Phát huy truyền thống đoàn kết, đưa Yên Châu trở thành huyện phát triển khá

Là vùng quê giàu truyền thống, sớm có phong trào cách mạng; trong lịch sử, nhân dân các dân tộc Yên Châu đã góp phần to lớn vào nhiều chiến thắng oanh liệt của dân tộc. Hơn 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu đã viết nên trang sử cách mạng vẻ vang và hào hùng cả trong kháng chiến và trong thời kỳ đổi mới.

Cách đây 78 năm, ngày 23/8/1945, khu căn cứ Mường Chanh, huyện Mai Sơn khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Thời cơ đến, Đội Thanh niên cứu quốc Yên Châu cùng với một đơn vị chiến đấu ở Mường Chanh đã tiến quân về khởi nghĩa giành chính quyền ở Yên Châu. Trưa ngày 24/8/1945, chính quyền về tay nhân dân.

Đến ngày 11/6/1948, tại cây đa Nóng Luông, bản Na Băng, xã Mường Lựm, Chi bộ Yên Châu trực thuộc Tỉnh ủy được thành lập gồm 4 đồng chí. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Chi bộ Yên Châu, phong trào cách mạng của nhân dân ngày càng lớn mạnh, công tác phát triển đảng viên tăng cường. Việc thành lập Chi bộ Yên Châu là sự kiện chính trị ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sự đấu tranh cách mạng ở Yên Châu, là tiền đề quan trọng để khi đủ điều kiện thành lập Ban Cán sự Đảng, sau này là Đảng bộ huyện Yên Châu.

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và Đoàn công tác thăm Di tích địa điểm thành lập Chi bộ Yên Châu (tháng 11/2020). Ảnh: PV

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và Đoàn công tác thăm Di tích địa điểm thành lập Chi bộ Yên Châu (tháng 11/2020). Ảnh: PV

Đầu năm 1949, Tỉnh ủy chỉ đạo sáp nhập Huyện ủy Mộc Châu và Chi bộ Yên Châu thành liên Huyện ủy Mộc - Yên, đảm bảo việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong tình hình mới, ngày 17/9/1951, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 19/QĐ/SL tách Liên Huyện ủy Mộc - Yên, lập lại Ban Huyện ủy Yên Châu trực tiếp lãnh đạo toàn diện địa bàn huyện Yên Châu - đánh dấu bước trưởng thành của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào cách mạng ở Yên Châu trong giai đoạn mới.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu và Tỉnh ủy Sơn La, ngày 20/11/1952, cùng với huyện Mộc Châu, Yên Châu được giải phóng. Đây là sự kiện lịch sử ý nghĩa trọng đại, nhân dân Yên Châu được giải phóng khỏi ách kìm kẹp của thực dân và tầng lớp thống trị phong kiến tay sai; được sống trong hòa bình, tự do và độc lập, bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, chế độ mới.

Trung tâm huyện Yên Châu. Ảnh: PV

Trung tâm huyện Yên Châu. Ảnh: PV

Ngày 7 và sáng ngày 8/5/1959, Yên Châu vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, hơn 1.000 cán bộ, nhân dân, bộ đội và các cháu thanh, thiếu niên tập trung đầy đủ, trật tự tại sân bản Khoóng xã Chiềng An, nay là tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu để nghe Bác nói chuyện. Hình ảnh vị Lãnh tụ kính yêu và những lời chỉ bảo ân cần của Người mãi còn in đậm trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Yên Châu, như ngọn đèn soi rọi, là nguồn cổ vũ lớn lao, thôi thúc động viên cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Châu vững bước đi lên.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; có 11 bà mẹ được phong tặng, truy tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương và UBND tỉnh tặng hơn 2.000 huân, huy chương các loại, hơn 4.000 bằng khen cho các tập thể, cá nhân.

Thực hiện công cuộc đổi mới, hơn 35 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu nỗ lực vững bước, tự hào khẳng định trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, giành nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế của huyện duy trì ổn định, 2 năm qua, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 145 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 5.123 tỷ đồng. Năm 2022, tổng sản lượng nông sản tiêu thụ, xuất khẩu đạt 53.700 tấn, giá trị đạt trên 530 tỷ đồng; sản phẩm chế biến đạt 750 tấn, giá trị hơn 600 tỷ đồng.

Nông dân xã Tú Nang, huyện Yên Châu thu hoạch xoài. Ảnh: PV

Nông dân xã Tú Nang, huyện Yên Châu thu hoạch xoài. Ảnh: PV

Yên Châu đang duy trì hơn 773 ha cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 67 mã vùng trồng với diện tích 1.140 ha. Sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 51 triệu đồng/ha.

Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh, 100% số xã trên địa bàn huyện có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỷ lệ đô thị hóa của huyện đạt 5,7; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 97%; tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng đạt 98,6%... Toàn huyện có 4 xã: Chiềng Pằn, Viêng Lán, Chiềng Sàng, Chiềng Khoi đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường Chiềng Khoi - Phiêng Khoài. Ảnh: PV

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường Chiềng Khoi - Phiêng Khoài. Ảnh: PV

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội, ưu tiên kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ. Từ năm 2020 đến nay, huyện mời các nhà đầu tư tiềm năng tìm hiểu, nghiên cứu triển khai các dự án: Nhà máy chế biến nông sản bản Nà Phiêng, xã Chiềng Hặc; Nhà máy chế biến nông sản xã Tú Nang. Thực hiện các dự án trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện, như: Kè chống sạt lở suối Vạt bảo vệ thị trấn Yên Châu giai đoạn 1 và giai đoạn 2; đường giao thông Chiềng Khoi - Phiêng Khoài, Mường Lựm (Yên Châu) -Tân Lập (Mộc Châu); rà soát và xây dựng phương án quy hoạch, phát triển Cụm công nghiệp khu vực quốc lộ 6, quốc lộ 6C...

Đoàn nghệ nhân, diễn viên dân tộc Thái Yên Châu tham gia Chương trình sắc xuân trên mọi miền tổ quốc. Ảnh: Lừ Chương (CTV)

Đoàn nghệ nhân, diễn viên dân tộc Thái Yên Châu tham gia Chương trình sắc xuân trên mọi miền tổ quốc. Ảnh: Lừ Chương (CTV)

Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 25,13%; xóa 750 nhà tạm; có 25/50 trường học đạt chuẩn quốc gia. Việc bảo vệ đường biên, mốc giới gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng biên được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm, giữ vững. Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô xã Phiêng Khoài góp phần giới thiệu, tôn vinh di tích quan trọng có giá trị to lớn về lịch sử, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

Công tác xây dựng Đảng được quan tâm, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã gắn với củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Trải qua chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành, từ một Chi bộ Yên Châu khi mới thành lập có 4 đảng viên, đến nay, Đảng bộ huyện Yên Châu có 36 chi bộ, đảng bộ cơ sở, 292 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với 6.190 đảng viên.

Hội đàm trao đổi kinh nghiệm với huyện Xiềng Khọ (nước CHDCND Lào). Ảnh: Trần Sơn (CTV)

Hội đàm trao đổi kinh nghiệm với huyện Xiềng Khọ (nước CHDCND Lào). Ảnh: Trần Sơn (CTV)

Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị, nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu tiếp tục đoàn kết, đồng lòng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai các nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát huy vai trò MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân tộc.

Hai là, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Ảnh: Trần Sơn (CTV)

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Ảnh: Trần Sơn (CTV)

Ba là, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh, phấn đấu năm 2025, thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới Sặp Vạt, Lóng Phiêng, Yên Sơn. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tài chính, tín dụng; thương mại, dịch vụ; quy hoạch; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên cho kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ.

Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường quản lý đất đai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng. Chỉ đạo rà soát, triển khai có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Năm là, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua, trở thành hoạt động thường xuyên trong các nhà trường, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”. Đồng thời, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, an sinh xã hội.

Sáu là, xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin và truyền thông gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đào tạo nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng.

Bảy là, tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý điều hành của chính quyền các cấp. Bảo đảm quốc phòng, quân sự địa phương; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Thực hiện tốt việc quản lý Nhà nước về biên giới lãnh thổ quốc gia.

Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Sơn La, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vững vàng tiến bước, giành thắng lợi mới trong những chặng đường tiếp theo, sớm đưa Yên Châu trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/thoi-su-chinh-tri/phat-huy-truyen-thong-doan-ket-dua-yen-chau-tro-thanh-huyen-phat-trien-kha-F1j9B1lVg.html