Phát triển bền vững: Hướng đi lâu dài tạo giá trị cho doanh nghiệp
Khi con người đối diện với những hậu quả từ việc bất chấp tất cả để phát triển kinh tế, vấn đề phát triển kinh tế bền vững lại liên tục được 'hâm nóng', gần đây nhất là tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững (PTBV) 2019.
Theo đuổi PTBV: Nói dễ, hành động khó
PTBV là vấn đề được đề cập rất nhiều trong các chương trình phát triển quốc gia, đặc biệt là trong Hội nghị toàn quốc về PTBV vừa qua. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp thực hiện chưa tới hoặc chỉ xem đó là “khẩu hiệu” chung chung. Có thể kể đến sự hạn chế về nguồn vốn, trình độ công nghệ, tầm nhìn, sự quyết tâm của doanh nghiệp mang tính chi phối.
Khi PTBV, doanh nghiệp phải đầu tư thời gian, công sức, nguồn lực vào các mục tiêu phi tài chính liên quan đến môi trường và xã hội. Điều này hiển nhiên phần nào đòi hỏi mức độ đầu tư nhất định. Tuy nhiên, tại Hội nghị toàn quốc về PTBV, ông Patrick Chung, Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man, một trong những công ty giấy vốn ngoại lớn nhất tại Việt Nam cho biết: “Nếu phải cân đong quá nhiều vấn đề lợi nhuận – tăng trưởng thay vì hướng đến sự phát triển lâu bền, doanh nghiệp khó lòng theo đuổi mục tiêu PTBV đúng nghĩa".
Kinh tế tuần hoàn – Lời giải cho mục tiêu PTBV
Trong suốt một thời gian dài của các ngành công nghiệp sản xuất, nhân loại đã tư duy việc sản xuất theo hệ thống tuyến tính: Khai thác, sản xuất, kết thúc vòng đời sản phẩm rồi trả về môi trường. Hoạt động sản xuất vì thế không bền vững, chất thải trở thành vấn nạn. Chính vì thế, kinh tế tuần hoàn ra đời như một xu thế tất yếu với mục đích nhằm tái sử dụng nguyên liệu, phục vụ sản xuất sản phẩm mới, giảm lượng rác thải ra môi trường.
Là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, sản xuất giấy không thể nằm ngoài xu thế đó, nếu không nói là cần tiên phong xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất. Thực tế cho thấy, tái chế giấy là lĩnh vực có sự phù hợp tự nhiên với mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do đó, tại nhiều doanh nghiệp, tỉ lệ tận dụng nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng dần có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, con số này lên đến hơn 95% tại doanh nghiệp giấy Lee & Man Việt Nam.
Doanh nghiệp nên thực hiện ở mức nào?
Thực tế, doanh nghiệp không nhất thiết triển khai hết 17 mục tiêu PTBV, mà có thể chọn lựa những mục tiêu phù hợp và mang lại hiệu quả cao. Chẳng hạn như ở phạm vi một doanh nghiệp sản xuất giấy, Lee & Man sử dụng nguồn tài nguyên một cách có trách nhiệm bằng cách áp dụng kinh tế tuần hoàn, sử dụng nguyên liệu đầu vào là giấy tái chế (hơn 95%). Tuy nhiên, tái chế vẫn là chưa đủ. Ông Patrick Chung, Tổng giám đốc của Lee & Man Việt Nam, cho rằng cần quan tâm thêm cả khâu xử lý chất thải, đảm bảo an toàn khi phát thải ra môi trường.
Từng đứng trước thách thức về môi trường trong những ngày đầu vận hành nhà máy tại Hậu Giang, Lee & Man đã từng bước tự điều chỉnh, xem xét và cẩn trọng trong khâu sản xuất, xử lý chất thải... Trong năm 2019, công ty đã nhập một đợt máy mới trị giá khoảng 20 tỷ đồng và chi phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải hơn 6,7 tỷ đồng để đầu tư vào công nghệ xử lý nước thải, khí thải tiên tiến với hệ thống quan trắc hoạt động 24/24, đồng thời liên tục cải tiến công nghệ xử lý mùi, gia cố hệ thống tường rào cho quy trình xử lý nước thải để xây dựng một nhà máy kiên cố và hiện đại hơn, đặc biệt đảm bảo mùi hôi không phát sinh ra môi trường.
Theo đuổi mục tiêu PTBV, doanh nghiệp phải đầu tư khá nhiều, có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tuy nhiên, doanh nghiệp không chỉ tạo ra sản phẩm mà còn có trách nhiệm tạo ra những giá trị trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, quan tâm đến cộng đồng, và PTBV chính là con đường đúng đắn để tạo ra các giá trị đó.