Phát triển bền vững: Cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính xanh
Phát triển bền vững không chỉ mở ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính xanh mà còn giúp nâng cao cơ hội cạnh tranh.
Hiện thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: Thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh. Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu xanh. Trên thị trường có các sản phẩm trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các dự án/công trình “xanh” như: Thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió, năng lượng mặt trời.
Để khuyến khích thị trường trái phiếu xanh phát triển, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ của trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán…
Tuy nhiên, tại Diễn đàn ACCA châu Á – Thái Bình Dương do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức trong 2 ngày (28-29/5), nhiều ý kiến cho rằng, có nhiều tiềm năng phát triển tài chính xanh, nhưng thực tế, theo bà Helen Brand – Giám đốc Điều hành ACCA, tài chính xanh ở Việt Nam vẫn còn khá thấp. Để đẩy mạnh tài chính xanh tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu. Bởi doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ tạo ra sức hút với nhà đầu tư.
Tại một sự kiện về ESG diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong hành trình tăng trưởng xanh, ESG là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp. Sau đại dịch Covid-19, nhóm cổ phiếu ESG liên tục tăng trưởng tốt.
Thực tế đã chứng minh, doanh nghiệp nào dám chi tiền đầu tư cho ESG, thực hành hiệu quả sẽ dễ dàng lọt vào ‘tầm ngắm’ của đối tác trong và ngoài nước trong các hoạt động thương mại, kinh doanh và thu hút vốn đầu tư.
Chia sẻ câu chuyện về việc thực hành phát triển bền vững thông qua ESG cụ thể tại doanh nghiệp, bà Claudia Anselmi - Tổng giám đốc Công ty May và Nhuộm Hưng Yên, đồng thời là Phó chủ tịch EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam) cho biết, doanh nghiệp phải chuyển đổi xanh và số để có thể cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, khi sản phẩm của công ty tập trung vào việc xuất khẩu và sức ép cạnh tranh là rất lớn.
Bên cạnh đó, để có vị trí nhất định trong chuỗi cung ứng, các tiêu chuẩn bền vững cũng là yếu tố phải thực tế. “Đây là yêu cầu bắt buộc chúng tôi phải chuyển hướng tới quá trình chuyển đối xanh và chuyển đổi số. Nếu không làm như vậy, chúng tôi có nguy cơ phải ra khỏi thị trường”, bà Claudia Anselmi cho biết thêm.
Tuy nhiên, cũng có những trở ngại khi thực hành ESG và các chiến lược phát triển bền vững. Bà Claudia Anselmi cho biết, trở ngại đầu tiên liên quan tới kiến thức, sự hiểu biết. Đây là vấn đề rất mới, không phải doanh nghiệp nào cũng có nguồn lực và nhân sự có chuyên môn về vấn đề này.
Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ban đầu quá cao. Việc thực hành ESG đòi hỏi phải đầu tư vào máy móc, công nghệ, thiết bị năng lượng… Tất cả đều là các hệ thống phức tạp, đòi hỏi nhiều vốn, phải tính toán tỷ lệ hoàn vốn đầu tư, mất nhiều thời gian trước khi đi vào vận hành…
Ngoài ra, tiếp cận nguồn vốn tài chính xanh. Tại Việt Nam, dòng vốn tín dụng xanh chỉ mới chiếm khoảng 4 - 5% vốn tín dụng toàn thị trường, là con số rất thấp. Đây là thách thức với doanh nghiệp, bởi vốn chính là yếu tố tiên quyết với các quyết định đầu tư - kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp. Trước những cơ hội và thách thức, doanh nghiệp không thể tự mình thực hiện. Vì vậy, bà Claudia Anselmi cho rằng, cần sự vận hành của toàn bộ hệ thống, từ tài chính kế toán tới quy định pháp lý.
Thực tế, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nỗ lực hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế như kết hợp với USAID công bố doanh nghiệp thực hành ESG. Trong 2 năm triển khai đã tăng cường nhận thức cho khoảng 10.000 doanh nghiệp, sàng lọc 300 doanh nghiệp để hỗ trợ nâng cao năng lực, kiểm kê khí nhà kính, xây dựng lộ trình chuyển đổi mô hình kinh doanh thông thường sang kinh doanh bền vững.
Tuy nhiên, cái khó là doanh nghiệp không có nguồn lực. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần một chương trình toàn diện, bao gồm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hỗ trợ họ tiếp cận với các nhà đầu tư ESG và tác động, xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho doanh nghiệp và tổ chức tài chính, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện ESG đúng cách.