Phát huy vai trò của phụ nữ trong kinh tế nông nghiệp

Thời gian qua, sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn được xác định là yêu cầu quan trọng, cấp thiết để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp và bảo đảm sức khỏe nhân dân. Phụ nữ Hà Nội hiện chiếm gần 50% dân số của Thành phố, chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động sản xuất, kinh doanh nông sản và quyết định trực tiếp việc tiêu thụ nông sản thực phẩm.

Là một đơn vị sản xuất, chế biến nông sản ở huyện Ba Vì, Hợp tác xã Sản xuất, chế biến nông sản Yến Anh (Hợp tác xã Yến Anh) mỗi tháng cung cấp 100 tấn sản phẩm được sản xuất từ nông sản sạch như ngô, khoai, sắn, dừa… ra thị trường. Đặc biệt, 3 sản phẩm ngô chiên bơ, khoai lang kén, bánh sắn nướng cốt dừa đã được Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Hay dự án “No đủ củ sắn Ba Vì” của đơn vị này cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội biểu dương là “Sản phẩm sáng tạo năm 2023”.

Riêng sản phẩm “Bánh sắn phomai” đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ với số lượng lớn và duy trì đơn hàng cố định. Hợp tác xaYễ́n Anh đã tạo việc làm cho hơn 40 công nhân, trong đó 90% là chị em phụ nữ của huyện.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đam mê với nông sản, trăn trở làm cách nào để tiêu thụ cho nông dân, hạn chế vấn nạn thực phẩm bẩn, bà Phạm Thị Tư Hậu - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Yến Anh từ một dược sĩ đã quyết tâm rẽ sang kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.

Theo bà Tư Hậu, Hợp tác xã hoạt động theo mô hình sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ, là sản phẩm được chế biến từ các loại nông sản do các hộ gia đình trên địa bàn xã, huyện và 10 tỉnh sản xuất, được bán trên sàn thương mại điện tử shopee, tại các gian hàng hội chợ, và 5 điểm bán hàng của Hợp tác xã đặt tại 5 tỉnh, thành trong cả nước.

Sau 8 năm hình thành và phát triển, đến nay, Công ty cổ phần Dược Phẩm Takichi Việt Nam đã có uy tín nhất định trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất đông trùng hạ thảo. Các sản phẩm của Takichi đến nay đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn của Việt Nam và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản cùng một số nước châu Âu.

Bà Phan Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kinh doanh Công ty cho biết, trước đây, sản phẩm của đơn vị bị lu mờ giữa bạt ngàn các sản phẩm về đông trùng hạ thảo. Sau đó, khi được trở thành thành viên của Câu lạc bộ Doanh nhân nữ thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, bà Hồng Hạnh được học hỏi thêm các kiến thức, kỹ năng về sản xuất an toàn, quảng bá thương hiệu, đồng thời được tổ chức Hội hỗ trợ giới thiệu sản phẩm tới nhiều kênh khác nhau. Từ đó, sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP và lan tỏa tới nhiều người tiêu dùng hơn.

“Họ biết đến Takichi vì là một sản phẩm an toàn và giá cả hợp lý”, bà Hạnh cho biết. Doanh nghiệp này hiện đang tạo việc làm cho 30 lao động, với thu nhập trung bình 10 triệu đồng/người/tháng.

Hà Nội hiện có gần 30 trung tâm thương mại, 130 siêu thị, 455 chợ, hơn 2.500 cửa hàng tiện ích, 1.414 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn; 159 chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản; 56 điểm trưng bày giới thiệu, quảng bá và kinh doanh sản phẩm đạt OCOP. Các hoạt động kết nối tiêu thụ, phân phối nông sản thông qua hệ thống các chợ, siêu thị, cửa hàng và các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được diễn ra thường xuyên, liên tục, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường.

Bà Nguyễn Thị Hảo - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội cho biết, những năm qua, Trung tâm này đã ứng dụng rất nhiều mô hình để kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; xây dựng chuỗi kết nối thông qua mạng lưới hội phụ nữ. Ngoài tổ chức các buổi hội chợ, điểm bán hàng tiêu thụ nông sản…

Lao động làm việc tại HTX Sản xuất chế biến nông sản Yến Anh.

Lao động làm việc tại HTX Sản xuất chế biến nông sản Yến Anh.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội cũng liên kết với các nền tảng xã hội đưa những nông sản, thực phẩm an toàn của các nữ chủ doanh nghiệp, hợp tác xã lên sàn thương mại điện tử nhằm rút ngắn khoảng cách giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, nhận thức rõ vai trò quan trọng của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, những năm qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã chủ động, tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước, Thành phố và kiến thức về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử.

Cùng với đó là xây dựng, nâng cao chất lượng và nhân rộng nhiều mô hình sáng tạo của phụ nữ trong sản xuất và tiêu dùng nông sản, thực phẩm an toàn như: “Sản xuất lúa chất lượng cao theo công nghệ sinh học”, “Nuôi gà an toàn sinh học”; “Sản xuất rau an toàn”, “Điểm phân phối thực phẩm an toàn”, “Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Các cấp Hội cũng đã tăng cường hoạt động phối hợp giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; phát hiện vấn đề và có những kiến nghị kịp thời với ngành chức năng hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, dịch vụ thực hiện tốt quy định bảo đảm thực phẩm an toàn.

Hoạt động của Hội đã từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho phụ nữ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 1.609 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản, trong đó doanh nghiệp có nữ làm chủ chiếm khoảng 40%.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-huy-vai-tro-cua-phu-nu-trong-kinh-te-nong-nghiep-175316.html