Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Nai quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh

LTS: Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (15-2-1961 - 15-2-2021), Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học có chủ đề: 'Quân giải phóng miền Nam Việt Nam - Vai trò, ý nghĩa và bài học lịch sử'. Tại hội thảo khoa học, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, có bài tham luận với tiêu đề Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Báo Đồng Nai trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận này.

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Ảnh:H. Anh

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Ảnh:H. Anh

Đồng Nai là tỉnh có bề dày truyền thống cách mạng, có vị trí trọng yếu ở vùng Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung, là một trong số ít địa phương có chi bộ Đảng ra đời sớm ở miền Nam - Chi bộ Bình Phước - Tân Triều (tháng 2-1935), là hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng và nòng cốt cho việc thành lập Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa vào tháng 2-1937. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Biên Hòa - Đồng Nai là nơi đụng đầu quyết liệt, diễn ra các cuộc đấu tranh liên tục giữa ta và địch. Những địa danh lịch sử, chiến tích như: Chiến khu Đ, Chiến khu Rừng Sác, Chiến thắng La Ngà, sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình, kho bom đạn Thành Tuy Hạ, Chiến thắng Xuân Lộc... gắn liền với những chiến công vang dội, là niềm tự hào của quân, dân Đồng Nai và cả nước. Hiện nay, Đồng Nai có 55 di tích lịch sử, cách mạng được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 24 di tích cấp tỉnh. Trong đó, có các di tích nổi tiếng như: Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông Nam bộ…

Để tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của tỉnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Đồng Nai ngày càng giàu đẹp, văn minh, Đảng bộ, chính quyền tỉnh được sự góp sức, ủng hộ của nhân dân, trong giai đoạn 2015-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân mỗi năm tăng 8,14%, nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Quy mô GRDP tính theo giá hiện hành đến năm 2020 đạt gần 400 ngàn tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 124 triệu đồng/người, gấp hơn 1,7 lần năm 2015.

Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển. Các doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp, cơ cấu lại. Kinh tế tập thể được quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động. Kinh tế trang trại phát triển nhanh theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài (FDI) phát triển mạnh mẽ và đa dạng. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm thực hiện, tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được người dân và doanh nghiệp tích cực hưởng ứng.

Sản xuất công nghiệp luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định, nâng cao khả năng cạnh tranh và đang chuyển dịch về cơ cấu theo đúng định hướng. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp hằng năm đạt trên 9%. Lĩnh vực xây dựng đạt kết quả khá, năng lực hoạt động của ngành xây dựng có tiến bộ cả về lực lượng, trình độ thi công và sản xuất vật liệu xây dựng.

Việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đặc biệt chú trọng và đạt kết quả khá, hiệu quả sử dụng vốn được nâng lên. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư. Đầu tư phát triển các khu đô thị, khu dân cư, hệ thống thoát nước được tích cực triển khai thực hiện. Quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đô thị được quan tâm.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân hằng năm 9,11%. Hoạt động dịch vụ có bước chuyển đáng kể, mở rộng về quy mô và đa dạng về hình thức. Lĩnh vực du lịch và giải trí được chú trọng. Hoạt động ngoại thương đạt kết quả khá, tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt trên 9%/năm, đạt mục tiêu nghị quyết đề ra.

Sản xuất nông nghiệp mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi về thời tiết, tình trạng biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ, song nhìn chung vẫn duy trì được sự phát triển tương đối ổn định. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mở rộng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao thực hiện theo đúng định hướng. Phát triển các loại vật nuôi chủ lực như heo, gà theo hướng chăn nuôi trang trại. Diện tích nuôi trồng thủy sản tiếp tục được mở rộng. Công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tiếp tục được tăng cường, việc trồng và nâng cao chất lượng rừng được quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt, đạt nhiều kết quả vượt bậc. Đến nay, tỉnh Đồng Nai là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2019, hiện đã có 43 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, vượt mục tiêu nghị quyết đề ra.

Công tác điều hành ngân sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, đạt kết quả khả quan. Trong điều kiện nguồn thu ngân sách được hưởng theo phân cấp hạn hẹp, tỉnh chủ động cân đối ngân sách, phân bổ hợp lý, đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Hoạt động tín dụng phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế. Tổng nguồn vốn huy động và dư nợ cấp tín dụng giai đoạn 2015-2020 tăng bình quân 11,7% và 17,08%/năm, tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp… đúng định hướng.

Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao tiếp tục phát triển; các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc, truyền thống văn hóa vùng đất, con người Đồng Nai được giữ gìn và phát huy. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa được quan tâm. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được duy trì thường xuyên, lĩnh vực gia đình, các giá trị truyền thống tốt đẹp gia đình Việt Nam được quan tâm, hoạt động thể dục, thể thao có tiến bộ.

Giáo dục và đào tạo có chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng về quy mô. Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh được tiếp tục thực hiện gắn với hoạt động tư vấn đào tạo nghề, tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng. Công tác đào tạo nghề có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động.

Công tác dân số và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng, tuổi thọ trung bình đạt 74 tuổi. Chất lượng dân số được cải thiện nhiều mặt. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu về y tế đều đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

An sinh xã hội được bảo đảm. Quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đẩy mạnh các hoạt động chăm lo các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đến nay trên địa bàn tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo A. Triển khai thực hiện tốt các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%.

Hoạt động khoa học công nghệ có chuyển biến tích cực và đang trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo chiều sâu. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là các đề tài, dự án liên quan đến chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất trên các lĩnh vực sản xuất bước đầu được quan tâm triển khai thực hiện. Phát huy năng lực, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức và đẩy mạnh phát triển thị trường, hợp tác phát triển khoa học và công nghệ. Quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ từng bước đổi mới; đầu tư phát triển khoa học và công nghệ được quan tâm. Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bước đầu được hình thành.

Công tác quản lý tài nguyên có tiến bộ; công tác bảo vệ môi trường được đặc biệt quan tâm, nhất là ở những khu vực có nguồn thải lớn, các ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường và phát thải cao. Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản trái phép. Công tác quản lý đất đai, chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm, sang nhượng, phân lô bán nền, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Triển khai thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường được tăng cường. Kiểm soát các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các cơ sở có nguồn thải lớn phát sinh từ hoạt động công nghiệp. Chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc cấp phép và kiểm soát các tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý các loại chất thải trên địa bàn. Chú trọng thực hiện nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, đa dạng sinh học. Thực hiện đạt mục tiêu nghị quyết về chỉ tiêu tỷ lệ che phủ cây xanh, tỷ lệ che phủ rừng.

Lực lượng vũ trang tỉnh được xây dựng ngày càng vững mạnh. Công tác tuyển quân hằng năm đạt 100% chỉ tiêu Quân khu 7 giao, chất lượng được nâng lên; xây dựng lực lượng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ vững mạnh toàn diện, trình độ sẵn sàng chiến đấu được nâng lên.

Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai rộng khắp. Chủ động nắm tình hình, đấu tranh vô hiệu hóa, làm thất bại âm mưu, hoạt động khủng bố, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động. Chủ động phát hiện, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong tôn giáo, an ninh nông thôn, đô thị, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm, tệ nạn xã hội cơ bản được triển khai thực hiện có hiệu quả. Tai nạn giao thông hằng năm đều giảm trên cả 3 tiêu chí; công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngày càng chủ động, kịp thời ứng phó mọi tình huống về cháy nổ, thiên tai xảy ra trên địa bàn.

Công tác xây dựng Đảng về chính trị được đặc biệt chú trọng. Nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trên các lĩnh vực được cụ thể hóa, triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả tích cực. Bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên.

Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng được coi trọng và tăng cường; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được quan tâm chỉ đạo. Công tác giáo dục lý luận chính trị, nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng được chú trọng và tiếp tục được đổi mới, góp phần tạo sự đoàn kết nhất trí trong Đảng và đồng thuận trong xã hội.

Công tác xây dựng Đảng về tổ chức được thực hiện với quyết tâm chính trị cao, đạt kết quả quan trọng. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được đổi mới, sắp xếp tinh gọn hơn gắn với tinh giản biên chế. Công tác cán bộ được quan tâm. Công tác phát triển Đảng được chú trọng; tỷ lệ phát triển đảng viên mới hằng năm luôn đạt chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra. Tỷ lệ ấp (khu phố) có chi bộ đạt 100% và tỷ lệ ấp (khu phố) có chi ủy đạt trên 96%; tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt Đảng đạt từ 90% trở lên. Công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quan tâm. Công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên nhìn chung được thực hiện nghiêm túc; tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh hằng năm đạt trên 80% và tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 90%. Vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị ngày càng được phát huy.

Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về xây dựng Đảng” và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được triển khai đồng bộ đạt nhiều kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng và hệ thống chính trị, góp phần ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ý thức, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.

Phương thức lãnh đạo của cấp ủy tiếp tục được đổi mới. Công tác cải cách thủ tục hành chính trong Đảng được chú trọng và đạt kết quả tích cực. Coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và sơ kết, tổng kết việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của cấp ủy.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng luôn được các cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đạt được kết quả tích cực. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, những vấn đề nổi cộm, phức tạp, vấn đề bức xúc mà đảng viên và nhân dân quan tâm, việc khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm sau kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), sau kết luận thanh tra, kiểm tra; tăng cường kiểm tra, giám sát chuyên đề gắn với kiểm tra, giám sát trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, địa phương, đơn vị đã góp phần giảm tỷ lệ tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm bị thi hành kỷ luật.

Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND các cấp có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, phát huy tốt vai trò đại biểu dân cử. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền. Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, ngày càng có chuyển biến tích cực theo hướng phục vụ. Người đứng đầu chính quyền các cấp định kỳ tổ chức đối thoại để lắng nghe và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp, tỷ lệ mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp ngày càng nâng lên.

Công tác cải cách tư pháp tiếp tục được quan tâm, chất lượng hoạt động tư pháp được nâng lên. Hoạt động các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chất lượng và hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng lên. Công tác thi hành án dân sự có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra được các cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực; qua thanh tra, đã phát hiện và chấn chỉnh nhiều sai phạm trong công tác quản lý nhà nước.

Công tác phòng, chống tham nhũng đạt những kết quả quan trọng. Các cấp, các ngành đã triển khai, quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; đồng thời quan tâm chỉ đạo việc thu hồi tài sản thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra.

Hoạt động đối ngoại và quản lý hoạt động đối ngoại được tăng cường. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại và tăng cường quan hệ hợp tác với các địa phương ở các nước, vùng lãnh thổ, nhất là các nước trong khu vực. Công tác đối ngoại nhân dân được quan tâm.

Công tác Dân vận của các cấp ủy Đảng tiếp tục được đổi mới cả về nội dung và phương thức theo hướng gần dân, sát dân, chăm lo lợi ích thiết thực của người dân. Các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác Dân vận được các cấp ủy kịp thời quán triệt, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện, phát huy vai trò đảng viên, cấp ủy viên, người đứng đầu tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trong công tác Dân vận. Đã phát động và tổ chức nhiều phong trào, cuộc vận động gắn với phong trào thi đua Dân vận khéo, Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc tiếp công dân, đối thoại giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân được người đứng đầu cấp ủy quan tâm thực hiện.

Công tác Dân vận của các cơ quan nhà nước được quan tâm, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao thái độ, tinh thần phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được chú trọng. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng đi vào nền nếp.

Công tác dân tộc có những chuyển biến tích cực. Công tác tôn giáo được chú trọng, đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về công tác tôn giáo; tạo điều kiện để các chức sắc, chức việc, tu sĩ tín đồ các tôn giáo và tổ chức tôn giáo hoạt động thuận lợi, sinh hoạt theo đúng quy định của pháp luật và đường hướng hành đạo theo phương châm “tốt đời, đẹp đạo”. Công tác đối ngoại nhân dân, công tác vận động kiều bào, thu hút các nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài chăm lo an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tích cực.

Để đạt được những kết quả trên có nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là sự nỗ lực, quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cấp ủy, chính quyền cùng với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh; giữ vững đoàn kết, đồng thuận trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban TVTU, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; quan tâm công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nhiệm vụ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng trở thành công việc tự giác, thường xuyên có tác động thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo luôn bám sát chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã xác định; đồng thời chủ động cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, nhất là đề ra các biện pháp, giải pháp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra.

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202101/chao-mung-hoi-thao-khoa-hoc-nhan-ky-niem-60-nam-ngay-thanh-lap-quan-giai-phong-mien-nam-viet-nam-1961-2021-phat-huy-truyen-thong-dau-tranh-cach-mang-dang-bo-va-nhan-dan-tinh-dong-nai-quyet-tam-xay-dun-3038300/