Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch

Với vị trí khá thuận lợi và phong cảnh thiên nhiên của vùng sông nước, đồng thời với sự giao thoa văn hóa của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa đã hình thành cho Sóc Trăng có nét văn hóa mang tính đặc trưng riêng.

Để phát triển loại hình du lịch, trong những năm qua, điểm du lịch truyền thống đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng, nâng chất về cảnh quan, vệ sinh môi trường, an toàn trật tự cho du khách như: chùa Mahatup (chùa Dơi), chùa SroLôn (chùa Chén Kiểu), Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét), chùa Kh’leang, Nhà Trưng bày văn hóa Khmer... Bên cạnh đó, có những điểm du lịch mới cũng được hình thành và thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan như: chùa Quan Âm Linh Ứng (Phật Học 2), chùa Som Rong, chùa Salaphôthi, chùa Sêrây Cro Săng, miếu Bà Đen trong chùa Mahatup… Một số dự án đầu tư mới về du lịch như: Khu Văn hóa tín ngưỡng tỉnh Sóc Trăng (Thiền viện Trúc Lâm) mới được khánh thành đầu năm 2020; Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên (Châu Thành); chùa Quan Âm Đông Hải (TX. Vĩnh Châu). Bên cạnh điểm du lịch tâm linh, Sóc Trăng còn có hơn 30 lễ hội diễn ra hàng năm, thu hút du khách đến với Sóc Trăng đông nhất là lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo vào rằm tháng 10 âm lịch. Ngoài ra, đã có thêm 2 di tích văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Nghệ thuật sân khấu rô băm và lễ hội nghinh Ông (huyện Trần Đề).

Du khách tham quan chùa Dơi và thưởng thức những điệu múa Khmer. Ảnh: Chí Bảo

Du khách tham quan chùa Dơi và thưởng thức những điệu múa Khmer. Ảnh: Chí Bảo

Bên cạnh đó, Sóc Trăng là một tỉnh ven biển nằm ở phía Nam sông Hậu, có bờ biển dài 72km với 3 cửa sông lớn đổ ra biển là: Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt với các cù lao lớn, nhỏ nối tiếp nhau dài hơn 50km dọc theo bờ sông Hậu. Trên những cù lao là những vườn cây trái sum suê, trĩu quả, không chỉ mang lại giá trị kinh tế nông nghiệp mà còn là lợi thế để tỉnh Sóc Trăng phát triển các loại hình du lịch: sinh thái, sông nước miệt vườn, trải nghiệm - khám phá và du lịch cộng đồng.

Theo ông Phạm Văn Đâu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thời gian qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xác định phát triển du lịch cộng đồng là một trong những công tác trọng tâm, để đưa ngành du lịch tỉnh trở thành nền kinh tế quan trọng theo tinh thần Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đặc biệt là thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng mới được khánh thành đầu năm 2020, thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ảnh: Chí Bảo

Thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng mới được khánh thành đầu năm 2020, thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ảnh: Chí Bảo

Những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với nhiều chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước cùng với các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều đoàn khảo sát ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh để phân tích, đánh giá, xác định các tiềm năng, thế mạnh đặc thù về du lịch của từng địa phương, trên cơ sở đó để định hướng phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020 tỉnh Sóc Trăng. Theo đề án, tỉnh sẽ phát triển 4 cụm du lịch cộng đồng trọng điểm gồm:

Cụm du lịch cộng đồng xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú - Ngã Năm là du lịch không gian văn hóa thuần chất Nam bộ dọc tuyến Quản lộ Phụng Hiệp và khu vực chợ nổi Ngã Năm. Đây là vùng có tiềm năng lớn nhờ các tài nguyên văn hóa, không gian sinh hoạt cộng đồng đậm chất Nam bộ cùng cảnh quan thanh bình, tươi mát.

Cụm du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách và cồn Phong Nẫm, huyện Kế Sách là du lịch nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao đậm chất Tây Nam bộ. Đây là vùng có đặc điểm nổi bật nhờ có hệ sinh thái vườn cây ăn trái cho sản phẩm quanh năm, nằm giữa dòng sông Hậu, khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên sông nước hữu tình. Đặc biệt, cồn Mỹ Phước có Lễ hội sông nước miệt vườn vào ngày mùng 5-5 (âm lịch), với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn.

Cụm du lịch cộng đồng Cù Lao Dung, du lịch trải nghiệm khám phá thiên nhiên, lịch sử. Cù Lao Dung có một thế mạnh riêng là sở hữu một hệ sinh thái tự nhiên, cây trồng vô cùng đa dạng bao gồm cả vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn; có một di sản văn hóa sống động của cộng đồng dân cư địa phương với nghề truyền thống, cùng với di tích lịch sử cấp quốc gia (Đền thờ Bác Hồ, xã An Thạnh Đông), có vị trí chiến lược thuận lợi cho phát triển du lịch, đó là nằm sát ngay cảng Trần Đề, nơi xuất phát của tuyến tàu cao tốc đi Côn Đảo.

Cụm du lịch cộng đồng Phú Tân - Phú Tâm, huyện Châu Thành - Kế Sách và Bưng Cóc, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú: du lịch không gian văn hóa Khmer, trải nghiệm tâm linh tạo điểm nhấn cho không gian du lịch trung tâm TP. Sóc Trăng. Đây là vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống, còn lưu giữ được các nét văn hóa truyền thống độc đáo; có nhiều công trình kiến trúc đặc sắc, ghi đậm dấu ấn của văn hóa Khmer Nam bộ như chùa Bốn Mặt, chùa Chăm-Pa, cùng các nghề truyền thống độc đáo như vẽ tranh trên kiếng, đâm cốm dẹp, đan đát tre…

Du khách đi tàu ngắm rừng ngập mặn ven biển Cù Lao Dung - Trần Đề và thưởng thức đờn ca tài tử trên sông. Ảnh: Chí Bảo

Du khách đi tàu ngắm rừng ngập mặn ven biển Cù Lao Dung - Trần Đề và thưởng thức đờn ca tài tử trên sông. Ảnh: Chí Bảo

Dự kiến đến năm 2020 sẽ hình thành 3 mô hình homestay chất lượng cao, tiêu chuẩn ASEAN tại 3 cụm: xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú - Ngã Năm; cồn Mỹ Phước; huyện Cù Lao Dung. Sau khi vận hành thử nghiệm và chứng minh hiệu quả, mỗi cụm sẽ hình thành 3 homestay đạt chuẩn và phát triển thêm cụm Phú Tân, Phú Tâm. Nhằm hướng đến việc xây dựng các cụm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ địa phương và các hộ dân như: kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh; văn hóa giao tiếp; kiến thức về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch; an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến thức ăn; kỹ năng thuyết minh, hướng dẫn viên; hướng dẫn cách trang trí nhà cửa, phòng ngủ; hướng dẫn cách bày trí, cải tạo vườn phục vụ khách du lịch; hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng, vận hành kinh doanh homestay…

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã mở nhiều đợt tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho người dân cách làm chỉnh trang đường làng, ngõ xóm; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch; cách làm hàng rào, trồng hoa trước nhà và dọc theo các tuyến đường, bố trí các thùng rác công cộng, mỗi hộ phải có khu chứa rác thải, cách phân loại và xử lý rác; vận động hướng dẫn người dân sử dụng các nguyên vật liệu địa phương để chế tạo các dụng cụ trang trí, ăn uống, sinh hoạt, xây dựng homestay, hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm bằng nhựa, nhất là các sản phẩm nhựa, nilông sử dụng một lần…

Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân khu vực nông thôn về ý thức bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường; ý thức làm đẹp nhà cửa, mảnh vườn, làm đẹp đường làng, ngõ xóm, ý thức giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, ý thức đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…; đồng thời tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng bền vững.

Trong năm 2019, tổng lượt khách tham quan du lịch đến tỉnh khoảng 2,4 triệu lượt, đạt 106% kế hoạch năm, tăng 18,6% so với năm 2018 (trong đó khách quốc tế là 90.000 lượt, đạt 105% kế hoạch năm) và tổng doanh thu đạt 1.020 tỉ đồng. Ngoài ra, lượng khách lưu trú qua đêm cũng không ngừng tăng lên, năm 2019 là 450.000 lượt, trong đó khách lưu trú quốc tế là 35.000 lượt.

Chí Bảo

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/phat-huy-tiem-nang-loi-the-de-phat-trien-du-lich-34535.html