Phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

Chiều 31-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, các đại biểu quan tâm đến dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở khi cho rằng, để dự án luật đi vào cuộc sống, cần làm rõ vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở.

 Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ chiều 31-5.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ chiều 31-5.

Hạn chế tình trạng dân chủ hình thức

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, việc thực hành dân chủ ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là nơi đưa các chính sách pháp luật vào cuộc sống. Theo đại biểu, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, cần rà soát, đánh giá kỹ hơn các quy định của dự thảo luật để tránh chồng chéo trong các văn bản liên quan.

“Cần phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, vì trong các báo cáo trình Quốc hội chưa làm rõ vấn đề này. Thực tế, nhiều cơ quan thực hiện hội nghị cán bộ, công chức, viên chức còn mang tính hình thức. Nhiều cơ quan ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ nhưng việc triển khai chưa hiệu quả”, đại biểu Tạ Đình Thi nêu.

 Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu.

Còn đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn thành phố Hà Nội) đồng ý với quan điểm cần quy định rõ vai trò cũng như trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ cơ sở.

Đồng thời, đại biểu cũng kiến nghị sổ sung điều khoản quy định rõ trách nhiệm giải trình, tiếp thu của người sử dụng lao động với các kiến nghị của người lao động; kiểm điểm trách nhiệm cũng như đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm của người đứng đầu để hạn chế tình trạng dân chủ hình thức.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị rà soát lại 8 hình thức công khai thông tin trong dự thảo luật để người dân thực sự được tiếp cận, tránh hình thức. “Nếu công khai bằng hình thức tiếp dân thì cứ mỗi người dân đến lại phải thông tin thì không thể làm được và chưa có cấp xã nào tổ chức họp báo công khai thông tin”, đại biểu nêu.

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở xã phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) phát biểu.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) đề nghị giải thích rõ vì sao dự thảo luật không đề cập đến việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đồng thời, Ban Thanh tra nhân dân là đơn vị hoạt động giám sát, có tính độc lập tương đối cao, do đó, nếu Ban Thanh tra nhân dân lại thực hiện công tác do người đứng đầu cấp xã giao như trong dự thảo luật thì sẽ đánh mất tính độc lập của thiết chế này.

Bạo lực tinh thần khó có thể nhận ra

Về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (đại biểu Quốc hội Đoàn Kon Tum) cho biết, trong gia đình có nhiều yếu tố chi phối, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình đang giao thoa giữa nhiều bộ, ngành. Vì thế, khi tiếp cận và nhận nhiệm vụ xây dựng luật này không đơn giản, bởi phạm vi điều chỉnh rộng. Bạo lực thể xác, kinh tế có thể nhận ra được, nhưng bạo lực tinh thần thì không đơn giản.

“Chúng tôi đã rất trăn trở khi xây dựng luật này phải dựa vào trục gì là chính. Đầu tiên, cơ quan soạn thảo đã bắt đầu từ Hiến pháp năm 2013, đó là quyền con người. Từ quyền con người được quy định trong Hiến pháp đã thể hiện ra quyền con người được bảo vệ trong vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình là gì”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, chúng ta cần hướng vào đối tượng yếu thế như trẻ em, người già, đồng bào dân tộc thiểu số; trách nhiệm của cộng đồng, cá nhân. Nếu cứ “đèn nhà ai nấy rạng” thì không thể phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, nội dung dự luật cần được thiết kế để phát huy vai trò xã hội hóa trong việc phòng, chống bạo lực gia đình.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) phát biểu.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) phát biểu.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, cần có giải pháp quyết liệt hơn, ưu tiên phòng ngừa bạo lực gia đình. Có những trường hợp do đặc điểm văn hóa vùng miền, gia đình nên nạn nhân bạo lực gia đình rất chịu đựng, gây lúng túng cho chính quyền trong giải quyết. Đại biểu đề nghị cần nâng cao ý thức người dân trong phát hiện các vụ việc bạo lực gia đình, đặc biệt là làm rõ chế tài trong các trường hợp biết mà im lặng, không hành động theo quy định pháp luật; quy định rõ cách thức bảo vệ người báo tin, tố giác bạo lực gia đình, đồng thời khuyến khích người dân tham gia tố giác các hành vi bạo lực gia đình.

Còn đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, dự thảo luật quy định 18 hành vi bạo lực gia đình đã bao quát, nhưng thực tế có thể xuất hiện những hành vi chưa dự liệu hết. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định các hành vi bạo lực khác đối với các thành viên trong gia đình.

Trong khi đó, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) cho biết, thực tiễn thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình đã xác định có 4 nhóm hình thức bạo hành gia đình gồm: Bạo lực thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục. Tuy nhiên thực tế chủ yếu mới khảo sát, đo lường được bạo lực thể chất, còn bạo lực tinh thần rất khó phát hiện nhưng lại mang nhiều hậu quả khó lường. Do đó, cần phải có thang đo đặc thù, cách khảo sát đặc thù của các cơ quan về giới để nhận diện đúng các hình thức bạo hành gia đình, bởi nhiều người bị bạo lực gia đình không biết mình bị bạo lực dẫn tới việc không thể hoặc gây khó khăn trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi, bảo vệ người bị bạo lực gia đình.

Còn đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung khoản 1, Điều 7 cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Về nguyên tắc, phòng, chống bạo lực gia đình tại Điều 5 của dự thảo, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng là trẻ em và phụ nữ là người dân tộc thiểu số. Đây chính là những đối tượng dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhiều về chính sách.

Tiến Thành - Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1033448/phat-huy-vai-tro-cua-to-chuc-chinh-tri---xa-hoi-trong-thuc-hien-dan-chu-o-co-so