Phát huy vai trò trung tâm động lực phát triển vùng

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố đã ban hành, triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng ĐBSCL và liên vùng. Đây là cơ sở để Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm động lực phát triển vùng và đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.

Huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

Giai đoạn 2021 - 2023, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan tập trung chỉ đạo, ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng có tính chất kết nối liên vùng qua địa bàn thành phố Cần Thơ như: Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2; dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang; nâng cấp, mở rộng đường Nam sông Hậu; hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; nâng cấp cảng hàng không quốc tế Cần Thơ…

Cần Thơ sẽ tiếp tục phát huy đồng bộ các yếu tố tiềm năng, lợi thế của thành phố, của vùng đồng bằng sông Cửu Long để phát triển nhanh và bền vững

Cần Thơ sẽ tiếp tục phát huy đồng bộ các yếu tố tiềm năng, lợi thế của thành phố, của vùng đồng bằng sông Cửu Long để phát triển nhanh và bền vững

Bên cạnh đó, thành phố đã tập trung triển khai thủ tục đầu tư, huy động nhiều nguồn lực để thực hiện các dự án giao thông đường bộ như: Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ; dự án đường Vành đai phía Tây (nối Quốc lộ 91 với Quốc lộ 61C); dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 923, 917, 918, 921; dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91 (từ Km0 - Km7); nâng cấp các trục đường nội ô, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nghẹt cục bộ, nâng tải trọng các cầu để đồng bộ với tải trọng đường, chủ động kết nối với các trục đường quan trọng do Trung ương đầu tư, tăng kết nối vùng,…

Để huy động được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển, thành phố quan tâm xây dựng, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư với định hướng thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, an toàn và thân thiện; chuyển từ tư duy tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sang hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng của địa phương đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua nhiều kênh khác nhau. Song song đó, thành phố chủ động tăng cường các hoạt động đối ngoại, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thành phố đã ký kết 10 bản ghi nhớ với các đối tác nước ngoài trên các lĩnh vực giáo dục, xây dựng, công nghệ, môi trường, kinh tế - xã hội.

Nhờ đó, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt hơn 80.440 tỷ đồng, tăng bình quân 14,3%/năm (Nghị quyết nhiệm kỳ tăng bình quân 10 - 12,5%/năm). Nguồn vốn đầu tư được huy động, khai thác mạnh mẽ, đa dạng về hình thức đã tạo điều kiện thay đổi nhanh chóng diện mạo đô thị trung tâm vùng ĐBSCL; tăng tỷ trọng đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, hợp tác công tư để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông, sân bay, bến cảng, các công trình văn hóa - thể thao, y tế, giáo dục - đào tạo, nông thôn mới… tăng tính liên kết vùng, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải thông suốt từ TP. Cần Thơ đi các tỉnh vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và các vùng miền trong cả nước.

Tăng cường vai trò trung tâm liên kết vùng

Với mục tiêu xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị sông nước, sinh thái, văn minh và hiện đại; đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL, thời gian qua thành phố đã tập trung thực hiện công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị được triển khai trên cơ sở phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của thành phố và vùng ĐBSCL. Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được triển khai xây dựng trên cơ sở bám sát nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển thành phố Cần Thơ, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long; đến nay, thành phố đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện tốt Quy hoạch ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng với việc triển khai lập Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thành phố đã tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng ĐBSCL thực hiện nhiều hoạt động hợp tác phát triển, tăng cường tính liên kết vùng ĐBSCL như: xây dựng quy hoạch cấp vùng, quy hoạch thành phố theo quy định của Luật Quy hoạch; xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu Vùng Kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL; xác định danh mục dự án trọng điểm của vùng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông và thủy lợi liên vùng; xây dựng các chương trình, dự án của tiểu vùng liên quan đến biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước; ký kết các chương trình liên kết, hợp tác giữa TP. Cần Thơ với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2025…

Các lĩnh vực liên kết, hợp tác tập trung chủ yếu vào: phát triển hạ tầng giao thông, phát triển du lịch, kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, văn hóa, giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tài nguyên, môi trường... Thông qua các chương trình, kế hoạch hợp tác đã ký, Cần Thơ ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò đô thị trung tâm liên kết vùng ĐBSCL trong giai đoạn phát triển mới.

Bài và ảnh: Hiền Dung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/phat-huy-vai-tro-trung-tam-dong-luc-phat-trien-vung-i345735/