Phát triển bền vững ngành lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa
5 năm qua (2015-2020), ngành lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tạo nên những bước chuyển mình, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít khó khăn, thách thức mà các cấp, các ngành, đơn vị chức năng cần quan tâm giải quyết... thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành lâm nghiệp.
Rừng gỗ lớn tại thị trấn Bến Sung (huyện Như Thanh). Ảnh: Thùy Dương
Những kết quả đáng ghi nhận
Xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) là nhiệm vụ then chốt hàng đầu, vì vậy trong những năm qua ngành lâm nghiệp Thanh Hóa đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, thông qua các phương án, đề án, kế hoạch cụ thể. Cùng với quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2016-2025 là cơ sở để chủ động trong công tác QLBV&PTR, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp theo quy chế, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Bên cạnh đó, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt phát huy được vai trò kiểm tra, giám sát của HĐND, ủy ban kiểm tra cấp huyện, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị nên công tác QLBV&PTR, sử dụng rừng được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Mạng lưới kiểm lâm từ tỉnh đến huyện, xã đã tập trung tham mưu cụ thể hóa các chủ trương, chính sách để tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững như: chính sách giao đất, giao rừng, đến nay diện tích rừng có chủ thực sự đạt 92,22%. Chính sách tích tụ đất đai, phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các chủ rừng để đầu tư trồng rừng thâm canh gỗ lớn, gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh. Chính sách bảo tồn và phát triển bền vững cây quế ngọc. Chính sách khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số trồng và bảo vệ rừng. Chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu... Vì vậy, 5 năm qua đã cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 25.000 ha, diện tích rừng gỗ lớn 56.000 ha, luồng thâm canh 30.000 ha; quế 1.000 ha, khai thác dược liệu dưới tán rừng tự nhiên 94.550 ha... nâng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2020 ước đạt 1.866 tỷ đồng, tăng 374 tỷ đồng so với năm 2015.
Kiên định mục tiêu phát triển bền vững, Thanh Hóa đã tiến hành rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án có tác động đến diện tích, chất lượng rừng. Công tác bảo vệ rừng đã đi vào nền nếp, từng bước giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác, phá rừng, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; số vụ vi phạm, diện tích, khối lượng lâm sản thiệt hại giảm trung bình 11% năm; rừng tự nhiên không ngừng tăng cả về diện tích và trữ lượng, tăng trên 9.100 ha, trữ lượng gỗ tăng 632.000m3 (giai đoạn 2015-2020).
Trong 5 năm qua, khu vực miền núi không xảy ra cháy rừng, các vụ cháy chủ yếu ở các huyện đồng bằng, ven biển nhưng đều được phát hiện sớm, dập tắt kịp thời không để xảy ra cháy lớn. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 ước đạt 53,46%, tăng 0,66% so với năm 2015.
Nhờ sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng rừng sản xuất theo hướng tăng tỷ lệ cây bản địa, cây đa tác dụng, đa mục tiêu, cây có năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Do đó, diện tích đất trống ngày càng thu hẹp, tăng diện tích rừng trồng tập trung lên 51.900 ha, bình quân mỗi năm trồng 10.380 ha, năng suất rừng trồng tăng 3-5m3/ha/năm so với năm 2015; trồng cây phân tán bình quân 2 triệu cây/năm; diện tích chăm sóc rừng bình quân 42.552 ha/năm, khoanh nuôi, làm giàu rừng, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên đạt tiêu chí thành rừng trên 9.100 ha. Công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp tiếp tục được tăng cường, đã cơ bản giải quyết dứt điểm tình trạng sử dụng giống không rõ nguồn gốc đưa vào trồng rừng.
Song song với QLBV&PTR, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị đa dạng sinh học được quan tâm đúng mức. Hiện có trên 82.000 ha rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt; các cơ sở gây nuôi các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đã được cấp mã số; đã điều tra, thống kê và đưa vào quản lý chặt chẽ 146 loài thực vật bậc cao trên cạn, 16 loài thực vật rừng ngập mặn, 4 loài côn trùng, 30 loài chim, 34 loài thú, 49 loài lưỡng cư, 21 loài bò sát có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới...
Thanh Hóa đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về dừng khai thác, tận thu, tận dụng gỗ rừng tự nhiên; hầu hết các chủ rừng Nhà nước đã và đang triển khai xây dựng phương án quản lý rừng bền vững qua đó góp phần tác động tích cực đến nhiệm vụ bảo vệ rừng, thúc đẩy phát triển rừng trồng, sử dụng tài nguyên rừng bền vững, phù hợp với xu thế của quốc tế. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đến năm 2020 ước đạt 800.000m3, tăng 396.084m3; tre luồng 61,4 triệu cây, tăng 16,4 triệu cây; nguyên liệu giấy ngoài gỗ 83.000 tấn, tăng 12.891 tấn so với năm 2015.
Vững tin vượt khó
Là địa phương có diện tích rừng chiếm trên 53% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, lớn thứ 3 toàn quốc, lại có địa hình tương đối phức tạp nhưng được sự quan tâm của các cấp, các ngành vì vậy hệ thống cơ chế, chính sách, bộ máy quản lý ngành lâm nghiệp từng bước được hoàn thiện; kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý bảo vệ rừng được tăng cường... giá trị môi trường rừng đang được chuyển hóa thành nguồn lực kinh tế. Mặt khác, Thanh Hóa đã có bước chuẩn bị kỹ lưỡng sẵn sàng hội nhập sâu rộng, thông qua Hiệp định về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), mở cánh cửa lớn cho sản phẩm gỗ sang thị trường chung châu Âu (EU) và các nước trên thế giới, là tín hiệu lạc quan để ngành xuất khẩu gỗ trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành lâm nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu ngày càng tác động rõ nét đến sản xuất lâm nghiệp, thời tiết nắng nóng và diễn biến thất thường, tiềm ẩn nguy cơ cao gây cháy rừng; nhu cầu về gỗ, lâm sản, đất sản xuất của Nhân dân ngày càng gia tăng, tạo áp lực lớn đối với rừng tự nhiên. Trong khi, hạ tầng phát triển lâm nghiệp chưa đồng bộ, cơ cấu giống cây trồng lâm nghiệp chưa phong phú, việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất còn hạn chế, chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị kinh tế thấp, sức cạnh tranh yếu; chu kỳ sản xuất lâm nghiệp dài, nhiều rủi ro, phân bố chủ yếu ở miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, làm giảm sức hút đầu tư vào kinh doanh phát triển rừng.
Vì vậy, trong thời gian tới ngành lâm nghiệp Thanh Hóa cần có những định hướng chiến lược, cụ thể: Trước mắt tập trung xây dựng phương án quy hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Để đạt được mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững vốn rừng hiện có, đặc biệt là vốn rừng tự nhiên; phát huy giá trị môi trường, đa dạng sinh học của rừng, tạo thu nhập ổn định, nâng cao mức sống cho người dân, nhất là đồng bào các dân tộc sinh sống ở khu vực miền núi, toàn ngành cần thực hiện tốt các nhóm giải pháp như:
Giải pháp về chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; huy động vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp, tư nhân và hộ gia đình, đầu tư phát triển, đầu tư nước ngoài; chú trọng chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và lao động trong lĩnh vực lâm nghiệp, các chuyên gia và nhà khoa học giỏi; từ đó có cơ chế, chính sách bảo vệ, phát triển rừng gắn với sinh kế của người dân.
Đồng thời, đề ra giải pháp về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tạo đòn bẩy phát triển lâm nghiệp, ưu tiên các công trình phục vụ bảo vệ rừng, cơ sở hạ tầng vận chuyển chế biến lâm sản. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, hình thành các liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Thị trường tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp cũng là một trong những vấn đề thiết yếu trong việc bảo vệ và phát triển rừng, trong đó tập trung 2 sản phẩm chủ lực (gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre luồng và sản phẩm từ tre luồng) và các sản phẩm lợi thế của tỉnh (dược liệu, quế...).
Với những thành tựu đã đạt được, cùng với những giải pháp cụ thể, thiết thực, đây sẽ là cơ sở vững chắc để ngành lâm nghiệp Thanh Hóa thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.