Phát thanh tiếng Lào trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (12/10/1954- 12/10/2024): 70 năm vun đắp tình hữu nghị đặc biệt

Hòa bình lập lại trên miền Bắc Việt Nam, vào ngày 12/10/1954, Chương trình phát thanh tiếng Lào chính thức được đưa lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Tròn 70 năm, chương trình đã góp phần quan trọng vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào.

Trong những trang viết về lịch sử của phát thanh đối ngoại, khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, trong hành trang phát thanh Đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) có thêm buổi phát thanh tiếng Lào.

 Chương trình tiếng Lào thuộc Ban Đối ngoại (VOV5) Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chương trình tiếng Lào thuộc Ban Đối ngoại (VOV5) Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sau khi chương trình được phát sóng một thời gian, dần dần đội ngũ những người làm phát thanh tiếng Lào được bổ sung thêm các cán bộ là Việt kiều. Trong thời chiến, các cán bộ vẫn luôn giữ vững sóng phát thanh, ngày đêm kịp thời đưa tin chiến thắng của hai miền Nam-Bắc Việt Nam, của cách mạng Lào cũng như dư luận nhân dân thế giới ủng hộ cách mạng của hai nước.

Nhớ lại những buổi phát sóng đầu tiên, ông Phạm Đình Quế, nguyên Trưởng Phòng tiếng Lào cho biết: "Trước đây thính giả Lào hay theo dõi đài lắm. Vì thời điểm đó không còn đài nào hơn đài Việt Nam hết, cả đài Pathet Lào cũng do Việt nam đào tạo. Mà sóng của họ phát cũng phát từ Việt Nam nhưng yếu không đi xa được. Sóng Việt Nam đi xa hơn và rõ hơn. Vào thời điểm đó, chương trình phát thanh tiếng Lào về thông tin bắn rơi máy bay địch là rất cần thiết cho người Lào. Vì hai nước chung một chiến trường, tin vui của Việt Nam cũng là tin vui của Lào. Đó là nguồn động viên đối với Lào, giúp khơi dậy cái tinh thần đấu tranh của cả hai dân tộc".

Ông Vũ Hải, nguyên Phó Tổng Giám đốc VOV, nguyên Trưởng Ban Đối ngoại cho biết, chương trình tiếng Lào là một trong những chương trình ra đời sớm ở VOV sau các chương trình tiếng Anh, tiếng Pháp thời kỳ đầu. Ông nhấn mạnh sự cần thiết về sự ra đời của chương trình: "Quan hệ giữa Việt Nam và Lào là quan hệ hữu nghị đặc biệt được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thân Xuphanuvong và Chủ tịch Kaysone Phomvihan cùng các thế hệ sau này đã dày công vun đắp. Quan hệ đó không những là quan hệ đối tác, chiến lược toàn diện mà còn thể hiện là hai dân tộc Lào - Việt sống với nhau như là anh em, như nhiều đồng chí lãnh đạo nói: “Việc giúp đỡ bạn như là giúp đỡ chính mình”.

Tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, cán bộ, phóng viên Chương trình phát thanh tiếng Lào hiện nay ngày càng năng động, sáng tạo. Hiện tất cả các thành viên trong Chương trình đều được đào tạo tại Đại học Quốc gia Lào. Nhiều người còn tốt nghiệp chuyên ngành báo chí và được bồi dưỡng về nghiệp vụ phát thanh hiện đại, tiếp cận nhanh công nghệ mới. Nhờ vậy, trình độ biên tập, biên dịch được nâng cao.

 Chị Nguyễn Thị Xuyến (thứ hai từ phải sang), biên tập viên Ban Đối ngoại Đài Tiếng nói Việt Nam là người phiên dịch tiếng Lào tại cuộc gặp mặt giữa Hội LHPN tỉnh Bắc Giang và Hội LHPN tỉnh Xay Sổm Bun (Lào) diễn ra tại Bắc Giang.

Chị Nguyễn Thị Xuyến (thứ hai từ phải sang), biên tập viên Ban Đối ngoại Đài Tiếng nói Việt Nam là người phiên dịch tiếng Lào tại cuộc gặp mặt giữa Hội LHPN tỉnh Bắc Giang và Hội LHPN tỉnh Xay Sổm Bun (Lào) diễn ra tại Bắc Giang.

Anh Bùi Thành Nam, một phóng viên trẻ của chương trình cho biết: "Từ khi làm việc tại chương trình tiếng Lào cho đến nay, tôi đã học được rất nhiều, không chỉ về kỹ năng chuyên môn như: Dịch thuật, phát thanh, biên tập, viết bài… mà còn hiểu thêm về mối quan hệ giữa hai nước, hiểu được giá trị của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào mà những thế hệ đi trước đã vun đắp. Bây giờ, tôi cảm thấy rất tự hào khi có thể đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào việc giữ gìn, vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam".

Ông Văn Xay Tạ Vin Nhan, Phó Trưởng Ban Tuyên huấn, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Phó Tổng Giám đốc đài Phát thanh Quốc gia Lào chia sẻ: "Hiện nay, Báo Paxaxon của Lào vẫn sử dụng những tin tức của VOV để thông tin đến người dân về các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là những đường lối đổi mới, các kỳ đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, về mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào qua từng giai đoạn”.

Ngoài chương trình bình thường thì Đài cũng có những chương trình riêng biệt cho thính giả Lào đó là chương trình nói chuyện với bạn Lào. Chương trình này nhận được sự quan tâm rất nhiều của thính giả. Họ quan tâm đến tình hình chính trị của Việt Nam và những điểm mới của chương trình".

"Về định hướng sắp tới của chương trình, các thứ tiếng của khối ASEAN vẫn luôn luôn được đánh giá cao vì vị trí địa lý rất gần gũi với Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng là một thành viên tích cực trong khối ASEAN. Chính vì thế mà Chương trình tiếng Lào vẫn sẽ giữ một vai trò quan trọng trong 13 thứ tiếng của Ban Đối ngoại. Bên cạnh công tác chuyên môn, chương trình tiếng Lào cần bảo đảm giữ vững được những dịch thuật rất tốt để đưa được quan điểm, tiếng nói của Đảng và Nhà nước đến với nước bạn Lào, cũng như trên thế giới, khu vực Đông Nam Á".

Qua nhiều thế hệ, những người làm chương trình phát thanh tiếng Lào hôm nay luôn khắc ghi lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việt-Lào hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà- Cửu Long”, tiếp tục nỗ lực xây đắp cho tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam- Lào.

Chương trình tiếng Lào xác định đã và sẽ tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của VOV nói chung, cũng như VOV5 nói riêng, trong truyền thông đối ngoại, tiếp tục nối dài nhịp cầu hữu nghị Việt Nam-Lào.

Tuấn Minh (tổng hợp)

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/phat-thanh-tieng-lao-tren-song-dai-tieng-noi-viet-nam-12-10-1954-12-10-2024-70-nam-vun-dap-tinh-huu-nghi-dac-biet-151032.bbg