Phát triển bảo hiểm y tế bền vững

Đến tháng 6-2019, cả nước có 89,6% số dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QÐ-TTg (đến năm 2019 có 88,1% số dân tham gia BHYT). Ðáng chú ý, nhiều quốc gia có điều kiện kinh tế, xã hội tương đồng Việt Nam dù có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa đạt được tỷ lệ bao phủ BHYT như nước ta.

Hiện nay, việc tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT ngày càng thuận lợi, nhất là từ năm 2016, người có thẻ BHYT khi khám, chữa bệnh trái tuyến tại các cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện trong tỉnh và bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc được hưởng quyền lợi như khám, chữa bệnh đúng tuyến. Cùng với đó, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao khi ngành y tế triển khai nhiều biện pháp tích cực như: cải cách thủ tục khám, chữa bệnh để giảm phiền hà cho người bệnh; lấy người bệnh làm trung tâm; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá bệnh viện hằng năm; ban hành Chương trình hành động quốc gia nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám, chữa bệnh… Từ năm 2019, quỹ BHYT đã chi trả thuốc kháng vi-rút ARV cho người nhiễm HIV/AIDS, góp phần bảo đảm cung cấp thuốc điều trị thường xuyên cho nhóm đối tượng này.

BHYT cũng đã tạo ra nguồn tài chính công quan trọng cho việc khám, chữa bệnh. Hiện, nguồn chi từ quỹ BHYT trở thành nguồn thu chủ yếu của các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến huyện (hơn 80%), góp phần nâng cao chất lượng dich vụ y tế ở các tuyến và giảm chi tiêu tiền túi từ hộ gia đình.

Kết quả đạt được là nhờ nước ta đã từng bước hoàn thiện các quy định của pháp luật về BHYT; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tin tưởng của người dân vào chính sách BHYT. Tuy nhiên, hiện chính sách BHYT đang đứng trước không ít thách thức. Vẫn còn gần 11% số dân (tương đương 10 triệu người) chưa tham gia BHYT, chủ yếu là đối tượng thuộc nhóm tham gia theo hộ gia đình, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình, người lao động trong một số doanh nghiệp tư nhân và sinh viên. Việc tổ chức khám, chữa bệnh BHYT tại các trạm y tế xã chưa phát huy hiệu quả ban đầu cho người có thẻ BHYT. Tình trạng người bệnh vượt tuyến lên tuyến tỉnh, Trung ương còn khá phổ biến dẫn đến chi phí phải bỏ thêm từ tiền túi của người bệnh còn cao. Tình trạng bội chi quỹ BHYT vẫn tăng, nguồn kết dư quỹ BHYT từ các năm trước đang cạn dần. Công tác giám định BHYT còn hạn chế, có sự thiếu thống nhất trong đánh giá sự hợp lý của các chỉ định...

Nghị quyết số 20/NQ-TW đã nêu rõ hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân, đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 95% số dân tham gia BHYT; trong đó chi trực tiếp từ hộ gia đình cho y tế là 35%; đến năm 2030 tỷ lệ tham gia BHYT hơn 95%, trong đó chi trực tiếp từ hộ gia đình cho y tế là 30%. Ðể thực hiện thắng lợi mục tiêu nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục các hạn chế, yếu kém nêu trên. Cần điều chỉnh mức đóng BHYT phù hợp điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ; đa dạng các gói BHYT đáp ứng nhu cầu người dân. Thực hiện các giải pháp chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối quỹ BHYT và quyền lợi của người tham gia BHYT, cơ sở y tế. Mặt khác, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải tiến mạnh mẽ quy trình khám, chữa bệnh BHYT để thuận tiện cho người bệnh và nhân viên y tế. Việc giám định BHYT cần tránh ảnh hưởng hoạt động chuyên môn và công tác quản lý của cơ sở y tế và quyền lợi của người tham gia BHYT.

Bên cạnh đó, cần xác định công tác tuyên truyền là khâu đột phá, được tiến hành thường xuyên. Cần tập trung tuyên truyền tới các nhóm đối tượng chưa tham gia BHYT; tạo sự đồng thuận, ý thức trách nhiệm tham gia BHYT trong mỗi gia đình, cộng đồng dân cư.

HÀ LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/40712902-phat-trien-bao-hiem-y-te-ben-vung.html