Phạt nguội và đăng kiểm

Lâu nay chúng ta đã quen với việc chủ của các phương tiện giao thông, mỗi khi mang phương tiện đi đăng kiểm đều không thể không thực hiện một thủ tục, là kiểm tra lỗi phạt nguội. Tuy nhiên, về nguyên tắc, chủ thể vi phạm luật giao thông không phải phương tiện, mà là người điều khiển phương tiện.

Vậy thì việc đồng nhất nghĩa vụ đăng kiểm phương tiện với xử phạt vi phạm hành chính có đúng không?

Có một chủ đề tôi thấy trên các diễn đàn mạng xã hội liên quan đến ô tô được các thành viên trao đổi rất nhiều, đó là việc chủ phương tiện bị từ chối đăng kiểm vì lỗi “phạt nguội”. Cứ gần đến kỳ đăng kiểm, nhiều tài xế lo lắng vì không biết phương tiện của mình có nằm trong danh sách phạt nguội hay không?

Về bản chất, việc “phạt nguội” được hiểu là khi cơ quan chức năng trong lĩnh vực giao thông vận tải phát hiện ra vi phạm hành chính và không dừng ngay được phương tiện để xử lí vi phạm, thì có thể xử phạt thông qua bằng chứng từ các phương tiện kỹ thuật phát hiện ra vi phạm.

Ở đây tôi thấy có hai điều bất cập.

Thứ nhất, theo quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 số 15/2012/QH13 và bản sửa đổi là Luật số 67/2020/QH14, đã đề cập rất rõ rằng, vi phạm hành chính là hành vi của tập thể (hay cá nhân) thực hiện hành vi vi phạm của pháp luật mà chưa đến mức phải xử lý hình sự thì sẽ xử phạt vi phạm hành chính.

Trong luật này cũng quy định, người thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính phải có trách nhiệm chứng mình một tập thể (hay cá nhân) có hành vi vi phạm hành chính. Ví dụ qua camera, qua phương tiện kỹ thuật… cơ quan chức năng (cơ quan quản lý đường bộ, CSGT…) phát hiện người điều khiển phương tiện có dấu hiệu vi phạm các nguyên tắc về trật tự an toàn giao thông, thì mới có thể xử phạt.

Nhưng trong trường hợp đó, cơ quan chức năng sẽ xử phạt ai? Không phải xử phạt phương tiện, cũng không phải xử phạt chủ phương tiện, mà chính xác là phải xử phạt người điều khiển phương tiện.

Còn trong Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng nói rõ: cơ quan chức năng tiến hành xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm chứng minh một người cụ thể nào đó có hành vi vi phạm hành chính.

Việc phát hiện này, nếu qua camera, qua phương tiện kỹ thuật… thực tế cũng không có nghĩa là đã đầy đủ. Vì việc của cơ quan chức năng, của người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải chứng minh một người cụ thể nào đó vi phạm (ví dụ người vi phạm chính là người đang điều khiển phương tiện).

Thứ hai, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định thuộc Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không hề đề cập biện pháp nào liên quan đến việc hạn chế chủ phương tiện sử dụng dịch vụ đăng kiểm.

Rõ ràng, việc ngăn cấm chủ phương tiện đi đăng kiểm là một điểm “vênh” trong các quy định pháp luật. Đồng thời, đây không phải là một biện pháp hoàn toàn phù hợp với pháp luật.

Nhưng cũng có một điểm đáng mừng là trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, Bộ Công an đã quy định rõ ràng hơn với Điều 46, quy định về thủ tục xử phạt đối với người điều khiển phương tiện đã đề cập việc ai được coi là chủ phương tiện.

Nếu trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng các phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ (phạt nguội), thì cơ quan chức năng phải gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân vi phạm đến trụ sở làm việc để giải quyết và họ có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.

Chỉ trong trường hợp chủ phương tiện (là cá nhân hoặc tổ chức) không hợp tác, không giải trình để xác định người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm, thì lúc đó việc xử phạt mới được áp dụng.

Tôi hi vọng, với quy định như vậy, chúng ta sẽ không còn e ngại và lo lắng phương tiện bị từ chối đăng kiểm vì lỗi “phạt nguội” hoặc lo lắng vì không biết phương tiện của mình có nằm trong danh sách phạt nguội hay không.

Phạm Quang Vinh/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phat-nguoi-va-dang-kiem-post1128431.vov