Phát triển bền vững - Mục tiêu và hành động
Ngày 12/9 tới đây, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững (PTBV), với chủ đề 'Vì một thập niên phát triển bền vững hơn'.
Thực ra, PTBV là câu chuyện của toàn cầu, được đặt ra từ năm 1980 của thế kỷ trước. Năm 1992, tại Rio de Janeiro (Brasil), các đại biểu tham gia Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên Hợp quốc đã xác nhận lại khái niệm này và đã gửi đi một thông điệp rõ ràng tới tất cả các cấp của các chính phủ về sự cấp bách trong việc đẩy mạnh sự hòa hợp kinh tế, phát triển xã hội cùng với bảo vệ môi trường.
PTBV hiện đang là mục tiêu hướng tới nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi quốc gia sẽ dựa theo đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, văn hóa... riêng để hoạch định chiến lược phù hợp nhất với quốc gia đó.
Với tư cách là quốc gia có trách nhiệm với các cam kết quốc tế và trước hết vì sự PTBV của đất nước, trong các Nghị quyết Đại hội Đảng, các bộ luật, luật, chiến lược, quy hoạch... của đất nước, của các ngành, lĩnh vực đều nhắc đến PTBV.
Năm 2012 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 432/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Mục tiêu tổng quát được xác định là: “Tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến độ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”.
Như vậy là Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến PTBV. Có một nghịch lý là những điều làm được, không phải ai cũng nhận ra; nhưng những điều chưa làm được thì rất dễ đánh giá. Ví dụ: Các nguồn lực của đất nước đang sử dụng một cách rất lãng phí (nhất là đất đai); văn hóa, đạo đức trong xã hội tiếp tục có những biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng; ô nhiễm, suy thoái môi trường, rừng tiếp tục bị tàn phá, đa dạng sinh học đã và đang bị phá vỡ...
Điều này phản ánh, hệ thống thể chế PTBV còn chưa đồng bộ; quản trị quốc gia đối với PTBV còn chưa đáp ứng yêu cầu, tìm kiếm nguồn lực tài chính cho PTBV gặp nhiều khó khăn; nhận thức và trách nhiệm công dân đối với PTBV ở trình độ rất thấp.... Nhiều vấn đề có thể dễ thấy, là việc xử lý các dòng sông ô nhiễm như sông Tô Lịch ở Hà Nội cũng phải nhờ đến các chuyên gia Nhật. Nói thế để thấy, vai trò và tác động của khoa học và công nghệ trong thực hiện PTBV còn ở mức quá “khiêm tốn”.
Chắc chắn, sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ có những quyết sách mới; bởi bản thân Quyết định 432/QĐ-TTg cũng chỉ đề ra mục tiêu đến năm 2020. Dù là quyết sách nào thì rõ ràng “nghị quyết một, quyết tâm mười, hành động phải hai mươi” luôn đúng. Câu chuyện hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, bảo đảm sự “thượng tôn pháp luật” là những giá trị “cốt lõi” bảo đảm thực thi hiệu quả các mục tiêu PTBV của đất nước.