Phát triển các không gian sáng tạo ở Hà Nội

Kể từ khi tham gia mạng lưới sáng tạo của Unesco, Hà Nội đã có nhiều chính sách và động thái hỗ trợ để các không gian sáng tạo phát triển. Hiện nay, Hà Nội có khoảng 60 không gian sáng tạo, trong đó có 7 không gian làm việc chung, 42 không gian văn hóa - nghệ thuật và một số các không gian sáng tạo khác.

Bên cạnh việc duy trì bẳn sắc truyền thống, Hà Nội đã trở thành vườn ươm sáng tạo thu hút nhiều giới trẻ tham gia.

Từ các hoạt động triển lãm, giới thiệu sản phẩm nghệ thuật, các buổi trình diễn ca nhạc, phục dựng lại các di sản văn hóa đã biến những không gian sáng tạo trở thành điểm dến hấn dẫn làm phong phú diện mạo đời sống đô thị thủ đô.

Không gian sáng tạo trên nền di sản văn hóa

Vài năm trở lại đây, Hà Nội đã trở thành một trong những điểm đến nổi tiếng với những không gian sáng tạo nghệ thuật trên nền các di sản văn hóa vốn có.

Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm - nơi mà những người thuộc thế hệ trước ở Hà Nội vẫn quen gọi là Hội quán Quảng Đông, giờ đã trở thành một điểm hẹn văn hóa thu hút đông đảo người dân và du khách, chuyên chở những ký ức đậm sắc hương Hà Nội, những ký ức ghi dấu ấn giao thoa văn hóa một thời của phố cổ Hà Nội.

Ông Đỗ Anh Đức - Phó Chủ nhiệm CLB cây cảnh phố cổ Hà Nội cho biết: "Ngôi nhà 22 Hàng Buồm hay Hội quán Quảng Đông xưa là một nơi rất là ý nghĩa, ta có thể lấy nơi này làm minh chứng cho bạn bè quốc tế biết về lịch sử của Thăng Long nghìn năm văn hiến, có rất nhiều màu sắc về nghệ thuật, về văn hóa và có nhiều điểm làm mình cảm thấy ấn tượng".

Bên cạnh địa chỉ 22 Hàng Buồm thì những di sản xưa như 50 Đào Duy Tư hay 87 Mã Mây cũng đang trở thành những địa điểm hút khách tham quan trong thời gian trở lại đây.

Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm - Hội quán Quảng Đông là điểm đến thu hút du khách và người dân thủ đô.

Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm - Hội quán Quảng Đông là điểm đến thu hút du khách và người dân thủ đô.

Những triển lãm, workshop và những hoạt động biểu diễn nghệ thuật mang đậm dấu ấn truyền thống khi được kết hợp với không gian kiến trúc cổ, với những trụ nhà gỗ hay mái đình cong cong đã tạo nên một trải nghiệm thú vị cho du khách khi tới với Thủ đô.

Bà Trần Thị Thúy Lan - Phó Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết: "Cái mong muốn của Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cũng như các đơn vị phối hợp là sẽ bảo tồn được giá trị di sản về truyền thống và cũng đồng thời mong muốn đưa đến du khách những nội dung liên quan đến Phố, Hàng còn hiện hữu trong phố cổ Hà Nội".

Theo các chuyên gia văn hóa các không gian sáng tạo của Hà Nội độc đáo, khác lạ đó chính là được xây dựng trên nền các công trình di sản văn hóa vốn có của Thủ đô.

Khai thác các giá trị từ không gian sáng tạo là một bước đi hiệu quả và đầy tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế của thủ đô.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết: "Chúng ta thấy rằng chính quyền quận Hoàn Kiếm hay là toàn thành phố Hà Nội, kể cả cộng đồng nghệ sĩ đều coi quận Hoàn Kiếm là một bài toán, một phép thử khó khăn nhất. Nếu chúng ta phát triển được không gian công cộng quận Hoàn Kiếm, đồng nghĩa chúng ta có thể phát triển không gian công cộng trên khắp các địa bàn toàn thành phố".

Mô hình sáng tạo cho giới trẻ thủ đô

Khu tổ hợp Complex 01 nằm trong con ngõ nhỏ, đối lập với tiếng ồn của đô thị tấp nập và khói bụi là những bức tường gạch đỏ xù xì, thô ráp. Những bậc thang kim loại rỉ sét khơi gợi cảm giác bụi bặm.

Cũng được gọi là di sản nhưng, đây là di sản công nghiệp trên nền tòa nhà cũ, nay được thành hình trở thành nơi sinh hoạt định kỳ của giới trẻ.

Complex 01 đã khéo léo kết hợp các chất liệu xưa cũ với không gian hiện đại và làm nổi bật những giá trị thời gian, lịch sử và văn hóa của thủ đô. Qua đó giới trẻ sẽ có cảm giác như được trở về quá khứ, được trải nghiệm hành trình từ quá khứ tới hiện tại rồi tương lai.

Không gian rộng rãi vừa phải và sức hút cổ điển xưa cũ của tổ hợp Complex 01.

Không gian rộng rãi vừa phải và sức hút cổ điển xưa cũ của tổ hợp Complex 01.

Không chỉ đem đến không gian thú vị giữa lòng thủ đô. Khu tổ hợp này còn quy tụ nhiều hoạt động hấp dẫn, có thể đến những buổi triển lãm đặc sắc, những màn biểu diễn nghệ thuật lắng đọng hay những buổi hội thảo mang lại nhiều kiến thức.

Chuyển đổi các cơ sở sản xuất cũ thành không gian sáng tạo đang là xu hướng được nhiều quốc gia áp dụng. Tại Hà Nội, phương pháp này đang thổi luồng sinh khí mới vào không gian cũ, bảo tồn ký ức và lịch sử. Đồng thời mang lại lợi ích kinh tế, thúc đẩy sự sáng tạo nghệ thuật cho thủ đô.

Sáng tạo không gian nghệ thuật công cộng

Nếu người dân đã từng quen thuộc với tấm áp phích quảng cáo tiếng Pháp còn sót lại từ thời Pháp thuộc hiện diện trên bức tường của trạm biến áp tại Cửa Nam thì nay đối diện với bức tường này là một số bức quảng cáo thương hiệu áo dài Le Mur.

Một mặt khác thì vẽ lại các bức quảng cáo thương hiệu xe Renault, Citroen… từng sử dụng lốp xe Goodyear thời kỳ đó.

Và phần còn lại của trạm biến áp cũng vẽ lại bức tranh lụa “Chợ hoa Xuân” của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị với khổ lớn trên bức tường đối diện với ngôi nhà cổ của họa sĩ tại Cửa Nam, nơi ra đời bức tranh.

Ra mắt cùng lúc với dự án nghệ thuật công cộng tại Vườn hoa Cửa Nam, dự án ga long biên là sự kết nối với dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng thông qua phố Gầm Cầu.

Bằng cách đối thoại và tương tác với chính câu chuyện của nhà ga lịch sử này, các họa sĩ đã mang đến một diện mạo mới trên một không gian cũ của phố phường Hà Nội.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn và nhóm họa sĩ khác bên tác phẩm đã hoàn thành của Dự án nghệ thuật công cộng Ga Long Biên.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn và nhóm họa sĩ khác bên tác phẩm đã hoàn thành của Dự án nghệ thuật công cộng Ga Long Biên.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết: "Đầu tiên chính là mảng vẽ tranh 3D về cái đầu tàu Đổi mới mà chúng ta nhìn thấy rất là nổi bật. Sau đó là phần sắp đặt ánh sáng của những cái đèn lồng lấy cảm hứng từ đèn hiệu hỏa xa, được chạm trổ bởi những họa tiết khói tàu hỏa và mây, gợi cho chúng ta cảm giác về 1 bức điêu khắc cổ, đến buổi tối khi thành phố lên đèn, ánh sáng của nó sẽ tạo cảm giác lung linh cho không gian này. Ngoài ra, các bạn cũng có thể thấy hình bóng của những người phụ nữ làm từ gương và có khả năng tương tác với chính người xem".

Những dự án nghệ thuật công cộng này giúp nối dài trải nghiệm của người dân và du khách trên dọc tuyến đường Phùng Hưng, nơi đã từng được biết đến như một địa chỉ thu hút du khách trong suốt 7 năm trở lại đây.

Thông qua cách tiếp cận mới bằng nghệ thuật, những không gian có tính lịch sử, không gian di sản của Thủ đô sẽ sẽ được làm mới, chuyển tải thông điệp mới, thu hút du khách cũng như tăng cường yếu tố văn hóa nghệ thuật cho các không gian trong đô thị.

Đồng thời thể hiện sự nỗ lực của các họa sĩ trong việc phát huy giá trị các không gian có tính lịch sử, không gian di sản trong địa bàn quận thông qua cách tiếp cận mới bằng nghệ thuật, dần tạo thêm nhiều điểm đến.

Thu Trà

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/phat-trien-cac-khong-gian-sang-tao-o-ha-noi-274184.htm