Phát huy sức mạnh hậu phương tại chỗ

Từ ngày 14-10 đến 10-12-1952, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Tây Bắc.

Trong chiến dịch này, ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 6.000 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng (khoảng 30.000km2 với 250.000 dân), nối liền vùng giải phóng Tây Bắc với Căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc đưa thế và lực của ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tiến lên một bước mới. Thắng lợi quan trọng này có sự đóng góp to lớn của nhân dân các dân tộc Tây Bắc.

Địa bàn Tây Bắc vừa là mặt trận trực tiếp, nơi diễn ra các trận đánh quan trọng, then chốt, quyết định, vừa là hậu phương trực tiếp của chiến dịch. Do đó, Trung ương đã giao nhiệm vụ cho Tây Bắc huy động LLVT và chuẩn bị nhân lực, vật lực lớn phục vụ chiến dịch. Ngoài việc huy động, yêu cầu đặt ra là phải vận chuyển qua sông Đà và bám theo hướng tiến công của bộ đội trong điều kiện địch tăng cường trinh sát, càn quét.

Trước tình hình đó, Liên khu ủy Việt Bắc, Khu Tây Bắc và các tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo kịp thời, sâu sát, động viên nhân dân dồn sức hoàn thành đúng thời gian với chất lượng tốt nhất; chỉ đạo LLVT tăng cường phối hợp chiến đấu và huy động lực lượng, cơ sở vật chất, lương thực phục vụ Chiến dịch Tây Bắc. Trước hết, huy động lực lượng dồn sức chuẩn bị địa điểm, cơ sở vật chất, xây dựng các kho lương thực, vũ khí, đạn dược của Tổng cục Cung cấp; huy động dân công tập kết xay xát thóc gạo, chuẩn bị lương thực, làm đường, vận tải phục vụ chiến dịch.

Đồng bào dân tộc Tây Bắc phục vụ Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Ảnh tư liệu

Đồng bào dân tộc Tây Bắc phục vụ Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Ảnh tư liệu

Thời điểm diễn ra chiến dịch, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa của chiến dịch, tự nguyện ủng hộ thóc gạo, lợn, gà, trâu, bò, ngựa thồ, đăng ký xung phong đi dân công phục vụ chiến dịch, vừa đánh giặc, bảo vệ hậu phương, vừa tham gia phục vụ tiền tuyến. Chỉ trong 3 tháng, các tỉnh đã huy động được 35.000 lượt dân công làm nhiệm vụ mở đường, bắc cầu phục vụ bộ đội hành quân tiến vào Tây Bắc.

Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “Chiến dịch này rất quan trọng, các cô, các chú cũng là chiến sĩ, cũng có công như các chiến sĩ, phải cùng bộ đội giành cho được thắng lợi. Tất cả các cô, các chú đều phải quyết tâm làm tròn nhiệm vụ phục vụ bộ đội. Bền bỉ dẻo dai, vượt qua mọi gian khổ, khắc phục mọi khó khăn, bảo đảm việc cung cấp đầy đủ cho bộ đội, cùng bộ đội giành toàn thắng cho chiến dịch”. Tính chung, đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã huy động được 1.140 tấn gạo, 40 tấn thịt, 41 tấn thực phẩm khác cùng hơn 150.000 ngày công. Các đơn vị dân công đã tham gia xây dựng 4 khu kho, làm nhiều trạm cứu thương dã chiến, làm mới hàng nghìn cáng thương, vận chuyển được 50.000 tấn hàng từ hậu phương ra tiền tuyến dưới làn bom đạn ác liệt của địch.

Sự đóng góp của quân và dân Tây Bắc đã tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần cho bộ đội chiến đấu làm nên Chiến thắng Tây Bắc, khẳng định chủ trương huy động sức người, sức của vùng mới giải phóng, hậu phương tại chỗ của Đảng ta cho chiến dịch là đúng đắn.

Thiếu tướng PHẠM HỒNG CHƯƠNG, Tư lệnh Quân khu 2

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/phat-huy-suc-manh-hau-phuong-tai-cho-707619