Phát triển bền vững vùng cam Cao Phong: Bài 3 - Phát triển bài bản, cam Cao Phong sẽ tiếp tục khẳng định và nâng cao vị thế

Cam Cao Phong đang có nguy cơ rơi vào thoái trào. Đó là từ mà không ai muốn nhắc đến nhưng cần nhìn nhận đúng để có giải pháp, định hướng đúng mới phát triển bền vững và bảo vệ danh tiếng thương hiệu nông sản mạnh nhất tỉnh được cấp chỉ dẫn địa lý (CDĐL).

>> Bài 1 - Giữ thương hiệu nông sản nổi tiếng

>> Bài 2 - Thách thức trong phát triển bền vững

Anh Phạm Văn Bách có vườn cam V2 trên 1 ha tại xã Thu Phong (Cao Phong) được cấp chứng nhận VietGAP.

Anh Phạm Văn Bách có vườn cam V2 trên 1 ha tại xã Thu Phong (Cao Phong) được cấp chứng nhận VietGAP.

Nhìn lại lịch sử cây cam ở Cao Phong, cam từng có thời kỳ hoàng kim vào những năm 70, được xuất khẩu sang Liên Xô (cũ). Sau đó, vì nhiều nguyên nhân, diện tích, sản lượng cam giảm dần, rơi vào thoái trào. Tới những năm đầu tái lập tỉnh, khi thực hiện cơ chế khoán, cam Cao Phong dần hồi sinh và năm 2006 có sức bật khi Huyện ủy có nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng cây ăn quả. Song những năm chưa có thương hiệu, cam Cao Phong từng long đong, lép vế trên thị trường, giá chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nay khi có thương hiệu, giá cam tăng lại gặp khó khăn lớn từ sâu bệnh hại, chất lượng đất... Nhìn lại để thấy rằng, từ định hướng, quy hoạch, quản lý quy hoạch, đến kiểm soát nguồn giống, quy trình canh tác… hết sức quan trọng để tạo được vị thế, tính bền vững cho sản phẩm, vùng trồng.

Trước tình hình cây ăn quả có múi (CĂQCM) của tỉnh và tại Cao Phong, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2078/QĐ-UBND, ngày 16/9/2021 phê duyệt đề án "Tái canh CĂQCM tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Xác định tổ chức lại sản xuất với vai trò nòng cốt là doanh nghiệp, HTX liên kết chặt với hộ sản xuất theo chuỗi giá trị; khép kín, đồng bộ từ khâu tổ chức sản xuất đến thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Trong đó, với vai trò là vùng lõi CĂQCM của tỉnh, giai đoạn 2021-2025 tập trung tái canh trên địa bàn huyện Cao Phong, quy mô khoảng 1.500 ha cam, quýt. Đưa toàn bộ vùng sản xuất CĂQCM huyện đạt các chỉ tiêu: Ít nhất 75% số hộ sản xuất là thành viên của doanh nghiệp, HTX và được giám sát chặt chẽ quy trình canh tác; đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mỗi xóm, xã chỉ 1-2 giống chủ lực để hình thành các vùng trồng thuần loài, đạt quy mô diện tích để được cấp mã số vùng trồng (tối thiểu 10 ha/mã số). Đảm bảo cơ cấu nhóm giống rải vụ trong toàn huyện: 30% chín sớm, 40% chính vụ, 30% chín muộn (hiện tương ứng là 35% - 45% - 20%). Đặc biệt là đảm bảo các yêu cầu về kiểm soát nguồn giống, tạo quỹ đất sạch bệnh và đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng trồng như bê tông hóa đường nội đồng, cung cấp đủ điện lưới cho diện tích sản xuất tập trung, cơ sở sơ chế, chế biến…

Để đề án tái canh thực hiện hiệu quả tại huyện Cao Phong, theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Hồng Yến: Huyện cần thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng thời, huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ T.Ư, địa phương, doanh nghiệp, HTX, người dân. Xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm, cả giai đoạn. Chú trọng khâu rà soát, đánh giá hiện trạng sản xuất từng khu vực, từ đó lập kế hoạch trồng mới cho từng vườn đảm bảo tiêu chí vùng trồng thuần, kết hợp tăng cường chăm sóc diện tích hiện có. Giống là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả sản xuất nên cần đảm bảo 100% nguồn cây giống sạch bệnh, rõ nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng giống cam. 100% diện tích trước khi trồng mới được cải tạo đất bằng giải pháp luân canh cây trồng khác, nhất là cây họ đậu, sử dụng các sinh vật đối kháng, tăng cường phân hữu cơ, sinh học. Loại trừ yếu tố nguồn sâu bệnh trong đất trước khi đặt cây giống. Bảo vệ rừng đầu nguồn, tạo nguồn sinh thủy.

Nếu tổ chức lại sản xuất tốt, cam Cao Phong sẽ tiếp tục khẳng định thương hiệu, nâng cao vị thế trên thị trường và góp phần đắc lực bảo vệ môi trường. Mục tiêu đến năm 2025: 100% diện tích giai đoạn kinh doanh đủ điều kiện ATTP, trong đó, trên 85% diện tích được cấp chứng nhận ATTP, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… Ít nhất 70% sản lượng quả tươi được sơ chế đạt yêu cầu, truy xuất được nguồn gốc trước khi đưa ra thị trường, được tiêu thụ qua hợp đồng; 10% quả tươi được chế biến. Cấp được ít nhất 50 mã số vùng trồng và 10 mã số cơ sở đóng gói. Ít nhất 10% sản lượng quả tươi hay sản phẩm sơ chế, chế biến được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên... Đây là những cơ sở để cam Cao Phong khẳng định, duy trì niềm tin với người tiêu dùng và vươn tới những mục tiêu xa hơn như xuất khẩu chính ngạch.

Đẩy mạnh phối hợp, liên kết, xây dựng chuỗi giá trị

Để phát triển bền vững vùng cam Cao Phong, vấn đề liên kết, xây dựng chuỗi giá trị vô cùng quan trọng. Các khâu liên kết (Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - ngân hàng - doanh nghiệp, HTX) trong sản xuất, tiêu thụ cam cần được thực hiện và đẩy mạnh. Khâu thị trường cũng cần xác định cụ thể là thị trường nào, dự báo nhu cầu, tránh việc cứ trồng mới tính chuyện bán sau.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Nhuận góp ý: Cùng với các giải pháp về cải tạo đất, giống, các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án ưu tiên trong đề án tái canh như: Dự án cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất; xây dựng nhà máy chế biến cam Cao Phong… Huyện và các sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.

Vấn đề quản lý sở hữu trí tuệ (SHTT) quan trọng nhưng thời gian qua thực hiện chưa chặt chẽ ở các cấp. Do đó, Phó Giám đốc Sở KH&CN Phạm Thế Hải cho rằng: Sở KH&CN, cùng Sở NN&PTNT, Công Thương, Cục Quản lý thị trường, huyện và các cơ quan liên quan cần phối hợp quản lý CDĐL cam Cao Phong, nhằm phát huy hiệu quả, nâng cao nhận thức của người sản xuất, tiêu dùng đối với sản phẩm mang CDĐL. Thực hiện các giải pháp bảo vệ, ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền SHTT "Cao Phong” trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Xây dựng, hoàn thiện chính sách hỗ trợ đăng ký SHTT ở các thị trường xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, chế biến cam để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra những sản phẩm mới duy trì tính đặc thù. Hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc kết nối với cổng truy xuất quốc gia cho từng hộ sản xuất, kinh doanh cam; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, ISO, HACCP…) cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất.

Là người tâm huyết với việc thành lập HTX, Giám đốc HTX 3T Farm Vũ Thị Lệ Thủy mong: Vùng cam Cao Phong được tổ chức lại sản xuất bài bản, có sự liên kết nhiều hơn, chặt chẽ hơn để tạo ra sản phẩm đồng đều về mẫu mã, chất lượng, "bắt tay” được với các "ông lớn”. Người dân tham gia nhiều hơn vào HTX để có sự đồng bộ và có ý thức phát triền bền vững, tránh tư tưởng thời vụ, nhỏ lẻ, chộp giật. Muốn "đi xa” cần phải đi cùng nhau.

Trước những yêu cầu đặt ra, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong Quách Văn Ngoan cho biết: Huyện đã, đang triển khai các biện pháp nhằm giữ vững và phát triển thương hiệu cam nổi tiếng. Trong đó, lấy ý kiến xây dựng và triển khai Đề án tái canh CĂQCM. Xác định cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền và ủng hộ của doanh nghiệp, HTX, người dân. Mong tỉnh, Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ để thực hiện hiệu quả đề án. Trong đó có việc hỗ trợ thiết lập trung tâm logistics CĂQCM tại huyện để hỗ trợ thị trường tiêu thụ, giảm khâu trung gian.

Cẩm Lệ

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/161101/phat-trien-ben-vung-vung-cam-cao-ph111ng-bai-3--phat-trien-bai-ban,-cam-cao-ph111ng-se-tiep-tuc-khang-dinh-va-nang-cao-vi-the.htm