Phát huy truyền thống 'đã ra quân là đánh thắng'

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội ta được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.

Thực hiện phương châm đó, ngày 5.10.1959, Trung đoàn xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập, mang phiên hiệu Trung đoàn xe tăng 202. Đây là đơn vị tiền thân của Binh chủng Tăng thiết giáp ngày nay.

Lực lượng xe tăng của Binh đoàn Cửu Long bắn yểm trợ cho bộ binh tấn công trong đợt diễn tập bắn đạn thật, tháng 12.2011

Lực lượng xe tăng của Binh đoàn Cửu Long bắn yểm trợ cho bộ binh tấn công trong đợt diễn tập bắn đạn thật, tháng 12.2011

“Đã ra quân là đánh thắng”

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta phấn khởi bắt tay vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong khi đó, ở miền Nam, đế quốc Mỹ nhảy vào thay chân thực dân Pháp, biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới, hòng ngăn chặn phong trào cách mạng ở Đông Nam Á.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, Đảng ta chủ trương củng cố, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng cách mạng, chính quy và từng bước hiện đại; đồng thời đặt cơ sở đầu tiên cho các binh chủng, quân chủng khác ra đời.

Thực hiện chủ trương đó, ngày 5.10.1959, trung đoàn xe tăng đầu tiên của quân đội ta (mang phiên hiệu Trung đoàn xe tăng 202), được thành lập. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước phát triển tất yếu của quân đội ta trên con đường tiến lên chính quy, hiện đại, là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của Binh chủng Tăng thiết giáp sau này.

Ngay từ ngày đầu thành lập, cán bộ, chiến sĩ tăng thiết giáp đã không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, trình độ kỹ thuật, chiến thuật, sẵn sàng chiến đấu cao, cùng với quân và dân miền Bắc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Khi chưa có điều kiện đưa xe tăng vào chiến đấu, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã được cử vào miền Nam nghiên cứu chiến trường, tìm cách lấy xe tăng của địch để đánh địch; đồng thời chuẩn bị mọi mặt đón thời cơ đưa xe tăng vào miền Nam chiến đấu.

Sau 9 năm thành lập, Bộ đội Tăng thiết giáp đã lập nên một kỳ tích khi hành quân vượt quãng đường gần 1.000 km trong sự ngăn chặn, đánh phá ác liệt của kẻ thù, ra quân đánh thắng trận đầu ở Tà Mây-Làng Vây (tháng 2.1968).

Đó là kết quả của những năm tháng rèn luyện gian khổ, của tinh thần mưu trí sáng tạo, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể của cán bộ, chiến sĩ. Chính từ chiến thắng này đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang của Bộ đội Tăng thiết giáp “Đã ra quân là đánh thắng”.

Chiến thắng Tà Mây-Làng Vây khẳng định bước trưởng thành của Bộ đội Tăng thiết giáp về tổ chức chỉ huy và khả năng sử dụng vũ khí trang bị hiện đại.

Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng và sức mạnh đột kích của xe tăng đã được nâng lên, tạo thế và lực mới cho quân và dân ta mở các chiến dịch lớn và giành thắng lợi giòn giã ở Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên, Lộc Ninh, Phước Long, Tây Nam Bộ...

Trong cuộc tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, Bộ đội Tăng thiết giáp đã tham gia đánh trận mở màn Buôn Ma Thuột, góp phần hoàn thành thắng lợi chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Sau đó, tham gia tiến công Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết và các tỉnh miền Đông Nam Bộ...

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với sức mạnh tiến công Thần tốc-Táo bạo-Quyết thắng, Bộ đội Tăng thiết giáp đã dẫn đầu đội hình các binh đoàn chủ lực trên cả 5 hướng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, góp phần làm nên chiến thắng huy hoàng của dân tộc.

Hình ảnh những chiếc xe tăng 390 và 843 dũng mãnh húc đổ cánh cổng sắt của Dinh Độc Lập trưa ngày 30.4.1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng sức mạnh chiến thắng, là niềm tự hào chung của toàn dân và toàn quân ta.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Tăng thiết giáp cùng với quân dân cả nước hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện

Xe tăng của Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30.41975

Xe tăng của Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30.41975

Khi đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, quân đội ta bước vào thực hiện nhiệm vụ củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng, tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, để bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của quân đội, Bộ đội Tăng thiết giáp đã phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, tích cực củng cố, xây dựng lực lượng, tổ chức huấn luyện bộ đội làm chủ vũ khí trang bị, kỹ thuật đạt kết quả tốt.

Đặc biệt, trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, Bộ đội Tăng thiết giáp đã tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, chủ động nghiên cứu khoa học, huấn luyện giỏi và sẵn sàng chiến đấu cao.

Các hoạt động xây dựng chính quy, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện đã từng bước đi vào nền nếp, có chiều sâu, nhiều nội dung đạt kết quả tốt. Tích cực xây dựng cảnh quan, môi trường theo tiêu chí "Tốt đẹp, lành mạnh, phong phú, chính quy" góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.

Lữ đoàn 201 (Binh chủng Tăng-Thiết giáp) triển khai đội hình sẵn sàng chiến đấu tại đợt tập huấn quân sự toàn quân năm 2013

Lữ đoàn 201 (Binh chủng Tăng-Thiết giáp) triển khai đội hình sẵn sàng chiến đấu tại đợt tập huấn quân sự toàn quân năm 2013

Bên cạnh việc tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ trung tâm là huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị tăng thiết giáp đã tích cực đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện, nâng cao đời sống bộ đội; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, giúp đỡ các địa phương phòng, chống thiên tai, bão lụt, xóa đói, giảm nghèo, làm đường giao thông, làm thủy lợi, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng...

Những việc làm tích cực đó của Bộ đội Tăng thiết giáp góp phần cải thiện đời sống nhân dân và xây dựng cơ sở chính trị các địa phương vững mạnh.

Với thành tích xuất sắc trong 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Tăng thiết giáp vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý: 44 lượt tập thể và 15 cá nhân được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.

60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ Bộ đội Tăng thiết giáp đã ra sức thi đua “Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”, lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/phat-huy-truyen-thong-da-ra-quan-la-danh-thang-117848