Phát huy truyền thống, ngành Công thương Quảng Trị quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ

Cách đây 70 năm, ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công thương. Nhìn lại chặng đường 70 năm với muôn vàn khó khăn, thử thách, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành công thương rất tự hào về những đóng góp to lớn của ngành đối với đất nước. Trong suốt 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngành công thương đã lập nhiều chiến công, phục vụ đắc lực cho các cuộc kháng chiến của dân tộc, góp phần xây dựng hậu phương lớn miền Bắc XHCN vững mạnh, chi viện hiệu quả cho tiền tuyến lớn miền Nam. Bước sang thời kỳ cả nước xây dựng CNXH, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, ngành công thương luôn đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, trở thành ngành kinh tế trụ cột của nước nhà.

LÊ QUANG VĨNH, Giám đốc Sở Công thương Quảng Trị

Gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngành Công thương Việt Nam, ngành Công thương Quảng Trị ra đời vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ tổ chức tiền thân là Ban Kinh tài Quảng Trị, tên gọi của ngành được thay đổi nhiều lần, phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử. Dù ở hoàn cảnh nào, cán bộ ngành Công thương Quảng Trị cũng chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Trong giai đoạn phát triển mới, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành đã sắp xếp lại tổ chức, xác định chiến lược vừa phát triển vững chắc thị trường nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu, duy trì, phát triển các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hiện có, vừa thu hút đầu tư các dự án mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp…

Với sự nỗ lực vượt bậc, ngành Công thương Quảng Trị đã từng bước vươn lên, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vị thế là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 11.261 tỉ đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2015. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 11,42%. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, giảm dần tỉ trọng công nghiệp khai thác, tăng dần tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển. Các ngành công nghiệp có thế mạnh như dệt may, chế biến gỗ, năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo… được chú trọng phát triển.

Xác định năng lượng tái tạo là lĩnh vực then chốt, đột phá, ngành Công thương Quảng Trị đã tích cực, chủ động phối hợp các ngành trong xúc tiến, hỗ trợ các nhà đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, khởi công dự án. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 53 dự án năng lượng tái tạo được quy hoạch với tổng công suất 4.746 MW, trong đó có 14 dự án với tổng công suất 377 MW đã đưa vào vận hành, 40 dự án tổng công suất 2.959 MW đang triển khai đầu tư và thực hiện thủ tục đầu tư. Cùng với đó, trên 70 dự án với tổng công suất khoảng 10.700 MW đã được UBND tỉnh trình Bộ Công thương xem xét đưa vào quy hoạch trong thời gian tới.

 Các dự án điện gió được triển khai trên địa bàn tỉnh - Ảnh: Q.H

Các dự án điện gió được triển khai trên địa bàn tỉnh - Ảnh: Q.H

Trong năm 2020, dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là COVID-19, thiên tai, song công tác thu hút đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư các dự án phát triển năng lượng vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng. Trên địa bàn có thêm 2 dự án điện mặt trời, 1 dự án thủy điện đi vào hoạt động. Đặc biệt, hàng chục dự án điện gió đã đồng loạt được triển khai xây dựng. Dự án trạm 220 kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo và dự án nâng tiết diện đường dây 110kV Đông Hà - Lao Bảo đang khẩn trương triển khai để giải tỏa nguồn điện sản xuất trên địa bàn. Sự đột phá trong phát triển năng lượng mở ra triển vọng đưa Quảng Trị sớm trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.

Đến nay, kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp trong tỉnh đang ngày càng hoàn thiện. Hiện toàn tỉnh đã có 3 khu công nghiệp đi vào hoạt động, với tổng diện tích 760 ha; 2 khu công nghiệp Triệu Phú và VSIP 8 với tổng diện tích trên 1.010 ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đang tiến hành thủ tục đầu tư; 17 cụm công nghiệp với tổng diện tích 527,5 ha đã thu hút được khoảng 137 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 2.941 tỉ đồng. Các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất công nghiệp. Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo được đầu tư kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh, đón đầu sự phát triển trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Cửa khẩu quốc tế La Lay đang được đầu tư kết cấu hạ tầng để từng bước hình thành khu kinh tế cửa khẩu nối liền với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và Cảng nước sâu Mỹ Thủy. Trên địa bàn, hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng… tiếp tục được đầu tư xây dựng. Mạng lưới điện đã phủ khắp 100% xã, phường, thị trấn ở khu vực đất liền. Số hộ dân sử dụng điện cao hơn mặt bằng chung cả nước.

Tốc độ tăng trưởng thương mại, dịch vụ trên địa bàn tăng bình quân hằng năm 10,07%. Thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng khá sôi động. Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 30.959 tỉ đồng, tăng gấp 3,9 lần so với năm 2015. Hoạt động thương mại có bước chuyển biến tích cực cả về quy mô, thị trường, hạ tầng kỹ thuật. Doanh nghiệp thích ứng nhanh với cơ chế mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống Nhân dân. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được chú trọng triển khai thực hiện. Chương trình phát triển sản phẩm OCOP, kết nối vào siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ từng bước hình thành. Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 đạt 1.339 triệu USD, vượt 15,41% so với mục tiêu đề ra. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương được triển khai đồng bộ, toàn diện. Hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại góp phần tích cực thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn. Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới…

Sau hơn 30 năm từ ngày lập lại tỉnh, ngành Công thương Quảng Trị đã có nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được Đảng, Nhà nước trao tặng các phần thưởng, danh hiệu cao quý. Sở Công thương vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2009, Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2016 và nhiều năm liền được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh khen thưởng. Công đoàn ngành Công thương vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua toàn diện của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong nhiều năm liền. Năm 2020, Sở Công thương được Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc. Những phần thưởng, danh hiệu cao quý và thành quả mà ngành Công thương Quảng Trị đạt được là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Công thương; sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, địa phương; sự nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự phấn đấu, tận tụy cống hiến của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động qua các thời kỳ…

Phát huy kết quả đạt được, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Sở Công thương tiếp tục ý thức sâu sắc vinh dự, trách nhiệm của mình đối với ngành, với quê hương, quyết tâm cống hiến, tiếp nối truyền thống đáng tự hào của ngành công thương để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngành Công thương Quảng Trị sẽ tiếp tục chăm lo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ; thường xuyên bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, nắm vững và thực hiện sáng tạo nhiệm vụ chuyên môn; nỗ lực hơn nữa để xây dựng ngành Công thương Quảng Trị vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=157529&title=phat-huy-truyen-thong-nganh-cong-thuong-quang-tri-quyet-tam-hoan-thanh-tot-nhiem-vu