chống các giai cấp thống trị để giành quyền làm chủ của mình. Chính cuộc đấu tranh cách mạng ấy của nô lệ chống chủ nô, nông nô chống phong kiến đã thúc đẩy lịch sử tiến lên.
Đến chủ nghĩa tư bản, một lực lượng xã hội mới là giai cấp công nhân hiện đại ra đời và dưới sự lãnh đạo của giai cấp tiên phong đó, đội ngũ đông đảo nhân dân lao động tiến hành cuộc cách mạng xóa bỏ chế độ tư hữu, thiết lập chế độ mới, đem lại ấm no, hạnh phúc và bình đẳng cho tất cả mọi người lao động, trả lại địa vị chính đáng của họ trong xã hội.
K.Marx và F.Angel - những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học, đã cống hiến cả đời mình cho việc thực hiện nguyện vọng cao cả nhất là chỉ ra cho nhân dân lao động con đường đấu tranh thoát khỏi cảnh áp bức, bóc lột, giành lại quyền làm chủ và ý chí tự do của họ. Hai ông đã từng phác thảo xã hội tương lai - xã hội cộng sản, là một cộng đồng gồm những cá nhân tự do và tự nguyện liên hợp lại và con người của xã hội đó hành động tự do trên cơ sở nhận thức được cái tất yếu, là con người chủ động, sáng tạo.
Tiếp tục tư tưởng đó, Lenin cho rằng, tính chủ động sáng tạo của quần chúng là nhân tố cơ bản của xã hội mới. Chủ nghĩa xã hội không phải là kết quả của những sắc lệnh từ trên ban xuống, tính chất máy móc hành chính quan liêu không dung hợp được với tinh thần của chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa xã hội sinh động, sáng tạo là sự nghiệp của bản thân quần chúng nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến quyền làm chủ của nhân dân, coi đó là mục tiêu cơ bản nhất và xuyên suốt của cuộc cách mạng. Người nói: “Suốt bao năm trường, Đảng ta cùng quân và dân ta đã anh dũng hy sinh chiến đấu, đánh đổ thực dân, phong kiến, để giành lại cho nhân dân lao động cái quyền làm chủ nước nhà”. Người luôn nhấn mạnh, chế độ xã hội của chúng ta do nhân dân lao động làm chủ, dân chủ là dân làm chủ và dân là chủ.
Trong suốt 95 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn đề cao vai trò của nhân dân và quyền làm chủ của nhân dân. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta chỉ rõ: “Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực”. “Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện”.
Xác lập quyền làm chủ của nhân dân trong Hiến pháp là sự nhất quán, kiên định, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ
Theo kim chỉ nam chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (được sửa đổi năm 2013) đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.1.2014. Trong bản Hiến pháp lịch sử đó, nội dung bao trùm nhất là đề cao quyền lực của nhân dân và quyền làm chủ của nhân dân. Hiến pháp long trọng tuyên bố: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Cũng trong bản Hiến pháp này, lần đầu tiên chữ “Nhân dân” đã được viết hoa trong các văn cảnh nói tới Nhân dân. Đây chính là điểm nhấn mới, nhấn mạnh Nhà nước ta là của Nhân dân, Nhân dân là chủ thể của xã hội và là chủ thể tối cao quyền lực của Nhà nước. Hiến pháp sửa đổi 2013 thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân theo một số nội dung.
Thứ nhất, xác định phương thức cụ thể để nhân dân thực hiện quyền lực của mình đối với xã hội và nguyên tắc Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước. Điều 6 Hiến pháp ghi rõ: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.
Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp đã thể hiện rõ hơn và sâu sắc hơn bản chất tiên phong và bản chất vì Nhân dân của Đảng, đồng thời bổ sung một yêu cầu rất quan trọng là “Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân và những quyết định của mình”.
Hiến pháp quy định cụ thể việc Nhân dân (cử tri) bầu ra người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình làm đại biểu Quốc hội. Điều 7 Hiến pháp quy định rõ (1) “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”. (2) “Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”. Đó là những hình thức cụ thể bảo đảm cho Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình.
Thứ hai, Hiến pháp đề cao quyền con người. Chương 2 của Hiến pháp sửa đổi có 35 điều quy định quyền con người, quyền công dân. Các điều quy định đó được thể hiện một cách cụ thể, đầy đủ, chính xác và có tính khả thi cao. Điều 14 đã ghi rõ: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (2) “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo qui định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.
Thứ ba, Hiến pháp quy định, Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng việc kiểm soát quyền lực Nhà nước. Nhân dân là chủ thể tối cao quyền lực nhà nước nên phải kiểm soát được quyền lực nhà nước. Việc kiểm soát đó bao gồm kiểm soát quyền lực nhà nước ở bên trong là kiểm soát việc thực thi lập pháp, hành pháp và tư pháp. Kiểm soát quyền lực nhà nước ở bên ngoài là Nhân dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Điều 9 của Hiến pháp ghi rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc xác lập quyền làm chủ của nhân dân trong Hiến pháp của nước ta là sự nhất quán, kiên định, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội. Đó là sự kế thừa những giá trị phổ quát và tiến bộ của nhân loại, đồng thời rất phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Hiến pháp được thực thi, quyền làm chủ của nhân dân được đề cao, việc quản lý của Nhà nước có hiệu quả, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng với tầm cao trí tuệ, nhất định đất nước ta sẽ phát triển mạnh mẽ, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao đẹp: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.