Phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong đòi hỏi một cơ chế hợp tác hiệu quả

Bên lề Diễn đàn quốc tế Mekong (Mekong International Forum) lần thứ tư, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh đã chia sẻ với TG&VN những câu chuyện 'nóng hổi' liên quan đến chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững ở tiểu vùng sông Mekong.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh. (Ảnh: Tuấn Anh)

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đại sứ đánh giá như thế nào về chủ đề "Chuyển đổi năng lượng hướng tới phát triển bền vững ở tiểu vùng sông Mekong" của Diễn đàn quốc tế Mekong (Mekong International Forum) năm nay?

Đây là lần thứ tư Diễn đàn quốc tế Mekong được tổ chức và rõ ràng Diễn đàn đã quy tụ được các chuyên gia hàng đầu thế giới và khu vực cùng những người quan tâm đến an ninh nguồn nước và phát triển bền vững ở tiểu vùng sông Mekong.

Diễn đàn là nơi các bên cùng trao đổi về mối quan tâm chung làm sao vừa bảo đảm được an ninh nguồn nước, sự thích ứng với môi trường và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo tính bền vững của dòng Mekong.

Những câu chuyện "nóng hổi" nhất được đặt ra ở đây đó là: làm sao hợp tác, quản lý được nguồn nước ở dòng sông Mekong; tiếp đến là câu chuyện về chuyển đổi xanh. Năng lượng là điều rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở một khu vực phát triển năng động như tiểu vùng sông Mekong. Đi cùng với đó là tác động của biến đổi khí hậu và những cam kết về thích ứng biến đổi khí hậu mà mục tiêu Net Zero đang đặt ra cho tất cả các nước.

Để đạt được những mục tiêu này, chúng ta cần phải chuyển đổi xanh mà ở đây là chuyển đổi sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Chính vì vậy, câu chuyện chuyển đổi năng lượng sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo cũng là một chủ đề rất quan trọng của Diễn đàn lần này.

Theo tôi, cơ hội và thách thức đều đang song hành. Về cơ hội, sự cam kết của các nước, những cơ hội hợp tác với các đối tác phát triển là rất lớn. Nhưng đồng thời còn đó những thách thức không nhỏ.

Thứ nhất, quá trình chuyển đổi năng lượng sang năng lượng xanh, sạch cần cả một quá trình, thời gian, tiền bạc, công nghệ và hợp tác quốc tế.

Thứ hai, trong quá trình chuyển đổi đó vẫn cần đảm bảo đủ nguồn năng lượng để phát triển.

Thứ ba, những cơ chế hợp tác khu vực và với bên ngoài tiểu vùng sông Mekong, làm sao phải phát huy được một cách hiệu quả nhất. Các nước có thể thúc đẩy, hỗ trợ với nhau cùng hợp tác.

Trước bối cảnh đang đặt ra như vậy, Diễn đàn quốc tế Mekong (Mekong International Forum) là nơi các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, học giả cùng trao đổi, xem xét những vấn đề, cơ hội và thách thức; đưa ra những kiến nghị, biện pháp cụ thể. Từ đó, làm sao đưa những sáng kiến, giải pháp được bàn thảo lên kênh Chính phủ để thúc đẩy những hợp tác vì mục tiêu chung.

Theo Đại sứ, đâu là thách thức lớn nhất trong việc hiện thực hóa những mục tiêu chung mà chúng ta đưa ra?

Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất là câu chuyện giữa bảo đảm năng lượng và phát triển bền vững. Rõ ràng, quốc gia nào cũng muốn phát triển. Muốn phát triển thì luôn cần năng lượng. Làm sao để phát triển bền vững? Điều này cần sự hợp tác và chung tay của tất cả các nước.

Bên cạnh đó, vì chúng ta đều đang sử dụng nguồn nước chung của dòng sông Mekong nên câu chuyện hợp tác giữa đầu nguồn, hạ nguồn, làm sao bảo đảm an ninh nguồn nước trên dòng sông này một cách hiệu quả.

Mục tiêu thì trùng nhau nhưng quan điểm của các nước thì không phải lúc nào cũng trùng nhau. Vì vậy, cần phải đưa ra những sáng kiến phù hợp để các nước có thể khởi động ngay các bước đi cụ thể, thực chất ở những góc độ khác nhau.

Vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy những mục tiêu chung trong tiểu vùng sông Mekong?

Câu chuyện của Việt Nam với tiểu vùng sông Mekong phải được nhìn qua một bức tranh rất rộng. Đầu tiên, chúng ta thống nhất quan điểm phải phát triển bền vững dòng sông Mekong và tiểu vùng Mekong.

Khi chúng ta xác định cùng có chung một dòng sông, cần phải có sự quản lý, hợp tác làm sao sử dụng nguồn nước một cách hiệu quả nhất, đồng thời phải bảo đảm yếu tố môi trường và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Trong khu vực, có rất nhiều cam kết về chuyển đổi xanh và chuyển đổi sạch. Để đáp ứng được những cam kết đó, từng quốc gia phải đặt ra những chương trình riêng của mình, cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế. Việt Nam cũng cần có sự tham gia, đóng góp vào quá trình này.

Quang cảnh sông Mekong đoạn giáp với Thái Lan và Lào nhìn từ Nong Khai, Thái Lan. (Nguồn: MRC)

Quang cảnh sông Mekong đoạn giáp với Thái Lan và Lào nhìn từ Nong Khai, Thái Lan. (Nguồn: MRC)

Hiện chúng ta đang có nhiều Diễn đàn khác nhau, kể cả chính thức và phi chính thức: các Hội nghị cấp cao ASEAN; Hội nghị cấp cao của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC), Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) của Mỹ, Hợp tác Mekong-Nhật Bản, Mekong-Hàn Quốc, Hợp tác Mekong-Lan Thương.

Việt Nam mong muốn những Diễn đàn, cơ chế này phải phục vụ mục tiêu chung là phát triển bền vững trong khu vực, bảo đảm an ninh nguồn nước, lợi ích của cả thượng nguồn và hạ nguồn; hợp tác hiệu quả để thúc đẩy chuyển đổi xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam đóng vai trò tích cực trong các cơ chế khu vực và thế giới để xây dựng mục tiêu chung này.

Trong hơn hai thập niên qua, đặc biệt là những năm gần đây, hợp tác ở khu vực lưu vực sông Mekong ngày càng trở nên sôi động với sự đan xen của nhiều cơ chế khác nhau. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, một số cơ chế hợp tác chưa thực sự phát huy tính hiệu quả. Đại sứ bình luận thế nào về ý kiến này?

Có lẽ, chúng ta cần phải nhìn trên cả hai góc độ, cả về góc độ hợp tác phát triển và hợp tác tăng cường phát triển kinh tế. Tiếp đến là trách nhiệm từ cả hai chiều, đó là các quốc gia trên dòng sông Mekong khi phát triển kinh tế xã hội thì cũng cần phải ý thức việc sử dụng nguồn nước một cách bền vững.

Ngoài ra, một vấn đề nữa là việc sử dụng hiệu quả các nguồn nước vào các đập theo thời vụ một cách hiệu quả. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của nước thượng nguồn cần chung tay với nước hạ nguồn để tạo ra cơ chế hợp tác làm sao cùng có lợi cho các nước trên lưu vực sông Mekong.

Hiện nay, Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) là cơ chế hợp tác Mekong lâu đời nhất và là cơ chế duy nhất hoạt động dựa trên một hiệp định quốc tế nhằm tạo khuôn khổ hợp tác phát triển bền vững, sử dụng, bảo vệ và quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của khu vực. Trung Quốc là quốc gia ở thượng nguồn của sông Mekong nhưng lại không phải là thành viên của cơ chế hợp tác này. Cơ chế Hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) cũng hầu như không bàn về câu chuyện bền vững của dòng Mekong mà chỉ đề cập những biện pháp hợp tác kỹ thuât cụ thể rất nhỏ.

Rõ ràng, khu vực tiểu vùng sông Mekong đòi hỏi một cơ chế hợp tác hiệu quả trong việc sử dụng chung nguồn nước từ đầu nguồn ở Trung Quốc cho đến những quốc gia xuống cuối nguồn chuẩn bị chảy ra biển như Việt Nam, phải làm sao để các nước thượng nguồn và hạ nguồn đều có thể được hưởng lợi ích chung từ dòng sông.

Chúng ta hiện có một số biện pháp như phối hợp xả nước, cung cấp dữ liệu nhưng đó chỉ là những bước đi ban đầu, mang tính thể hiện hợp tác và xây dựng lòng tin, chưa thể thay thế một cơ chế hiệu quả vì sự bền vững của dòng sông Mekong.

Cả khu vực và thế giới đều đang có những nỗ lực hướng đến điều này, mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức. Mong rằng, với những Diễn đàn như Diễn đàn quốc tế Mekong, các hội thảo quốc tế, hay nền tảng trực tuyến Mekong Dams Monitor - cung cấp các công cụ cơ sở dữ liệu truy cập mở để góp phần theo dõi các vấn đề sinh thái liên quan sông Mekong của Trung tâm Stimson (Mỹ)... có thể tạo động lực thúc đẩy các nước cùng hợp tác với nhau nhiều hơn vì sự phát triển bền vững của dòng Mekong.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Là con sông dài nhất Đông Nam Á, dài thứ 7 châu Á và dài thứ 12 thế giới, Mekong chảy qua 6 quốc gia gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Lưu vực sông Mekong là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất trên thế giới, cung cấp sinh kế cho khoảng 66 triệu người, 10% tổng dân số ASEAN.

Sông Mekong cung cấp nguồn thực phẩm, nước tưới tiêu cho cây trồng và là tuyến đường vận chuyển hàng hóa và con người. Ngoài ra, tiểu vùng sông Mekong có vị trí địa lý đặc biệt, là nơi kết nối khu vực ASEAN với hai nền văn hóa - kinh tế lớn nhất thế giới: Trung Quốc và Ấn Độ.

Sông Mekong hiện nay là nơi hội tụ của hơn 15 cơ chế hợp tác. Trong đó, một số cơ chế hợp tác có sự tham gia của một số hoặc tất cả các quốc gia sông Mekong và một số cơ chế hợp tác khác liên quan đến các quốc gia bên ngoài khu vực.

Trong hợp tác với các nước lớn ngoài khu vực, Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) là một cơ chế tiêu biểu với sự tham gia của Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, và Việt Nam. Các nền tảng hợp tác thể hiện rằng tiểu vùng Mekong có mối quan tâm kinh tế và địa chiến lược đáng kể đối với nhiều cường quốc ngoài khu vực.

Hồng Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phat-trien-ben-vung-tieu-vung-song-mekong-doi-hoi-mot-co-che-hop-tac-hieu-qua-288060.html