Phát triển các trường sư phạm trọng điểm đáp ứng vai trò 'đầu tàu'

Mùa tuyển sinh năm học 2019-2020, nhiều trường cao đẳng sư phạm trên cả nước vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng không tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường phải đóng một số ngành do số lượng thí sinh đăng ký quá ít.

Thực trạng này đang đặt ra bài toán quy hoạch, sắp xếp lại các trường sư phạm để bảo đảm chất lượng đào tạo. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Bà nhìn nhận, đánh giá như thế nào về hoạt động của hệ thống các trường sư phạm thời gian qua?

TS Nguyễn Thị Kim Phụng: Hiện nay, cả nước có 154 cơ sở đào tạo giáo viên (ĐTGV), bao gồm: 15 trường đại học sư phạm, 48 trường đại học đa ngành có ĐTGV, 30 trường cao đẳng sư phạm, 19 trường cao đẳng đa ngành có ĐTGV, 2 trường trung cấp sư phạm và 40 trường trung cấp đa ngành đang ĐTGV mầm non. Trong những năm qua, các cơ sở ĐTGV đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới GD-ĐT, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

 Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Tuy nhiên, đến nay hệ thống cơ sở ĐTGV đã dần bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Việc mở rộng số lượng cơ sở ĐTGV để đào tạo tại chỗ trong giai đoạn trước dẫn đến xu hướng tập trung vào số lượng mà chưa chú trọng đầu tư các điều kiện bảo đảm chất lượng. Phân bố các cơ sở ĐTGV chưa hợp lý, còn quá dàn trải, phân tán và nhỏ lẻ. Nhiều cơ sở ĐTGV trên cùng một địa bàn bị trùng lắp về chức năng và nhiệm vụ. Chương trình ĐTGV giữa các trường không thống nhất, đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng. Hiện tượng sinh viên tốt nghiệp sư phạm ra trường làm không đúng ngành đào tạo hoặc chưa tìm được việc làm, gây lãng phí.

PV: Có ý kiến cho rằng, số lượng các trường ĐTGV hiện nay đang nhiều hơn so với nhu cầu thực tế. Bà có đồng tình với quan điểm này?

TS Nguyễn Thị Kim Phụng: Nếu chỉ nhìn vào số lượng 154 trường có ĐTGV thì không có căn cứ để nói là nhiều hay ít hơn so với nhu cầu, vì có đến gần 70% trong số các trường này là trường đào tạo đa ngành cũng như ở nhiều trường sư phạm cũng đã phát triển các ngành đào tạo ngoài sư phạm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động. Vấn đề là năng lực đào tạo của các trường ĐTGV có đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng giáo viên hay không.

 Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng.

Hơn 5 năm qua, trước thực tế bão hòa nhân lực sư phạm, Bộ GD-ĐT đã chủ động có những giải pháp quản lý chặt chẽ quy mô đào tạo sư phạm. Đặc biệt, từ năm 2018, các trường sư phạm chỉ được giao chỉ tiêu đào tạo mới khoảng 60-70% so với nhu cầu các địa phương. Bên cạnh đó, việc xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào sư phạm theo quy định của Bộ GD-ĐT và từng bước thực hiện chủ trương nâng chuẩn trình độ giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục 2019 nên thực tế các trường sư phạm chỉ tuyển được khoảng 30-40%. Những biện pháp nói trên phần nào làm giảm khoảng cách giữa cung và cầu trong đào tạo sư phạm.

PV: Bộ GD-ĐT đang dự thảo để trình Chính phủ đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường ĐTGV và hình thành một số trường sư phạm trọng điểm. Liệu đề án này có giải quyết được những bất cập trong ĐTGV hiện nay không, thưa bà?

TS Nguyễn Thị Kim Phụng: Thực tế hiện nay có hiện tượng thừa, thiếu cục bộ giáo viên giữa các cấp học và giữa các địa phương. Để khắc phục những hạn chế trong công tác ĐTGV hiện tại, Bộ GD&ĐT đã xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường đào tạo sư phạm và hình thành một số trường đào tạo sư phạm trọng điểm. Theo đó, đề án đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp.

Về quản lý nhà nước, đề án xây dựng bộ chuẩn trường sư phạm, chuẩn chương trình ĐTGV và hướng dẫn đánh giá các chuẩn; rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế và hoàn thiện chính sách hỗ trợ các cơ sở ĐTGV thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật; thực hiện dự báo nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) tại các cơ sở ĐTGV…

Với nhóm giải pháp về bảo đảm chất lượng, đề án sẽ đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và kiểm định chương trình ĐTGV; xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư phát triển một số trường sư phạm trọng điểm nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế; đổi mới quản trị đại học, tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở ĐTGV cùng với cơ chế quản lý và giám sát hiệu quả…

Về phát triển đội ngũ, đề án sẽ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và CBQLGD; tiếp tục đầu tư hỗ trợ các cơ sở ĐTGV trong đào tạo đội ngũ giảng viên ở trong và ngoài nước đạt trình độ tiến sĩ; đổi mới và hoàn thiện chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ nhà giáo; đẩy mạnh việc phát triển, thu hút đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong nước và ngoài nước tham gia vào các chương trình, dự án nghiên cứu, chương trình ĐTGV tại các cơ sở ĐTGV.

Nhóm giải pháp tài chính tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, học liệu, tiềm lực khoa học công nghệ, phát triển các trường sư phạm trọng điểm quốc gia nhằm đáp ứng vai trò đầu tàu trong hệ thống sư phạm; đẩy mạnh thu hút nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn ODA, FDI đầu tư cho các cơ sở ĐTGV và chương trình ĐTGV.

Nhóm giải pháp truyền thông sẽ đổi mới, đa dạng các hình thức truyền thông nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, giảng viên, người lao động trong hệ thống cơ sở ĐTGV tích cực, chủ động tham gia vào quá trình kiện toàn tổ chức và xây dựng cơ chế quản trị hiệu quả trong điều kiện thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

NGUYỄN HOÀI (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/phat-trien-cac-truong-su-pham-trong-diem-dap-ung-vai-tro-dau-tau-590784