Phát huy vai trò của thị trường trong nước

Ngay trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn nhất do dịch Covid-19, thị trường trong nước đã khẳng định vai trò quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.

Xin Thứ trưởng cho biết một số đánh giá về kết quả sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”?

Hàng hóa Việt Nam đã được tiêu thụ mạnh mẽ

Hàng hóa Việt Nam đã được tiêu thụ mạnh mẽ

Sau hơn 10 năm CVĐ được triển khai và hơn 6 năm triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ, các chương trình đã góp phần cho mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, các chương trình này đã giúp xác định hành vi cũng như ý thức của người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Khảo sát của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội mới đây cho thấy, có đến 67% người được hỏi cho rằng, nếu mua hàng, sẽ ưu tiên mua hàng sản xuất tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng ta đã thiết lập được hệ thống phân phối từ trung ương đến địa phương, kể cả các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó, góp phần giúp hàng Việt Nam không chỉ được tiêu thụ tại khu vực trung tâm mà cả vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Đến nay, hệ thống phân phối hàng hóa đã được phát triển rộng khắp trên cả nước. Thông qua Đề án, đã thiết lập trên 100 Điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 địa phương trên cả nước, cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam.

Chương trình phát triển thị trường nội địa gắn với CVĐ cũng đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vì thông qua chương trình, hàng hóa Việt Nam đã được tiêu thụ mạnh mẽ hơn, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp (DN) sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh khi đối đầu với hàng hóa các nước đang có mặt tại thị trường Việt Nam.

Chương trình cũng giúp kết nối các địa phương, hiệp hội, DN. DN có ý thức hơn trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Từ trước đến nay, ta thường nói “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhưng hiện nay có thể tự hào rằng, hàng hóa Việt Nam có thể tự tin chinh phục người tiêu dùng Việt Nam. Chương trình cũng đã giúp các cấp, ngành, địa phương… quan tâm chỉ đạo sát sao xây dựng nhiều chương trình tại địa phương, trong đó, có chương trình phát triển thị trường nội địa gắn với CVĐ.

Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn; và dễ nhận thấy là các DN chọn thị trường trong nước để bù đắp lại doanh thu; theo Thứ trưởng sự chuyển hướng này có ý nghĩa như thế nào ?

Rõ ràng, thời gian qua, ta càng thấy rõ vai trò quan trọng của thị trường nội địa và lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hàng Việt đã góp phần giúp DN vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh. Bởi, khi dịch Covid-19 diễn biến khó lường, thị trường nội địa chính là “cứu cánh” cho DN.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu nội địa đã tăng 3,6% trong 7 tháng, chiếm gần 80% tổng mức doanh thu hàng hóa dịch vụ cả nước. Quan trọng là, thị trường nội địa đã góp phần đảm bảo cung - cầu, giá hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng Việt Nam. Ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam cũng ưu tiên nhiều hơn cho các sản phẩm hàng hóa thiết yếu mang thương hiệu Việt.

Tuy nhiên, cũng do tác động của dịch bệnh, việc tiêu thụ hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn do nhu cầu ít đi. Hàng hóa buộc phải hạ giá hoặc không tiêu thụ được khiến DN đạt được hiệu quả thấp hơn trong sản xuất, kinh doanh so với những giai đoạn trước đây.

Trong thời gian tới đây, Bộ Công Thương sẽ triển khai những biện pháp nào nhằm hỗ trợ DN khai thác tốt hơn thị trường nội địa, thưa Thứ trưởng?

Phát huy kết quả đạt được, Bộ Công Thương và các bộ, ngành đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa Việt Nam thông qua việc tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại. Trong đó, chú trọng tổ chức online cả trong và ngoài nước nhằm kết nối tiêu thụ hàng hóa.

Thông qua các hoạt động này, DN Việt Nam đã không chỉ kết nối cung - cầu nội địa thành công mà còn kết nối được với đối tác ở nhiều thị trường như: Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc… Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ phát huy những kết quả đạt được, phối hợp với các đơn vị khác để triển khai nhiều chương trình hơn nữa.

Những kết quả đạt được cũng sẽ là điều kiện thuận lợi để Bộ Công Thương triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Công Thương khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới với mục tiêu nhanh chóng khôi phục và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại. Bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 và tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng ở những năm tiếp theo đúng với tinh thần được nêu tại Kết luận số 77-KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 nhằm phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Phương Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-huy-vai-tro-cua-thi-truong-trong-nuoc-143063.html