Phát huy vai trò nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

Nhiều mô hình, cách làm mới được triển khai, hội viên tích cực tham gia giữ vững chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là kết quả từ việc đổi mới các nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân huyện Bảo Lạc nhằm nâng cao trình độ, đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, phát huy vai trò trung tâm của nông dân trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Lạc Nguyễn Trung Hiếu cho biết: Dân cư nông thôn của huyện có 11.302 hộ, 55.583 nhân khẩu, trong đó, hội viên, nông dân, chiếm 80,4% số hộ nông nghiệp với 9.089 hội viên. Đại đa số nông dân biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề, dịch vụ; nhiều hộ nông dân tích lũy được kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng, số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, mô hình kinh tế hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều, có tác dụng lan tỏa.

Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được các cấp Hội đẩy mạnh. Hoạt động tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt xóm, sinh hoạt chi hội, lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân… Tăng cường chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh cho hội viên. 9 tháng năm 2024, các cấp Hội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện… tổ chức 23 lớp chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lê, mận, gai xanh, quế, kỹ thuật chăm sóc bò cái sinh sản và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi với 1.246 người tham gia; mở 1 lớp bồi dưỡng cho hộ sản xuất, kinh doanh giỏi về phát triển kinh tế, sáng tạo và kiến thức về nông nghiệp. Triển khai các mô hình trồng thử nghiệm giống lúa Việt Lai 20 tại xã Hồng Trị, năng suất đạt 59,4 tạ/ha; mô hình nuôi lợn đực giống tại xã Bảo Toàn; trồng thử nghiệm 2 giống lúa Tuấn ưu 6292 và An nông 1424 tại thị trấn Bảo Lạc... đạt hiệu quả cao.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Bảo Lạc trao tặng bò cái sinh sản từ nguồn vốn xã hội hóa cho hội viên nghèo.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Bảo Lạc trao tặng bò cái sinh sản từ nguồn vốn xã hội hóa cho hội viên nghèo.

Hội đẩy mạnh tuyên truyền nhân rộng cây trồng có giá trị kinh tế cao như hồi, quế, dâu tằm gắn với nghề chăn nuôi tằm; đến nay diện tích trồng dâu tằm trên địa bàn huyện trên 524 ha. Nhằm giúp hội viên nông dân phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã về sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh phù hợp với khả năng, điều kiện sản xuất của hội viên, nông dân, Hội thành lập 4 chi hội nông dân nghề nghiệp, 5 tổ hội nông dân nghề nghiệp và 5 tổ hợp tác. Hiện nay, tại huyện có 1 mô hình về sản xuất, phát triển kinh tế liên kết giữa hợp tác xã thu mua, sản xuất và trồng dâu nuôi tằm được nhiều nông dân hưởng ứng. Để hỗ trợ quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản, Hội tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, nông dân đăng ký 165 tài khoản mua bán trên sàn thương mại điện tử POSTMART, qua đó người dân có thể bán sản phẩm đặc sản vùng, miền, các sản phẩm OCOP của địa phương trên sàn thương mại điện tử.

Quỹ “Hỗ trợ nông dân” cùng với các nguồn vốn khác giúp nông dân thực hiện phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi hiệu quả. Hiện nay, Hội Nông dân huyện quản lý trên 5,9 tỷ đồng Quỹ “Hỗ trợ nông dân”; toàn huyện đang thực hiện 25 mô hình, dự án (chăn nuôi bò vỗ béo, trồng cây hồi, chăn nuôi tằm, nuôi lợn thịt…). Ngoài ra, 2.374 hộ vay Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 131,6 tỷ đồng; 100 hộ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên 2,8 tỷ đồng đầu tư sản xuất, phát triển chăn nuôi. Các hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích và phát huy hiệu quả, qua đó, tạo động lực cho phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, năm 2024, có 1.324 hộ đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 126% kế hoạch tỉnh giao.

Từ việc tích cực vận động chuyển dịch cơ cấu cây trồng và chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường chuyển giao kỹ thuật, đời sống nông dân ngày càng được cải thiện; phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển sâu rộng. Ngoài những mô hình quy ước, hương ước tại xóm, bản như trong việc cưới, tang…, nhiều mô hình tự quản được thành lập mới. Hiện có 8 mô hình có sự tham gia của hội viên Hội Nông dân gồm: mô hình “1+2”, “1+3” tại 17/17 xã, thị trấn; mô hình “Camera giám sát an ninh trật tự” tại các xã: Hồng Trị, Kim Cúc, Hưng Thịnh, Hưng Đạo, Huy Giáp, Đình Phùng; mô hình “Liên gia tự quản” tại thị trấn Bảo Lạc; mô hình “Khúc sông, suối tự quản” tại xã Đình Phùng, Huy Giáp, Hưng Thịnh, Hồng Trị; mô hình “Xóm lành mạnh, không tệ nạn ma túy” tại xã Khánh Xuân; mô hình “Liên kết bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào tôn giáo” phối hợp giữa xã Đình Phùng (Bảo Lạc) và xã Yên Lạc (Nguyên Bình); mô hình “Liên gia tự quản và dòng họ tự quản” tại xóm Khau Ho, xã Sơn Lập; mô hình “Làng du lịch cộng đồng tự quản về an ninh trật tự”.

Dạ Đăng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/phat-huy-vai-tro-nong-dan-trong-phat-trien-nong-nghiep-xay-dung-nong-thon-moi-3172799.html