Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội

ĐBP - Ðồng chí Lò Văn Mừng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh khẳng định: Thời gian qua, việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội luôn được đảm bảo các nguyên tắc, quy định của pháp luật; có sự phối hợp chặt chẽ trong hệ thống mặt trận và giữa các tổ chức thành viên của MTTQ với các tổ chức, cá nhân có liên quan; đảm bảo khách quan, công khai, hiệu quả thiết thực và phù hợp với chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt nhiệm vụ này đã góp phần phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, giúp cơ quan Nhà nước các cấp có thêm căn cứ để thảo luận và thông qua nghị quyết bảo đảm phù hợp với thực tế và nguyện vọng của nhân dân.

Giám sát công tác thu, quản lý và sử dụng các loại quỹ, các khoản ủng hộ do nhân dân trên địa bàn đóng góp, thành viên đoàn giám sát của MTTQ TP. Ðiện Biên Phủ nghiên cứu hồ sơ, chứng từ liên quan tại xã Thanh Minh.

Cuối tháng 8 vừa qua, MTTQ tỉnh phối hợp với 5 đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức hội nghị phản biện dự thảo Ðề án “Việc sáp nhập, đổi tên các bản, tổ dân phố thuộc TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Mường Ảng, TX. Mường Lay” do Sở Nội vụ chủ trì soạn thảo. Hội nghị nhất trí với chủ trương của Ðảng và Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã và hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thôn, bản, tổ dân phố. Việc thực hiện đề án này thực sự cần thiết, phù hợp với Nghị quyết số 39 - NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18 - NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu quản lý hiện nay. Tuy nhiên, các ý kiến tại hội nghị cũng chỉ ra một số vấn đề còn thiếu sót và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đề án tiếp thu, như: Cần nêu rõ phạm vi diện tích đối với những thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập có quy mô diện tích và dân số rất lớn (tổ dân phố 2, phường Thanh Bình có 278 hộ; tổ dân phố 5, phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) có 264 hộ mà mỗi tổ dân phố này chỉ có 1 hội trường nhà văn hóa - nơi diễn ra hội họp phố chỉ 70m2). Nhưng lại có những thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập thì số hộ vẫn thấp, chưa đạt tiêu chuẩn tối thiểu theo Thông tư số 14 của Bộ Nội vụ (bản Chùa Sấu, xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng) chỉ có 33/150 hộ; phường Sông Ðà, TX. Mường Lay (tổ dân phố 2 chỉ có 50/200 hộ; tổ dân phố 1 chỉ có 64/200 hộ…). Hội nghị cũng chỉ ra một số bất cập trong dự thảo đó là những đơn vị sáp nhập có quy mô dân số lớn thì nhà văn hóa - nơi sinh hoạt cộng đồng hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, cần nêu rõ giải pháp khắc phục trong vấn đề nhà văn hóa cho thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập. Hay việc thống kê, viết tên của một số dân tộc thiểu số (Choang, Trại, Cao Lan, Nhắng…) sinh sống ở các thôn, tổ dân phố trong dự thảo của đề án cần chính xác, theo đúng tên gọi chính thức tại lãnh thổ Việt Nam.

Phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; chỉ riêng trong quý III/2019, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tham gia ý kiến vào 31 dự thảo Luật và văn bản của tỉnh. Phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan liên quan phát huy vai trò giám sát và vận động nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết của HÐND, quyết định của UBND các cấp; hoạt động của cơ quan Nhà nước; đại biểu dân cử, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân... Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức 1 cuộc giám sát thực hiện chế độ, chính sách cho Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ hòa giải ở cơ sở. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện chủ trì giám sát 3 cuộc và phối hợp giám sát 13 cuộc liên quan đến những vấn đề an sinh xã hội, chế độ chính sách; thực hiện việc thu, quản lý và sử dụng các loại quỹ, các khoản ủng hộ do nhân dân đóng góp trên địa bàn… tạo sự đồng tình ủng hộ cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Bài, ảnh: Gia Kiệt

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/172605/phat-huy-vai-tro-giam-sat-phan-bien-xa-hoi