Phát huy thế mạnh nâng tầm vị thế địa phương trong hoạt động đối ngoại
Xác định thế mạnh của tỉnh là di sản văn hóa và thiên nhiên, những năm qua, Ninh Bình đã đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, nhất là trong công tác ngoại giao văn hóa và kinh tế, góp phần quảng bá hình ảnh và con người Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng tới bạn bè quốc tế; giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư của tỉnh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tại Lễ kỷ niệm Quần thể Danh thắng Tràng An 10 năm được UNESCO ghi danh là di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, bà Simona Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 đã phát biểu: Trong kỷ nguyên với nhiều thay đổi nhanh chóng trên toàn cầu, khi những biến động về xã hội và lợi ích khác nhau thường khiến chúng ta cảm thấy trở nên lạc lõng, thì các mối quan hệ hợp tác để bảo vệ Tràng An lại trở thành cầu nối, thúc đẩy đối thoại và sự hiểu biết giữa các cộng đồng xã hội và người dân trên toàn thế giới.
Công tác bảo tồn, quản lý, phát huy các giá trị toàn cầu di sản thế giới đã được Ninh Bình triển khai đồng bộ, bài bản theo đúng khuyến nghị của UNESCO và được Tổng Giám đốc UNESCO đánh giá: Tràng An là mô hình mẫu mực, điển hình trên thế giới về phát huy các giá trị toàn cầu của Di sản thế giới, kết hợp hài hòa giữa việc gìn giữ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế du lịch, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Những đánh giá, nhận xét trên của các chuyên gia có thể cho thấy Ninh Bình đã thành công trong việc phát huy thế mạnh của địa phương để nâng tầm vị thế, hình ảnh, con người Ninh Bình trong công đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại văn hóa. Đồng thời cho thấy, công tác đối ngoại ở Ninh Bình đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực cho phát triển; góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước đến bạn bè quốc tế. Chính vì vậy, đẩy mạnh công tác đối ngoại là nhiệm vụ đang đặt ra cho từng địa phương, đơn vị, nhằm góp phần nâng cao uy tín, vị thế của tỉnh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.
Trên cơ sở định hướng, chỉ đạo, điều hành của Trung ương, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm quản lý thống nhất, chặt chẽ các hoạt động đối ngoại trên địa bàn. Đặc biệt thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch Ninh Bình đã khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế nhất là trong các lĩnh vực hợp tác quốc tế về bảo tồn, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch. Đồng thời từng bước xây dựng ngành công nghiệp văn hóa, công tác văn hóa đối ngoại được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm đẩy mạnh.
Trong đó, tỉnh ta đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, quảng bá hình ảnh về thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc trưng tỉnh Ninh Bình đến đông đảo bạn bè trong và ngoài nước. Nổi bật là, sự kiện Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể Danh thắng Tràng An được Tổ chức UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Ngoài ra, trên trang Thông tin điện tử (www.vhtt.ninhbinh.gov.vn), kịp thời cung cấp thông tin, giới thiệu, quảng bá các hoạt động, sự kiện nổi bật thuộc các lĩnh vực văn hóa thể thao, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục của tỉnh; tuyên truyền quảng bá tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút đầu tư, phát triển văn hóa thể thao; giới thiệu con người, vùng đất Ninh Bình tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Với phương châm phát triển du lịch xanh và bền vững, đến nay, du lịch tỉnh Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước), được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín quốc tế đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, hiếu khách và được yêu thích nhất như: Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất năm 2024; là 1 trong 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới tại giải thưởng Traveller Review Awards 2024 do chuyên trang Booking.com bình chọn; Báo The Travel Canada bình chọn top 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam; Vườn Quốc gia Cúc Phương được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) bầu chọn và vinh danh là Vườn Quốc gia hàng đầu châu Á trong 4 năm liên tiếp.
Thông qua các hoạt động đối ngoại văn hóa đã từng bước nâng tầm vị thế của tỉnh Ninh Bình, đồng thời các hoạt động xúc tiến đầu tư, xuất khẩu cũng được mở rộng. Các hoạt động xúc tiến đầu tư đã được các cơ quan chức năng triển khai có hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư là 31,39 triệu đô la Mỹ với các nhà đầu tư chủ yếu đến từ các nước Hàn Quốc, Hồng Kông; đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ ô tô...
Xuất khẩu vẫn trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.661,2 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 51,1% kế hoạch năm. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Xi măng và clanke ước đạt 290 triệu USD; quần áo các loại ước đạt 150,6 triệu USD; camera và linh kiện điện thoại ước đạt 406,1 triệu USD; giày dép khác ước đạt 475,3 triệu USD; ô tô và linh kiện ô tô ước đạt 90 triệu USD.
Bên cạnh đó, với tiềm năng, lợi thế và uy tín của mình, những năm qua Ninh Bình đã thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư vào tỉnh. Hiện tại, cơ quan chức năng của tỉnh đang quản lý, theo dõi việc triển khai thực hiện 4 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi với tổng vốn đầu tư 1.673.796 triệu đồng (gồm tổng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi là 1.433.351 triệu đồng và vốn đối ứng là 240.445 triệu đồng). Đến nay, có 3 dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Các dự án đang được triển khai thực hiện tốt, tuân thủ đúng quy định của quốc tế và Việt Nam, tạo uy tín và mối liên hệ mật thiết với các nhà tài trợ. Tỉnh Ninh Bình cũng cam kết quản lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi chặt chẽ, hiệu quả theo đúng yêu cầu của nhà đầu tư.
Để công tác ngoại giao trở thành cầu nối mở rộng cơ hội phát triển kinh tế-xã hội, thời gian tới, Ninh Bình tăng cường, mở rộng quan hệ với các tỉnh, thành phố của nước ngoài, các tổ chức nước ngoài và tổ chức quốc tế; đặc biệt là những tỉnh, thành phố đã có quan hệ kết nghĩa chính thức nhằm tăng cường hợp tác, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở cấp độ địa phương.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao có yếu tố nước ngoài nhằm tăng cường giao lưu hữu nghị, tuyên truyền về các giá trị văn hóa truyền thống, về mảnh đất và con người Ninh Bình. Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, hợp tác làm ăn với các đối tác nước ngoài, tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia. Chủ động xây dựng các chương trình, dự án kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ODA, FDI và kêu gọi tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong tỉnh.